UBND TP Hà Nội đã chính thức ấn định thời gian triển khai chương trình đề án sữa học đường bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Sở GD&ĐT Hà Nội đã kí quyết định phê duyệt Vinamilk là đơn vị trúng Gói thầu số 01 Mua sữa thuộc Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.
Từ ngày 1/1/2019, trẻ mẫu giáo và tiểu học tại Hà Nội sẽ được uống sữa học đường. Ảnh: Đình Tuệ. |
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, đề án sữa học đường sẽ chính thức được triển khai tại Hà Nội. Vậy công tác chuẩn bị của các trường đã được triển khai ra sao, có khó khăn, vướng mắc như thế nào trong khâu tuyên truyền tới cha mẹ học sinh là điều mà nhiều người quan tâm.
Cô giáo Lưu Tuyết Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mễ Trì. Ảnh: Đình Tuệ. |
Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Lưu Tuyết Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Chương trình đề án sữa học đường mang ý nghĩa rất nhân văn của thành phố, giúp phát triển chiều cao, cải thiện tầm vóc cho trẻ mầm non, tiểu học trên địa bàn Thủ đô. Trên tinh thần mục tiêu đó, chúng tôi cũng được lãnh đạo các cấp tập huấn và truyền thông về cách triển khai chương trình này.
Đầu tiên là chính BGH các trường phải hiểu, sau đó quán triệt tới các giáo viên đứng lớp về ý nghĩa của chương trình để tuyên truyền tới từng phụ huynh học sinh.
Hình thức tuyên truyền có thể là qua trao đổi trực tiếp khi bố mẹ đón trẻ, hay qua các tờ thông báo dán ở bảng tin của nhà trường. Đặc biệt, thông qua những buổi họp phụ huynh của lớp, qua thông báo bằng giấy hoặc tin nhắn điện tử để các cô tiếp tục thông tin tới cha mẹ trẻ về đề án này.
Vào tháng 10 khi chưa công bố tên hãng sữa, nhà trường tiến hành phát phiếu khảo sát với phụ huynh về việc có cho con tham gia đề án này thì nhận được 374 phiếu đồng ý tham gia. Tới cuối tháng 11, khi biết Vinamilk là hãng sữa trúng thầu và nhà trường tiếp tục phổ biến và phát phiếu thông báo đề tên hãng sữa, giá tiền chính thức thì nhận được 562 phiếu đồng ý, tỉ lệ đã tăng cao hơn".
Cô và trò Trường Mầm non Mễ Trì trong giờ học âm nhạc trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ. |
Trong tờ thông báo tới phụ huynh, nhà trường có đề cập đủ các mục gồm: Sữa có đường hay sữa không đường, số hộp/tuần (tối đa 5 hộp mỗi tuần), trẻ có thuộc đối tượng được miễn phí hay không? Theo thông tin ban đầu thì nhà cung cấp sẽ chuyển sữa theo từng ngày một chứ không phải theo tuần.
Nhà trường cũng đã bố trí khu vực để sữa cho học sinh có các kệ đỡ đủ rộng, không gian bảo quản phù hợp cho số lượng sữa từng ngày của trẻ. Thời gian dự kiến cho trẻ uống sữa sẽ là vào đầu giờ sáng, nhà trường sẽ họp để thông qua ban phụ huynh và chốt thời gian cho trẻ uống sữa.
Cũng theo cô Tuyết Hà, trong quá trình triển khai chương trình sữa học đường, nếu phụ huynh nào ban đầu chưa đăng kí cho con tham gia nhưng sau một thời gian thấy thiết thực và muốn đăng kí thì nhà trường luôn tạo điều kiện. Giả sử có trẻ nào đang uống mà vì lí do nào đó muốn dừng, nhà trường sẽ tìm hiểu nguyên nhân, nếu trẻ đang uống loại có đường và muốn chuyển sang loại không đường thì cô sẽ đổi...
Cơ bản là phụ huynh phải hiểu và đồng hành cùng nhà trường thì mới triển khai thành công đề án này.
Theo thầy giáo Nguyễn Viết Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiến Xuân A (Thạch Thất, Hà Nội), nhà trường đã thăm dò ý kiến từ phía các bậc phụ huynh và nhận được phản hồi tích cực, hưởng ứng chương trình đề án này.
Thầy giáo Nguyễn Viết Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiến Xuân A (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ. |
"Toàn trường có 444 học sinh chia vào 15 lớp. Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT cũng đã thông báo tới các trường về thông tin của đề án chương trình sữa học đường. Nhà trường cũng tiến hành phát phiếu khảo sát lấy ý kiến của cha mẹ học sinh theo mẫu mà lãnh đạo đã giao. Phụ huynh ở đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (Mường), gần như 100% phụ huynh ủng hộ đề án và sẵn sàng cho con tham gia đề án.
Do có khoảng 70% các em đã thuộc diện được uống miễn phí, ban đầu nhiều phụ huynh băn khoăn là hãng sữa gì, có đảm bảo chất lượng hay không? Khi huyện có chỉ đạo tới các trường về nhận diện sữa học đường, trường cũng thông tin lại cho phụ huynh để nắm bắt. Do địa bàn nằm cách xa trung tâm thành phố, đời sống của đồng bào chưa được cao như ở khu vực nội thành. Các em rất hào hứng khi biết mình sẽ được uống 5 hộp sữa mỗi tuần.
Khó khăn về phòng để sữa, bảo quản sữa cũng là nỗi lo của chúng tôi khi họp với lãnh đạo huyện, Phòng GD&ĐT. Với số lượng học sinh không quá đông, dự kiến nhà cung cấp sẽ chuyển sữa theo từng đợt từ 2 - 3 ngày hoặc 1 tuần mỗi lần. Nếu trường nào đông hơn 1.000 học sinh thì sẽ chuyển theo ngày.
Chúng tôi cũng động viên giáo viên, khi tham gia đề án này thì học sinh được hưởng lợi nhưng các thầy cô sẽ phải vất vả hơn. Vừa phải thu thêm tiền, dọn vệ sinh, gom vỏ hộp cho học sinh sau khi uống, thêm việc mà không có thù lao gì. Tuy nhiên, đã là chủ trương chung và ý nghĩa nên giáo viên cũng sẵn sàng tham gia", thầy Thắng cho hay.
Sữa tươi có vai trò không thể thiếu với sức khỏe
Theo TS. BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám và Tư vấn Dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người dân ở nhiều nước trên thế giới thường được khuyến khích sử dụng sữa tươi nguyên chất ở các lứa tuổi. "Đối với trẻ em kể cả tuổi mẫu giáo, tiểu học mà phát triển bình thường thì có thể uống từ 1 - 2 lít sữa tươi nguyên chất mỗi ngày. Nhưng nếu trẻ bị thừa cân, béo phì thì một ngày không nên uống quá 600 ml sữa tươi. Sữa là thực phẩm có thành phần dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển của cơ thể. Sữa và các chế phẩm từ sữa luôn là nhóm thực phẩm thứ 5 được khuyến khích sử dụng ở nhiều nước Châu Âu từ trước đến nay. Đối với trẻ em hoặc người lớn đang bị thiếu cân thì khuyến khích sử dụng các loại sữa bột theo công thức. Còn bình thường thì vẫn nên uống sữa tươi nguyên chất sẽ tốt cho sức khỏe...", TS Bích Nga nói. |
Hà Nội triển khai sữa học đường từ 1/1/2019: Các trường băn khoăn về kho bảo quản và thời gian uống sữa
Sau khi UBND TP Hà Nội ấn định thời gian triển khai đề án sữa học đường từ 1/1/2019, một số trường đang băn khoăn ... |
Sở GD&ĐT Hà Nội chốt Vinamilk trúng gói thầu sữa học đường hơn 3,8 nghìn tỉ đồng
Với giá trúng thầu 3.828.097 triệu đồng, đơn giá trúng thầu 6.286 đồng/hộp, ngày 23/11, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chính thức ký quyết định ... |
Học sinh Hà Nội: Không phải ngày nào cũng được uống sữa!
Theo Sở GD& ĐT Hà Nội, với mức đóng tiền ăn bán trú hiện nay của phụ huynh học sinh, nhiều trường ở Hà Nội ... |
Sở GD&ĐT Hà Nội lùi thời gian đóng thầu đề án sữa học đường tới 10/10
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội vừa nhận được thêm hồ sơ tham gia đấu thầu của 4 đơn vị nữa nên sẽ kéo dài ... |
Sở Giáo dục Hà Nội lên tiếng trước thông tin phụ huynh bị 'ép tự nguyện' tham gia chương trình sữa học đường
Chiều 25/9, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội đã có một số chia sẻ xung quanh đề án sữa học đường cho trẻ mầm non ... |