Mới đây, UBND TP Hà Nội chính thức ấn định thời gian triển khai đề án sữa học đường bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Cụ thể, vào ngày 23/11, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ký quyết định phê duyệt Vinamilk là đơn vị trúng Gói thầu số 01 Mua sữa thuộc Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.
Từ ngày 1/1/2019, trẻ mầm non và tiểu học tại Hà Nội sẽ được uống sữa học đường. Ảnh minh họa: Đình Tuệ. |
Theo cô giáo Phan Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Quang A (Quốc Oai, Hà Nội), việc chuẩn bị các bước triển khai chương trình sữa học đường đã được đơn vị này thực hiện ngay từ đầu năm học. Thông qua cuộc họp phụ huynh đầu năm (từ tháng 9), nhà trường đã phổ biến tới các bậc phụ huynh về vai trò và tầm quan trọng của việc bổ sung sữa vào thực đơn của trẻ mỗi ngày nhằm cải thiện tầm vóc, sức khỏe cho các em.
"Khi đó Sở Giáo dục chưa 'chốt' được hãng sữa nào trúng thầu, có đảm bảo chất lượng hay không nên phụ huynh khá dè dặt trong việc đăng kí cho con. Sau khi phát hơn 900 phiếu lấy ý kiến, có khoảng 30% phụ huynh đồng ý cho con tham gia chương trình sữa học đường.
Bà con ở đây chủ yếu là nông dân và lao động tự do nên thu nhập không cao như ở thành thị. Khi được nhà trường phổ biến thì vẫn có người lấy lí do là đã cho con uống sữa ở nhà nên không tham gia nữa.
Tới đây, khi thành phố đã phê duyệt chủ trương thì nhà trường sẽ tiếp tục căn cứ vào chỉ đạo, hướng dẫn từ Phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai để có các bước tuyên truyền tiếp theo đến phụ huynh.
Sau khi đã được thành phố và nhà thầu hỗ trợ khoảng 50% giá sữa, phụ huynh chỉ phải đóng khoảng 3.200 đồng/hộp sữa cho con. Khi biết được tên nhà thầu là hãng sữa lớn, có thương hiệu thì hi vọng sẽ có sự lựa chọn đúng đắn hơn. Sau này khi tham gia thấy chất lượng, bà con sẽ tự truyền thông cho nhau để đăng kí tiếp thì chúng tôi vẫn tiếp nhận", cô Hường nói.
Cũng theo cô Hường, vấn đề giao sữa từ đơn vị cung cấp về trường cũng cần được tính toán kĩ. Tất cả phải theo một quy trình khép kín, đảm bảo giữ vệ sinh và an toàn thực phẩm, nhất là ở khâu vận chuyển và bảo quản sữa. Trường nào có số lượng học sinh nhiều thì mỗi lần giao để uống trong một ngày hay một tuần. Nếu giao cả tuần thì trường nhất thiết phải có phòng chứa sữa vì số lượng sẽ rất lớn.
Con theo cô giáo Cao Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông, Hà Nội), điều mà phụ huynh quan tâm hàng đầu chính là tên hãng sữa và chất lượng sữa học đường có đảm bảo cho trẻ.
Lợi ích khi tham gia chương trình sữa học đường đã được nhiều trường tuyên truyền tới các bậc phụ huynh và nhận được sự đồng thuận. Ảnh minh họa: IT. |
"Mục đích và mục tiêu của đề án sữa học đường được nhiều phụ huynh đánh giá là rất đúng đắn và sẵn sàng cho con tham gia chương trình này. Ngay từ đầu năm học, giáo viên các lớp cũng như ban giám hiệu cũng đã xin ý kiến các bậc phụ huynh và đại đa số được thông qua.
Có một số ít vị còn băn khoăn về đơn vị cung ứng liệu có đủ uy tín, chất lượng sữa có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không? Hiện tại đã rõ tên hãng sữa nên các bậc cha mẹ học sinh cũng yên tâm hơn.
Ngoài ra, sau này khi triển khai chương trình sữa học đường thì nhà trường đã có sẵn phòng kho để chứa sữa có diện tích đủ rộng. Tuy nhiên, khâu thu gom vỏ sữa cũng là bài toán khó vì số lượng lúc đó sẽ rất lớn. Mỗi tuần toàn trường sẽ tiêu thụ khoảng 8.000 hộp sữa.
Mặc dù mặt tích cực của đề án sữa học đường là khá rõ và được nhiều trường, phụ huynh ủng hộ nhưng việc bố trí thời gian biểu cho học sinh uống sữa học đường ra sao lại là điều các trường cần tính toán kĩ.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lý Thị Thanh Luyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay: "Thực hiện theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục huyện Hoài Đức, nhà trường đã tuyên truyền tới phụ huynh về lợi ích khi cho con tham gia chương trình này.
Sau khi phát ra 1.122 phiếu lấy ý kiến của phụ huynh từ đầu năm học, có khoảng 60% phụ huynh đồng ý cho con tham gia chương trình sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020. Cũng có cha mẹ còn lo lắng vì giá sữa 'quá rẻ' thì chất lượng thường thấp, thậm chí đó là sữa gần hết hạn sử dụng nên không cho con tham gia.
Tuy nhiên, việc bố trí thời gian biểu cho học sinh uống sữa học đường nhà trường cũng đang tính toán. Chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ Phòng Giáo dục, tham khảo ý kiến phụ huynh với phương án sẽ cho các em uống sữa học đường vào đúng giờ ăn bữa phụ bán trú buổi chiều.
Tức là, ngoài tiền ăn bán trú hàng ngày (chia làm hai bữa gồm bữa chính và bữa phụ với giá 20.000 đồng/em) thì phụ huynh sẽ chỉ phải đóng thêm rất ít chi phí nữa. Sắp tới, nhà trường sẽ họp bàn và chốt phương án sau khi thống nhất được với phụ huynh và chỉ đạo từ Phòng GD&ĐT".
Dự tính có khoảng 1,3 triệu học sinh mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn sẽ tham gia chương trình này. Ảnh minh họa: Đình Tuệ. |
Về vấn đề này, đại diện BGH Trường Tiểu học An Hưng lại cho rằng, nhà trường sẽ xin ý kiến phụ huynh để có thể bố trí cho trẻ uống sữa học đường sau giờ ra chơi buổi chiều. Bữa phụ bán trú thì vẫn cho trẻ ăn đầy đủ chứ không lo bị trùng hoặc phải cắt bỏ bữa phụ của trẻ.
Theo bà Đường Thị Lệ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, hiện tại đơn vị này đã quán triệt tới các trường mầm non, tiểu học trực thuộc việc thực hiện các bước lấy ý kiến phụ huynh để người dân biết đến chương trình sữa học đường.
Sau đó các trường sẽ lập danh sách các trẻ trong độ tuổi từ 36 tháng tuổi trở lên gửi lên Phòng. Còn đăng kí sẽ hoàn toàn do phụ huynh tự nguyện, sắp tới sẽ triển khai chương trình tập huấn của thành phố. Nếu có khó khăn về sắp xếp chỗ để sữa, thu gom vỏ hộp ra sao thì sẽ được trao đổi thống nhất ý kiến.
Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đang xin ý kiến của UBND TP Hà Nội để sớm triển khai kí kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Dự kiến sẽ triển khai gói thầu trong tháng 12/2018 để đáp ứng nhu cầu uống sữa cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn Thủ đô.
Dự tính có khoảng 1,3 triệu học sinh mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc 1.900 điểm trường chính, 2.000 điểm trường phụ và nhóm trẻ trên địa bàn sẽ tham gia chương trình này.
Với mức giá trúng thầu 6.286 đồng/hộp, thấp hơn 514 đồng/hộp so với mức trần đấu thầu (không quá 6.800 đồng/hộp loại 180ml), Vinamilk cam kết hỗ trợ 23% giá trị hàng hóa cho đối tượng 1 (trẻ em và học sinh tiểu học).
Như vậy, phụ huynh sẽ chỉ phải đóng góp 47% thay vì 50% đơn giá trúng thầu của 1 hộp sữa theo quy định của Đề án sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt trước đó.
Cô giáo phạt học sinh 231 cái tát: Công an vào cuộc, Sở GD&ĐT đang làm quy trình cho ra khỏi ngành
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, cơ quan Công an đang vào cuộc làm rõ vụ cô giáo phạt học sinh bằng 231 ... |
Trước ngày 26/11 phải có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT vụ cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái
Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) vừa yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Bình phải có báo cáo ... |
Bắt học sinh tát bạn 231 cái: Giáo viên đang 'gieo' vào đầu học sinh tư tưởng bạo lực?
Th.sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc cô giáo ở Quảng Bình bắt học sinh tát bạn tới 231 cái đến mức nhập ... |
Sở GD&ĐT Quảng Bình: Sẽ xem xét cho ra khỏi ngành cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái đến nhập viện
Theo đại diện Sở GD&ĐT Quảng Bình, cơ quan này sẽ xem xét cho ra khỏi ngành cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 ... |