Dạo quanh khu vực quận 8, TP HCM vào những ngày cận Tết Đoan Ngọ, hễ cứ hỏi "xưởng" làm bánh ú tro ngon nhất ở đây, người dân địa phương lại chỉ ngay đến nhà cô Trần Thanh Loan (hay còn gọi là cô Chín Lan) tọa lạc tại một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển.
Cứ mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, nhà cô Chín Lan lại tổ chức làm bánh ú tro để bán. (Ảnh: Hữu Thắng)
Gọi là xưởng nhưng thực tế, không gian làm bánh của "xưởng" này chỉ là khoảng sân nhỏ tại nhà cô Lan.
"Xưởng" bánh ú tro của cô Lan nhộn nhịp những ngày cận Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Hữu Thắng)
Bánh ú tro là một đặc sản không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 Âm lịch). Cứ vào dịp này hằng năm, gia đình cô Lan lại tụ họp về đây để cùng nhau để làm bánh để bán.
Nghề làm bánh ú tro vào Tết Đoan Ngọ vốn là truyền thống của nhiều hộ dân trong khu vực. (Ảnh: Hữu Thắng)
Cô Lan cho biết: "Nghề làm bánh ú tro là cái nghề truyền thống của gia đình từ trước năm 1975 đến nay. Bà con cô bác dù ở xa hay bận rộn công việc gì cũng đều quay về để quây quần tỏ chức nấu bánh".
Không khí "ăn Tết" tại xưởng lúc nào cũng đến sớm hơn những nơi khác. Từ mùng 2/5 Âm lịch, cô Lan đã bắt đầu hoàn thành những khâu đầu tiên để làm bánh. Thời gian hoạt động của xưởng kéo dài đến hết mùng 4/5 Âm lịch, tức chỉ vỏn vẹn 3 ngày/năm.
Được biết, nếp làm bánh phải sử dụng loại tốt nhất và đem ngâm trong nước tro để tạo nên hương vị và màu sắc đặc trưng cho bánh.
Nhân bánh được làm từ đậu xanh trộn với sầu riêng và đường, bên trong có thêm mứt bí đao để thêm phần hấp dẫn.
Nhân bánh có vị béo của đậu xanh, vị ngọt từ đường và mứt bí kết hợp cùng vị thơm của sầu riêng. (Ảnh: Hữu Thắng)
Loại lá gói bánh cũng được chọn lọc từ những lá tre bản to và phải ngâm rửa thật sạch. Lá tre cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên nét đặc trưng riêng cho món bánh này.
Lá được rửa sạch và lau sạch sẽ cẩn thận. (Ảnh: Hữu Thắng)
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bánh sẽ được gói bởi bàn tay của những người thợ lành nghề. Đa số thành viên đảm nhiệm công việc này là những người mẹ, người chị trong gia đình và có cả bà con lối xóm.
Nhân bánh được vo tròn và đặt giữa một lớp nếp ngâm tro. (Ảnh: Hữu Thắng)
Với kinh nghiệm hơn 60 năm trong nghề, bà Tám cho ra những chiếc bánh khéo nhất trong xóm. (Ảnh: Hữu Thắng)
Cô Trần Mỹ Lệ (quận 8, TP HCM) cho biết: "Để gói được một cái bánh chuẩn và đẹp đòi hỏi người gói phải có nhiều kinh nghiệm.
Lúc trước, tôi cũng phải mất một thời gian để quen tay. Thấy vậy chứ không phải dễ, mấy đứa nhỏ trong nhà cũng tập làm hoài mà vẫn chưa rành".
Phải thật khéo léo mới có thể gói được những chiếc bánh đạt chuẩn như thế này. (Ảnh: Hữu Thắng)
Sau khi gói xong, bánh sẽ được chuyển đến những "cánh mày râu" ngoài sân để nấu. Mỗi xâu bánh được cột lại và cho vào một nồi bánh lớn.
Bánh được cho vào một thùng phuy lớn đầy nước để nấu trong 3-4h. (Ảnh: Hữu Thắng)
Việc canh lửa nấu bánh cũng không hề dễ dàng. Người nấu phải có kinh nghiệm điều chỉnh nhiệt độ, thời gian cũng như duy trì lượng nước phù hợp trong suốt 3 – 4h để bánh được chín đều và đạt chuẩn.
Bên ngoài sân, "phái mạnh" luân phiên nhau canh lửa nấu bánh. (Ảnh: Hữu Thắng)
Bánh ú tro được gói thành xâu, mỗi xâu 60 cái có giá bản lẻ khoảng 250 nghìn đồng. Tuy nhiên, bánh ú tro khi ra đến chợ thường được bán theo chục (mỗi chục 12 cái) và sẽ có giá đắt hơn.
Trung bình mỗi mùa Tết Đoan Ngọ, xưởng bánh của cô Lan sản xuất khoảng 20 thiên (mỗi thiên tương ứng 1200 cái bánh).
Khách hàng chủ yếu là người dân khu vực đến bỏ mối lấy sỉ và mang đi cung cấp khắp các chợ trên địa bàn TP HCM.
Từ ngày 3/5 Âm lịch, những chiếc bánh ú tro bắt đầu được bày bán trên khắp con đường Phạm Thế Hiển. (Ảnh: Hữu Thắng)
Cô Lan cho biết: "Làm bao nhiêu cũng không đủ, khách muốn mua phải đặt trước vài ngày để xưởng kịp chuẩn bị. Nếu đến đột xuất và hỏi mua thì chắc chắn không có bánh để bán".
Không chỉ riêng gia đình cô Lan, có gần 20 hộ dân trong xóm tổ chức làm bánh ú tro để bán vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm.
Chiếc bánh ú tro thành phẩm có màu vàng nâu đẹp; lớp nếp bên ngoài có độ dẻo vừa phải, khi cắn vào sẽ cảm nhận rõ lớp nếp ngâm tro với mùi thơm rất đặc trưng; phần nhân bên trong có vị béo thơm của sầu riêng và đậu xanh cộng thêm vị ngọt của đường và mứt bí khiến món bánh trở nên hoàn hảo. (Ảnh: Hữu Thắng)
Mùi thơm của gạo nếp, đậu xanh, mùi khói nhẹ tỏa ra từ những nồi bánh khổng lồ hòa cùng tiếng cười đùa rôm rả, khu xóm nhỏ lúc này trở nên vô cùng đông vui và nhộn nhịp.
Không khí làm bánh dù mệt nhưng vẫn rất vui vẻ, đầy ấp tiếng nói cười. (Ảnh: Hữu Thắng)
"Làm bánh từ sáng đến tối, khi nào mệt thì nghỉ. Tới mùa là cả xóm thức thâu đêm để làm bánh. Không khí vui vẻ không khác gì mình nấu bánh chưng, bánh tét ngày Tết Nguyên Đán" – Cô Lan chia sẻ.
Món bánh ú tro là món quà vặt yêu thích của những em nhỏ. (Ảnh: Hữu Thắng)
Nói về thu nhập từ nghề làm bánh ú tro, cô Loan cho biết: "Một năm chỉ làm có vài ngày thôi nên lời hay lỗ thì cũng không quan trọng, chủ yếu là để gia đình, hàng xóm tụ họp vui vẻ với nhau.
Tôi cũng rất lo là mấy đứa nhỏ hiện nay công việc bận rộn, tụi nó cũng không mấy hứng thú với cái nghề này.
Vì vậy, mình tổ chức gói bánh không chỉ để bán mà cũng là để gìn giữ cái nghề làm bánh ú tro, tạo cơ hội cho con cháu có cơ hội được tiếp nối với cái nghề truyền thống bao lâu nay của gia đình".