Ông Takeshi Kasai - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo rằng ngay cả với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiện tại, nguy cơ lây nhiễm trong khu vực sẽ không biến mất chừng nào đại dịch còn tiếp diễn.
Đại dịch Covid-19 lần đầu bùng phát tại tâm dịch Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Tính đến nay, toàn thế giới hiện ghi nhận hơn 770.000 ca nhiễm và hơn 37.800 ca tử vong. Trong đó, Mỹ, Italy và Tây Ban Nha đều đã vượt qua Trung Quốc đại lục về số ca dương tính với Covid-19.
"Tôi xin được nói rõ rằng đại dịch Covid-19 còn lâu mới chấm dứt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây sẽ là một cuộc chiến dai dẳng và chúng ta không nên mất cảnh giác", ông Kasai cho hay trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến.
"Chúng tôi cần mọi quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực phải tiếp tục chuẩn bị cho kịch bản lây nhiễm cộng đồng qui mô lớn", ông Kasai nói thêm.
Theo giám đốc Kasai, các quốc gia có nguồn lực hạn chế chính là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là các quốc đảo Thái Bình Dương khi họ buộc phải gửi mẫu bệnh phẩm đến nước khác để tiến hành xét nghiệm và các lệnh hạn chế nhập cảnh khiến quá trình đó trở nên khó khăn hơn.
Ông Takeshi Kasai cảnh báo, dù một số quốc gia/vùng lãnh thổ ngày càng ghi nhận ít ca nhiễm mới hơn thì họ cũng không nên mất cảnh giác, nếu không dịch bệnh sẽ leo thang trở lại.
Cố vấn kĩ thuật Matthew Griffith của WHO cho biết cơ quan này cho rằng không có bất kì nước nào có thể "bình an vô sự" vì Covid-19 cuối cùng sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi.
"Dù các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thành công bước đầu trong việc san phẳng đường cong đại dịch, Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan đến những địa điểm mới và các ca bệnh nhập khẩu vẫn là một mối lo ngại lớn", ông Griffith nói, đồng thời chỉ ra một số ca nhiễm tại Singapore và Hàn Quốc là người trở về từ nước ngoài.
Điểm nóng về dịch Covid-19 hiện đang là châu Âu, tuy nhiên tình thế có thể xoay chiều, ông Griffith nói.