Cụ thể, trong gần 3 tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam hơn 823 triệu USD, với 58 dự án đăng ký cấp mới và 177 lượt góp vốn mua cổ phần.
Số vốn của Trung Quốc chỉ đứng sau hai đối tác là Singapore (hơn 910 triệu USD), Hàn Quốc (hơn 3,7 tỷ USD), còn lại vượt qua các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như: Đài Loan (hơn 640 triệu USD) Nhật Bản (với số vốn 451 triệu USD), Vương quốc Anh là hơn 200 triệu USD và Mỹ là gần 60 triệu USD.
Nhà máy gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2) có vốn góp của Trung Quốc và Việt Nam minh chứng thua lỗ, nặng nợ (ảnh minh hoạ) |
Số vốn của Trung Quốc tăng khá mạnh sau 1 năm, so với cùng kỳ tháng 3/2016 khi đó các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ đứng thứ 6 trong số 40 đối tác đầu tư vào Việt Nam, với số vốn ít ỏi chỉ hơn 290 triệu USD, thua xa so với các đối thủ như Hàn Quốc (hơn 880 triệu USD), Singapore (554 triệu USD), Nhật Bản (hơn 345 triệu USD)...
Đặc biệt, số vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam qua hình thức góp vốn mua cổ phần, thâu tóm (M&A) doanh nghiệp (DN) Việt đang tăng mạnh, nhiều hơn bất cứ các đối tác nào và cũng chỉ đứng sau Hàn Quốc.
Cụ thể, về lượt vốn mua cổ phần 3 tháng qua, nếu các nhà đầu tư Hàn Quốc có hơn 287 lượt vốn mua cổ phần DN Việt, thì con số tương tự của Trung Quốc cũng đạt 177 lượt, trong khi Singapore chỉ có hơn 45 lượt góp vốn, Đài Loan là hơn 110 lượt, Nhật bản gần 100 lượt và Anh là 12 lượt và Mỹ chỉ hơn 40 lượt góp vốn.
Về số vốn mua cổ phần, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đứng vị trí thứ 2, với khoảng 123 triệu USD, chỉ kém 5 triệu USD so với các nhà đầu tư Hàn Quốc (đối tác đứng đầu). So với các đối tác đầu tư khác, Trung Quốc vượt qua khá xa như Nhật Bản (chỉ 80 triệu USD), Mỹ (hơn 30 triệu USD).
Việc nhà đầu tư Trung Quốc tăng mạnh lượt góp và số vốn vào mua cổ phần DN Việt cho thấy họ tận dụng khá tốt thời cơ khi nhiều DN lớn của Việt Nam đang trong giai đoạn cổ phần hoá, bán vốn
Theo nhận định của chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, đây là cách thức của một nhà đầu tư chưa quen thị trường như Trung Quốc muốn tìm hiểu, thăm dò trước khi đổ bộ những dự án đầu tư hoàn toàn mới, bằng 100% vốn của họ.
Tuy nhiên, điều cảnh báo là, hơn ai hết các nhà đầu tư thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đều có toan tính riêng, với các nhà đầu tư Trung Quốc cũng vậy, họ cũng đều có toan tính riêng tại thị trường Việt Nam vừa nhằm gia tăng lợi thế thị trường vừa cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt trong cùng lĩnh vực, ngành nghề. Chính vì thế, hậu M&A là câu chuyện hoàn toàn thuộc về cạnh tranh hoặc bị xóa sổ thương hiệu. Bài học tương tự khi các đại gia Thái Lan mua lại Metro gần đây đã đổi tên thành Mega Market.
Trước đó, hết tháng 12/2016, vốn đầu tư từ Trung Quốc đại lục vào Việt Nam đạt 1,87 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đứng trên các nhà đầu tư đến từ vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan.
Luỹ kế tính đến hết năm 2016, Trung Quốc đã lọt vào 1 trong 10 nước đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, đứng thứ 8 với số vốn 10,5 tỷ USD, xếp sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Anh, Malaysia.
Các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) được thống kê riêng, chỉ xếp trên các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục với vị trí lần lượt là 31 tỷ USD và 16,9 tỷ USD.
Trước đó, hết tháng 12/2015, các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục xếp ở vị trí thứ 10 trong nhóm các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam theo quốc gia. Tính đến hết năm 2015, Trung Quốc đại lục đứng ở vị trí thứ 10 trong nhóm các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Đáng chú ý, tốc độ tăng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây có sự cải thiện khá mạnh, từ vị trí thứ 13 trong số gần 100 đối tác đầu tư vào Việt Nam năm 2012, với số vốn chỉ hơn 2 tỷ USD nhưng, sau 5 năm, vị trí của Trung Quốc đã tăng 2 bậc và số vốn tăng gấp 5 lần.