Tết Đoan Ngọ năm nay nên ăn gì để 'rước' may mắn và mạnh khỏe?

Bên cạnh những món ăn phổ biến gắn với phong tục của người Việt dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5/ 5 Âm lịch thì vẫn còn những món không hẳn ai cũng biết, đặc biệt là những ý nghĩa đằng sau chúng.

Nên ăn gì vào dịp Tết Đoan Ngọ?

Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc, được Việt hóa thành ngày Tết "giết sâu bọ" và thờ cúng tổ tiên. Từ xưa người Trung Quốc dùng ngày này để tưởng nhớ vị đại trung thần thần nước Sở là Khuất Nguyên khi ông bị gian thần hãm hại, uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5/5.

Tết Đoan Ngọ năm nay nên ăn gì để rước may mắn và mạnh khỏe? - Ảnh 1.

Người Trung dùng ngày này để tưởng nhớ vị đại trung thần thần Khuất Nguyên.

Về mặt ngữ nghĩa, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào giữa trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất. Thời gian này khí dương đang thịnh nhất trong năm.

Người Việt dùng hoa quả đầu mùa vừa chín dâng lên tổ tiên ngày mùng 5 tháng 5 với mong muốn sẽ có một mùa bội thu. Ngoài ra, vào ngày này mọi người phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. 

Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.

Tết Đoan Ngọ năm nay nên ăn gì để rước may mắn và mạnh khỏe? - Ảnh 2.

Những món quen thuộc trong ngày Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Zing)

Tết Đoan Ngọ và phong tục "giết sâu bọ" đã trở thành truyền thống và phong tục của người Việt hàng năm. Cứ đến dịp này, nhà nhà lại chuẩn bị những món ăn, hoa quả, bánh trái để dâng lên tổ tiên và "giết sâu bọ". Dưới đây là những món ăn được cho là không thể thiếu trong ngày đặc biệt này.

Cơm rượu nếp

Cơm rượu nếp được bán rất nhiều trong Tết Đoan Ngọ tại các hàng quán ngoài chợ và trên cả những gánh hàng rong. Món cơm rượu vừa ngọt, vừa cay cay, tê nồng nơi đầu lưỡi khi ăn vào theo nhiều người sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Tết Đoan Ngọ năm nay nên ăn gì để rước may mắn và mạnh khỏe? - Ảnh 3.

Những ngày này cơm rượu được bày bán kháp nơi. (Ảnh: Bảo Bình)

Tùy vào mỗi miền mà cơm rượu cũng sẽ khác nhau. Cơm rượu ở miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn lại khác hoàn toàn với thứ cơm rượu rời của người Bắc. Nhưng tựu chung lại, hương vị thơm ngon và hấp dẫn của món cơm rượu theo từng miền chẳng khác nhau là mấy.

Món bánh tro ngày Tết

Bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ cũng như một số nơi của Miền Bắc. Bánh tro có nhiều tên và hình dáng khác nhau như  bánh ú, bánh gio, bánh âm và còn vài biến thể khác theo địa phương.

Tết Đoan Ngọ năm nay nên ăn gì để rước may mắn và mạnh khỏe? - Ảnh 4.

Món bánh luôn được nhắc tới mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Bảo Bình)

Bánh tro được bán nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết. Ông bà xưa quan niệm rằng, tháng 5 âm lịch là lúc "độc trời" nhất trong năm, vì hè oi bức, dễ sinh bệnh dịch nên các món ăn chế biến cần có sự hấp thụ đặc tính từ cây cỏ, giúp dễ tiêu, giải nhiệt.

Tết Đoan Ngọ năm nay nên ăn gì để rước may mắn và mạnh khỏe? - Ảnh 5.

Banh tro gắn liền với ngày Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Phạm Doãn Triều)

Loại bánh này tưởng đơn giản nhưng không hề dễ làm, chưa kể còn có đủ loại có nhân (ngọt và mặn) hoặc không nhân. Người làm bánh phải rất tỉ mỉ, kĩ càng từ khâu chọn nếp đến cách gạn nước tro được đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, đã được rửa sạch và gói, luộc, rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng để thưởng thức. 

Vị thanh mát của bánh tro hòa quyện với vị ngọt ngào của đường mật khiến bất ai ăn một lần cũng phải luyến lưu thứ bánh giản dị mà dân dã này.

Thưởng thức hoa quả đầu mùa

Cùng với bánh tro, cơm rượu thì hoa quả đầu mùa là thứ không thể thiếu để đem cúng cũng như thưởng thức. Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này thì Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi ý nghĩa "giết sâu bọ" của nó. 

Tết Đoan Ngọ năm nay nên ăn gì để rước may mắn và mạnh khỏe? - Ảnh 6.

Tháng 5 Âm lịch là thời điểm có nhiều trái ngon đầu mùa. (Ảnh: Bảo Bình)

Hoa quả được chọn dùng trong Tết Đoan Ngọ chủ yếu là các loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức. Đó là mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu,… mà phổ biến nhất vẫn là mận và vải.

Thịt vịt – món ăn phổ biến tại miền Trung ngày 'giết sâu bọ'

So với các nơi khác thì miền Trung khá phổ biến tục ăn thịt vịt vào ngày Tết này. Họ quan niệm, bắt đầu từ mùng 5/5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. 

Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đó tiết canh vịt là phổ biến nhất.

Tết Đoan Ngọ năm nay nên ăn gì để rước may mắn và mạnh khỏe? - Ảnh 7.

Tục ăn thịt vịt vào ngày Tết phổ biến ở miền Trung. (Ảnh: TrungBuii)

Những ngày trước và trong Tết Đoan Ngọ, các chợ của miền này thường rất rộn rã việc mua bán vịt sống. Có một số địa phương ở các vùng khác, tục ăn vịt cũng được lưu truyền.

Chè trôi nước

Người miền Bắc ăn bánh trôi vào Tết Hàn thực nhưng người miền Nam lại ăn món chè trôi nước có cách làm tương tự vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Bánh trôi được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh ăn kèm với nước cốt dừa. Theo dân gian quan niệm thì món này được làm từ gạo nếp – nguyên liệu được người xưa quan niệm là có khả năng giết sâu bọ rất tốt.

Tết Đoan Ngọ năm nay nên ăn gì để rước may mắn và mạnh khỏe? - Ảnh 8.

Chè trôi nước là món không thể thiếu trong ngày này. (Ảnh: Bảo Bình)

Như vậy, cứ đến Tết Đoan Ngọ, ở Việt Nam, những món ăn để "giết sâu bọ" rất phong phú, đa dạng theo mỗi vùng miền. Nhưng dù là món ăn nào, trái cây gì, người Việt vẫn luôn hướng tới và duy trì một nét đẹp văn hóa, nét đẹp tâm linh đã trở thành truyền thống tự bao đời vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.