Xây trường hơn 6 tỉ nhưng lại bỏ hoang lãng phí ở Quảng Nam

Trường mầm non được đầu tư hơn 6 tỉ đồng, xây dựng gần Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã 2 năm nhưng không được đưa vào sử dụng, lãng phí.

Theo tài liệu chúng tôi nắm được, công trình do LĐLĐ tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, với tổng diện tích xây dựng trên 4,6ha. Đơn vị thi công là công ty TNHH Hương An. Tổng mức đầu tư hơn 6.184 triệu đồng, trong đó BIDV tài trợ 4,6 tỉ đồng.

Từ năm 2014-2015 công trình hoàn thành giai đoạn 1 với 2 phòng học. Tiếp đến Tháng 5/2017, tiếp tục khởi công xây dựng giai đoạn 2, với 5 phòng học, 1 bếp ăn, 2 phòng hiệu bộ và các hạng mục phụ trợ khác. Đến tháng 12/2017, toàn bộ các hạng mục được hoàn tất, buổi lễ khánh thành cũng đã diễn ra.

Xây trường hơn 6 tỉ nhưng lại bỏ hoang lãng phí ở Quảng Nam - Ảnh 1.

Trường mầm non được đầu tư hơn 6 tỉ đồng, xây dựng gần Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam – Điện Ngọc. (Ảnh: Văn Luận - Hà Anh).

Vì ngôi trường nằm gần KCN Điện Nam – Điện Ngọc - nơi có hơn chục ngàn người lao động nên các công nhân nơi đây hi vọng có một nơi gửi con chất lượng, an toàn mà chi phí lại rẻ hơn các cơ sở giữ trẻ tư thục.

Tuy nhiên, vào năm 2017, sau thời gian diễn ra khánh thành ngôi trường, thì người dân tại đây không nghe một thông báo nào về việc nhận giữ, dạy trẻ.

Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 8/5, do không đưa vào sử dụng hơn 2 năm nên ngôi trường có dấu hiệu xuống cấp. Khuôn viên sân trường cỏ dại mọc um tùm, các phòng học bị bụi phủ kín, cửa kính bị đập bể, ổ khóa cửa rỉ sắt...

Bên cạnh đó, vì trường không có bảo vệ nên nhiều người thường tụ tập vào đây ăn nhậu, xả rác bừa bãi, làm mất vệ sinh môi trường và tiềm ẩn nhiều rủi ro tệ nạn xã hội.

Xây trường hơn 6 tỉ nhưng lại bỏ hoang lãng phí ở Quảng Nam - Ảnh 2.

Xây trường hơn 6 tỉ nhưng lại bỏ hoang lãng phí ở Quảng Nam - Ảnh 3.

Dây diện đứt, tủ điện hư hỏng tại trường mầm non. (Ảnh: Văn Luận - Hà Anh).

Chị Ngô Thùy Dương, công nhân tại một công ty may mặc trong KCN Điện Nam - Điện Ngọc chia sẻ, vợ chồng chị có 2 đứa con đều học tại mầm non tư thục, cả hai vợ chồng đều làm công nhân, nhưng phải dành một khoản tiền lớn để gửi con nên chỉ đủ sống.

Ngay khi biết trường dành riêng cho con công nhân lao động khánh thành, chị cũng hi vọng sẽ đưa hai đứa con đến đây học cho đỡ chi phí. Nhưng đợi quá lâu mà không thấy trường đưa vào hoạt động.

 "Chờ mãi mà trường vẫn không tổ chức nhận nuôi dạy trẻ nên tôi rất thất vọng. Nếu trường tiếp tục không thể hoạt động thì tôi lo ngại trường sẽ bỏ hoang, tài sản hư hại, xuống cấp rất phí phạm. Ước mơ về ngôi trường dành riêng cho con công nhân khó thành hiện thực", chị Dương nói.

Xây trường hơn 6 tỉ nhưng lại bỏ hoang lãng phí ở Quảng Nam - Ảnh 4.

Ngôi trường bụi bẩn khắp nơi, cửa khóa từ khi khánh thành năm 2017. (Ảnh: Văn Luận - Hà Anh).

Bên cạnh đó, còn nhiều công nhân sống gần trường cảm thấy tiếc nuối. Họ hi vọng một ngày nào đó trường sẽ đưa vào hoạt động để tránh lãng phí và công nhân tại đây có một nơi yên tâm để giữ con và đỡ được một phần chi phí.

Nói về nguyên nhân ngôi trường trên chưa đưa vào hoạt động, ông Lưu Văn Thương – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cho biết, các phòng học, nhà vệ sinh, khuôn viên, nhà để xe đã hoàn thành nhưng hệ thống điện cũng như các dụng cụ cần thiết phục vụ việc nhận nuôi dạy trẻ chưa có.

Hiện hướng khắc phục hiệu quả nhất mà LĐLĐ tỉnh Quảng Nam kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam là cho các nhà đầu tư vào thuê trường rồi đầu tư các trang thiết bị cần thiết để tiến hành nhận trẻ.

Thời hạn cho thuê ngắn nhất là 15 năm sau đó nếu có nhu cầu thì các bên tiếp tục làm hợp đồng cho thuê nếu không sẽ cho nhà đầu tư mới vào. Hiện đề xuất trên chờ Tổng LĐLĐ xem xét, phê duyệt.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.