Dạy thêm ở bậc tiểu học sẽ bị phạt từ 5 - 6 triệu đồng |
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có quy định sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày, nhiều ý kiến cho rằng, với cấp tiểu học, học sinh đi học thêm rất nhiều, không chỉ học với giáo viên trong lớp mà rất nhiều giáo viên khác bên ngoài nhà trường.
Ở cấp học này, bố mẹ phải làm đơn xin cô giáo dạy kèm cho con để tiến bộ. Thậm chí, nhiều gia đình không có người trông con cũng phải cho đi học để đỡ chơi điện tử và lại có chỗ gửi con; Đối với học sinh cuối cấp tiểu học phải đi học thêm để ôn tập vào lớp 6…
Bên cạnh đó, người dạy thêm không có trong biên chế, người đã về hưu tham gia dạy thêm. Do đó, cần phải khoanh vùng đối tượng dạy thêm học thêm trong trường hay ngoài trường; giáo viên dạy là học sinh của mình hay học sinh trường khác. Nếu quy định giáo viên cứ dạy thêm cho học sinh tiểu học bị phạt sẽ khó khả thi và rất nhiều người vi phạm.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, dạy thêm rất phức tạp, ranh giới rất mong manh, bác sĩ cũng làm thêm, luật sư cũng làm thêm. Do đó, khi đưa ra quy định dạy thêm, Ban soạn thảo đã bàn nhiều và đặt ra nhiều vấn đề, giáo viên bị áp lực tâm lý không hay, phải giải thích để giáo viên hiểu bản chất. Bởi hiện nay, vấn đề dạy thêm, học thêm Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn.
Ông Bằng cho hay, với vấn đề dạy thêm, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, điều chỉnh, cụ thể hóa cho rõ hơn trong Dự thảo về đối tượng xử phạt đối với giáo viên dạy học sinh tiểu học do chính mình giảng dạy hoặc xử phạt khi việc dạy thêm đối tượng này ở trong nhà trường.
Ông Bằng cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định 138 chỉ quy định về hành vi tổ chức dạy thêm học thêm thì Nghị định mới này bổ sung cả hành vi về dạy thêm. Theo quy định luật hành chính, cán bộ công chức, viên chức đang thi hành công vụ của mình mà có hành vi làm trái thì cũng không xử phạt hành chính mà xử theo luật cán bộ công chức, viên chức.
"Khi làm quản lý nhà nước, đây chỉ là một công cụ để quản lý, không phải công cụ vạn năng. Còn nhiều công cụ khác. Có những điều chắc chắn là sai nhưng không đưa vào quy định xử phạt vì không khả thi. Khi làm phải có tính khả thi, chứ không phải đưa ra quy định để chơi" - ông Bằng nhấn mạnh.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục: Ngoài lực lượng thanh tra giáo dục thì Chủ tịch UBND các cấp đều có quyền xử phạt; bên cạnh đó, một số quy định cụ thể trong từng lĩnh vực chuyên ngành có thể được xử phạt bởi các lực lượng khác như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành văn hóa, chuyên ngành thông tin, chuyên ngành tài chính… |
Dự thảo xử phạt vi phạm giáo dục bằng tiền: Giáo viên tiểu học nói gì?
Một trong những nội dung quy định trong dự thảo nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang có ... |
'Trường học phải giữ được cái uy, không nên cứ phụ huynh phản ánh là đuổi giáo viên, học sinh thích làm gì thì làm'
Đó là quan điểm của TS.Nguyễn Tùng Lâm khi trao đổi các vấn đề liên quan đến dự thảo nghị định xử phạt hành chính ... |
Thầy không được đánh trò dù chỉ véo tai là phản giáo dục, giáo viên sợ phụ huynh sẽ tạo ra những học trò hư hỏng?
Nhiều giáo viên băn khoăn, một số phần trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giáo dục là ... |