Xu hướng phát triển nhà cao tầng: Đâu là những yếu tố thúc đẩy?

Xu hướng phát triển nhà cao tầng bùng nổ trong bối cảnh cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, đòi hỏi sự cải tiến vượt bậc trong không gian sống và những tiêu chuẩn liên quan như làm việc, đi lại, hội họp,...

Những yếu tố thúc đẩy xu hướng phát triển nhà cao tầng

Từ lâu, các tòa nhà cao tầng đã trở thành một phần thiết yếu trong cảnh quan đô thị. Chúng thường xuất hiện ở các khu đô thị sầm uất và được xem là đặc biệt thuận tiện để phục vụ cho mục đích kinh doanh và thương mại. Ngày nay, các tòa nhà cao tầng đang “mọc lên như nấm” ở những khu vực có giá đất đắt đỏ, điển hình là trung tâm của các thành phố lớn.

Với tốc độ phát triển công nghệ ở thời điểm hiện tại, thật khó để tưởng tượng rằng những tòa nhà cao tầng đầu tiên được xây dựng vào những năm 1880. Cuộc cách mạng công nghệ của Mỹ từ năm 1880 đến năm 1890 đã cho thấy ​​sự bùng nổ về khả năng sáng tạo của con người trong công nghệ kiến ​​trúc và kết cấu dân dụng, tạo ra một làn sóng phát minh mới giúp các kiến ​​trúc sư xây dựng cho ra ngày càng nhiều tòa nhà cao tầng hơn nữa.

Trong đó, phải kể đến sự ra đời của thép Bessemer - loại thép được tạo thành các dạng hình chữ I cho phép thiết kế khung cao hơn và linh hoạt hơn so với gang của thời kỳ trước. Hay đầu phun nước mới cho phép các tòa nhà thoát khỏi giới hạn chiều cao nghiêm ngặt 23m, vốn được đặt ra để kiểm soát nguy cơ hỏa hoạn. Hay việc cấp bằng sáng chế về điện xoay chiều cho phép thang máy chạy bằng điện và có thể cao lên đến 10 tầng hoặc thậm chí hơn thế nữa.

Ảnh: AirFixture

Sự gia tăng về mặt nhu cầu

Khi đô thị hóa trở thành một khía cạnh quan trọng của cuộc sống hiện đại, nhu cầu về không gian là rất cần thiết. Các thành phố nhận thấy rằng, việc xây dựng theo chiều dọc thuận tiện hơn nhiều so với xây dựng theo chiều ngang. Đây là yếu tố chính trong việc quản lý cơ sở hạ tầng và giúp các cơ quan xã hội dễ dàng hơn trong việc đáp ứng nhu cầu cư ngụ khi dân số ngày càng tăng.

Việc thiết kế và xây dựng các tòa nhà cao tầng liên quan đến việc tạo ra các không gian an toàn dựa trên sự cân bằng giữa kinh tế, kỹ thuật và xây dựng. Để con người có thể sinh sống được lâu dài, các tòa nhà phải chịu được trọng lượng cao, có khả năng chống lại gió và động đất, đồng thời bảo vệ người cư ngụ khỏi rủi ro như hỏa hoạn.

Sự bền vững

Trong những năm gần đây, thuật ngữ “bền vững” (sustainability) đã từ một xu hướng trở thành một nhu cầu thiết yếu trong lĩnh vực xây dựng. Tính bền vững trong các tòa nhà cao tầng được xét trên các phương diện gồm: môi trường tự nhiên, hiệu suất của kết cấu, loại vật liệu sử dụng, năng lượng thải ra,... Đồng thời, tính bền vững còn bao gồm lợi ích kinh tế, hiệu quả tài nguyên, khả năng bảo vệ môi trường và phát triển xã hội.

“1 Bligh Street” là công ty hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng bền vững có trụ sở tại Sydney, Australia. Công ty này đã được Hội đồng Công trình Xanh trao tặng trạng thái xanh 6 sao nhờ vào các thiết kế bền vững, giúp tiết kiệm năng lượng, loại bỏ độ chói của bầu trời, tối đa hóa ánh sáng tự nhiên và tối ưu hóa sự thoải mái của người sử dụng.

Sự đổi mới

Tháp Thượng Hải là tòa nhà cao tầng đi tiên phong về việc đổi mới trong thiết kế và xây dựng. Nằm gần Tháp Jin Mao và Trung tâm Tài chính Thế giới Thượng Hải, tòa tháp này vươn cao trên đường chân trời và có mặt tiền cong với hình dạng xoắn ốc - tượng trưng cho sự trỗi dậy năng động của Trung Quốc hiện đại.

Tháp Thượng Hải đã vượt xa so với lợi ích thương mại đơn thuần. Với hình dạng mới mẻ và độc đáo, tòa nhà này đã cho thấy sự đổi mới khi tiết kiệm 24% tải trọng gió của cấu trúc khi so sánh với một tòa nhà hình chữ nhật khác có cùng chiều cao. Không những thế, tháp còn có mặt tiền hai lớp, trong đó có một lớp được phủ xanh bằng thực vật.

Ảnh: The Plan

5 xu hướng định hình thiết kế nhà cao tầng trong những năm qua

Dezeen - một chuyên trang về kiến trúc và thiết kế, đã đề cập đến 8 xu hướng đã định hình thiết kế nhà cao tầng trong 20 năm qua, trong đó có 5 xu hướng đáng chú ý như sau:

- Tòa nhà có bề mặt bằng kính: Các tòa nhà được bao bọc bằng những tấm kính lớn có khả năng cung cấp đầy đủ ánh sáng tự nhiên cho không gian bên trong, đồng thời tạo ra mặt tiền vô cùng ấn tượng khi nhìn từ bên ngoài.

- Tòa nhà đa chức năng: Không còn là một tòa nhà đơn chức năng như trước, giờ đây, các tòa nhà cao tầng đều kết hợp thương mại truyền thống với nhà ở, giao thông vận tải, cơ sở văn hóa, điểm đến công cộng,... để mang đến đa tiện ích cho người dùng.

- Tòa nhà siêu mỏng: Số lượng các tòa nhà siêu mỏng, hay còn gọi là tháp bút chì, đang tăng vọt trên toàn thế giới. Những tòa nhà này thường có tỉ lệ chiều ngang và chiều cao là 1:10 và thường được xây dựng ở những thành phố khan hiếm đất.

- Tòa nhà có hình dáng sáng tạo: Sự sáng tạo trong thiết kế và kết cấu đã mang lại một “làn gió mới” cho các tòa nhà cao tầng. Thay vì các tòa nhà hình khối truyền thống, các kiến trúc sư đã phát triển các tòa nhà có dạng nằm nghiêng, hình tròn, có góc cạnh hay thậm chí là những tòa nhà có hình dạng ngẫu hứng vô cùng độc đáo.

- Tòa nhà có tháp liên kết và cầu trên cao: Liên kết các tòa nhà cao tầng với nhau bằng những cây cầu trên cao là một xu hướng quan trọng đã bùng nổ trong hai thập kỷ qua. Ngoài mục đích phục vụ cho việc lưu thông, kiểu thiết kế này còn là một phương pháp hữu ích để “tiết kiệm” không gian trong các thành phố đông đúc.

Ảnh: The Straits Times

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.