Đi cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội thì các hoạt động nghệ thuật ngày nay cũng có sự tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của công chúng. Nghệ thuật giúp cho con người có được những cảm xúc thăng hoa, những nhận thức sâu sắc về cuộc sống hàng ngày,... Và người tạo nên những giá trị nghệ thuật chân chính, ngày đêm cống hiến sức mình cho nghệ thuật được gọi là nghệ sĩ.
Tuy nhiên ở Việt Nam ngày nay, khái niệm về người nghệ sĩ đã bị một bộ phận hiểu nhầm, hiểu sai, khiến cho công chúng có cái nhìn thiếu chính xác về người nghệ sĩ.
Ở thời điểm hiện tại, làng giải trí Việt đã bắt đầu "mở cửa" và đón nhận thêm nhiều khái niệm về "nghề" mới mà trên thế giới có lẽ chưa quốc gia nào dám công nhận. Nếu như trước đây, khái niệm về 2 từ nghệ sĩ dùng để chỉ những người hoạt động nghệ thuật ở các lĩnh vực như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh,... thì giờ đây, "nghệ sĩ" lại được nhiều người, không biết vô tình hay hữu ý gán ghép cho những... người đẹp, hoa hậu, á hậu, hoa khôi,...?
"Bản sao" Ngọc Trinh - Lê Ngọc Trinh, người từng đăng quang ngôi vị Á hậu áo dài ở nước ngoài trong bài phỏng vấn hồi tháng 5 trên 1 kênh giải trí giành cho giới trẻ từng cho biết khi... hoạt động nghệ thuật, cô luôn bị so sánh với đàn chị. Với cô, 'hoạt động nghệ thuật" có lẽ là tham gia các cuộc thi nhan sắc, xuất hiện trên 1 vài video clip quảng cáo cho các thương hiệu, nhãn hàng?
Diễm Hương - Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 không ít lần nhận mình là nghệ sĩ, ăn cơm của Tổ nghề và sống chết vì Tổ nghề. Cách đây vài ngày, trong một lần livestream trên trang cá nhân, Diễm Hương cũng không quên nhấn mạnh bản thân cô là một "nghệ sĩ". Trong khi đó, ngoài danh hiệu Hoa hậu và những scandal về tình yêu, hôn nhân chấn động truyền thông một thời ra, Diễm Hương chưa có nhiều hoạt động nổi bật và đóng góp tích cực cho nghệ thuật. Phải chăng, khi được mời tham gia một vài bộ phim cũng như thỉnh thoảng xuất hiện trên sân khấu kịch (dù bị gán mác bình hoa di động), Diễm Hương đã tự trao cho mình hai từ nghệ sĩ? Nghệ thuật không đơn giản vậy và không phải chỉ cần tham gia nghệ thuật là đã trở thành nghệ sĩ.
Một cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam (Ảnh: Zing) |
Cần làm rõ rằng, hoa hậu, hoa khôi hay á hậu, á khôi là những danh hiệu của một người đẹp đạt được ở các cuộc thi nhan sắc. Đây hoàn toàn không phải là một "nghề" và cũng không phải là một "lĩnh vực nghệ thuật". Người đạt danh hiệu hoa hậu, hoa khôi có thể ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào trong đời sống, từ kinh tế, giáo dục, y tế, nghệ thuật cho đến quốc phòng, an ninh.
Hoa hậu, hoa khôi có trách nhiệm thực hiện sứ mệnh của mình tùy thuộc vào mục tiêu của tổ chức cuộc thi. Có thể là những chiến dịch thiện nguyện, vì cộng đồng hay đơn giản hơn là tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Và tất nhiên, những sứ mệnh ấy hoàn toàn không gắn liền với những hoạt động nghệ thuật. Mà nếu không gắn mình với những hoạt động nghệ thuật thì 2 chữ "nghệ sĩ" bằng cách nào lại được tô vẽ nên để cho thấy sự khiên cưỡng, nếu không muốn nói là lố bịch?
Lấy ví dụ như trường hợp của Kaiane Aldorino Lopez – Hoa hậu Thế giới 2009 người Gibraltar. Sau khi đăng quang 1 cuộc thi nhan sắc lớn nhất nhì thế giới, bên cạnh những hoạt động cùng tổ chức Miss World thì Kaiane Aldorino Lopez vẫn làm việc và cống hiến mình vào việc tham gia vào bộ máy quản lí vùng lãnh thổ Gibraltar. Vào 04/2017, Kaiane Aldorino Lopez được bổ nhiệm làm thị trưởng của Gibraltar. Kaiane Aldorino Lopez hoàn toàn không phải là một nghệ sĩ ở nơi mà cô đang sinh sống và làm việc.
Hoa hậu Thế giới 2009 - Kaiane được bổ nhiệm làm thị trưởng của Gibraltar. (Ảnh: Global Beauties) |
Tại Việt Nam, Trịnh Kim Chi từng tham gia Hoa hậu Việt Nam 1994 và giành được ngôi vị Á hậu 2. Trước đó, cô được công chúng biết đến với vai trò là diễn viên. Quyết tâm theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc, Trịnh Kim Chi được công chúng công nhận tài năng khi là một diễn viên và một nghệ sĩ chân chính trên sân khấu kịch.
Năm 2015, Trịnh Kim Chi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và trở thành "nữ hoàng sắc đẹp" đầu tiên của Việt Nam có được vinh dự này.
Ngoài Trịnh Kim Chi, có thể kể đến những tên tuổi như Ngô Thanh Vân, Thanh Hằng. Sau khi đạt được thành tích cao ở cuộc thi Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Ngô Thanh Vân (Á hậu 2 năm 2000) và Thanh Hằng (Hoa hậu năm 2002) đã có bước tiến đáng kể trong vai trò người mẫu và diễn viên. Ngô Thanh Vân được mệnh danh là "đả nữ" của điện ảnh Việt Nam, còn Thanh Hằng ngoài là một trong những siêu mẫu hàng đầu nước ta cũng rất thành công ở lĩnh vực điện ảnh.
Đó là một trong số ít những người đẹp bước ra từ các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam có định hướng và cái nhìn nghiêm túc đối với nghệ thuật.
NSƯT Trịnh Kim Chi trong vở diễn "Rặng trâm bầu" (Ảnh: Phạm Thiết Mẫn) |
Hiện nay, nhiều người đẹp lại chọn cách xuất hiện nhẵn mặt ở các sự kiện giải trí với mục đích... làm đẹp đội hình, hay tham gia được một vài chương trình truyền hình. Vậy là hiển nhiên, nhiều hoa hậu, hoa khôi lại ảo tưởng bản thân mình đang hoạt động nghệ thuật và là một nghệ sĩ chân chính.
Lố bịch hơn, nhiều cái tên bước ra từ một vài cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước (chưa xét đến mức độ uy tín hay "ao làng" của cuộc thi) thì đã tự ảo vọng bản thân là một nghệ sĩ, đánh đồng bản thân với những "cây đa, cây đề" đang cống hiến sức mình cho nghệ thuật nước nhà.
Kiko Chan - người đẹp từng đạt danh hiệu Á hậu ở một cuộc thi nhan sắc có cái tên rất "kiêu" là... Hoa hậu tỏa sáng thế giới dù chưa có cống hiến gì đáng kể cho nghệ thuật nhưng đã vội vàng nhận mình là nghệ sĩ. Cô không ngại thể hiện điều đó trên mạng xã hội và muốn được công chúng tôn trọng và đón nhận như những nghệ sĩ chân chính.
Đó là chưa kể đến những trường hợp người đẹp, hoa hậu, hoa khôi gắn liền mình với những thị phi, những ồn ào tình ái, những phát ngôn gây sốc hay những bộ váy khoe thân đến phản cảm, quần là áo lượt đâu đâu cũng thấy mặt. Họ xuất hiện hằng hà sa số trên các phương tiện truyền thông và làm cho công chúng bị "bội thực", dẫn đến việc hiểu sai, hiểu nhầm và có cái nhìn không tốt về người nghệ sĩ chân chính.
Định nghĩa về "nghệ sĩ", tiến sĩ, nhạc sĩ Phạm Việt Long cho biết: "Theo nghĩa thông thường thì danh xưng nghệ sĩ là để chỉ những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật. Như vậy, cứ ai hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật thì người đó là nghệ sĩ.
Tuy vậy, cần hiểu nghĩa của từ ở phạm vi rộng và sâu hơn. Đã hoạt động chuyên nghiệp thì nghệ sĩ phải có tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở việc được đào tạo bài bản về ngành nghệ thuật mà nghệ sĩ hoạt động, phải có năng lực nghệ thuật hơn người bình thường và có đủ tư cách nghệ sĩ khiến cho hoạt động của họ có tác động tích cực đối với cuộc sống".
NSND Trần Hiếu trong một lần chia sẻ trên báo Dân Trí có bày tỏ quan điểm: "Chỉ đến khi được Nhà nước phong là Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân tôi mới dám nhận mình là nghệ sĩ, trước đó tôi chỉ dám nhận mình là ca sĩ thôi. Tức danh xưng nghệ sĩ là do quần chúng hoặc do chính quyền thừa nhận chứ không phải vỗ ngực tự phong là thành nghệ sĩ được. Nếu ai mới hoạt động nghệ thuật, chưa có thành tích gì, chưa có cống hiến gì, chưa được ai công nhận… mà nhận mình là nghệ sĩ thì sẽ loạn mất. Để được gọi là nghệ sĩ đâu phải đơn giản như thế.
Ngày nay, tôi thấy ai cũng có thể xưng mình nghệ sĩ nọ, nghệ sĩ kia… khiến cho khái niệm này bị dễ dãi hoá, tầm thường hoá".
NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: "Việc tự xưng mình nghệ sĩ là quyền của mỗi người, không ai cấm được. Tuy nhiên, điều quan trọng chính là lòng tự trọng của người đó khi khoác lên mình hai chữ “nghệ sĩ”. Trong một xã hội văn minh, việc tự xưng không có ý nghĩa gì, quan trọng là quần chúng nhân dân có coi người đó là nghệ sĩ hay không.
Theo tôi, nghệ sĩ là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng phải ở nghĩa là sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật chân chính hoặc là những người có kĩ năng (skill) đóng góp vào các sản phẩm nghệ thuật một cách chuyên nghiệp. Chúng ta nên hiểu, việc tham gia sáng tạo sản phẩm nghệ thuật phải được đánh giá xem đó có phải là sản phẩm nghệ thuật không đã. Nghĩa là công chúng thưởng thức/hội đồng nghệ thuật/nhà tri thức nghệ thuật thẩm định xem có phải là nghệ thuật không rồi mới xem xét anh đã xứng tầm để được phong là nghệ sĩ chưa. Nếu chưa có làm được như thế mà tự nhận mình là nghệ sĩ thì chỉ làm trò cười cho người đời".
XEM THÊM
Bấn loạn với loạt danh xưng 'Miss' trong showbiz Việt
Danh xưng "Miss" của những người đẹp này khiến ai nấy đều bật cười. |
Hoa hậu, người đẹp, hoa khôi: Đừng đánh đồng một cách vô tội vạ!
Những ngộ nhận này dẫn đến việc giá trị của hai từ "hoa hậu" ngày càng đi xuống bởi sự tràn lan và thiếu chọn ... |
Bộ VHTT&DL kiến nghị chấn chỉnh việc 'loạn' phong danh hiệu
Bộ VHTT&DL vừa có văn bản số 3754/BVHTTDL-TTr báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan chấn chỉnh ... |