Cơm tấm từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản của người Sài Gòn, đặc biệt có nhiều người vẫn thích tận hưởng bữa sáng bằng món này. Món ăn dân dã này không chỉ để lấp đầy chiếc bụng đói mà hương vị cũng đặc biệt không thua kém bất kì sơn hào, hải vị nào.
Dĩa cơm tấm đầy đủ sườn – bì – chả . (Ảnh: @td.ngo12)
Cơm tấm thường ăn với sườn, chả, trứng và bì mà người Sài Gòn vẫn hay gọi vui là "sà bì chưởng", đặc biệt kèm theo một chén nước mắm ngon. Có thể tìm thấy hàng cơm tấm ở khắp nơi, nhưng nếu chọn quán ngon để thưởng thức, bạn có thể ghé quán Ba Ghiền (84 Đặng Văn Ngữ, Phú Nhuận), cơm tấm Nguyễn Phi Khanh (113 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, quận 1),…
Bánh mì chảo có lẽ là một biến tấu đặc biệt từ ổ bánh mì dân dã, được người Sài Gòn coi đó là một phần tinh hoa của văn hóa ẩm thực riêng có. Hiện nay có nhiều quán bán bánh mì chảo, nhưng nổi tiếng và lâu đời nhất phải kể đến bánh mì Hòa Mã ở đường Cao Thắng.
Bánh mì Hòa Mã mở từ 6 – 11 giờ hàng ngày. (Ảnh: Bảo Bình).
Mở ra từ tận năm 1958, đây là một trong những tiệm bánh mì lâu đời nhất ở Sài Gòn, tọa lạc ở đầu hẻm số 53 Cao Thắng, quận 3. Thực đơn của tiệm đơn giản với 2 món "bánh mì ốp-la đủ thứ" được chiên trong chảo và "bánh mì kẹp thịt" với nhân là các loại thịt nguội.
Giá của bánh mì chảo là 52.000 đồng/phần. (Ảnh: Bảo Bình)
Một chảo thập cẩm gồm 2 trứng gà chiên, jambon, chả lụa, chả quế, xúc xích, thịt ba rọi muối,… đi kèm cùng dĩa đồ chua nhỏ. Tất cả đều được chiên nóng cháy cạnh tỉ mỉ cùng với ít hành tây nồng nồng. Độ nêm khá nhạt, khi ăn thực khách thường phải thêm muối tiêu, xì dầu, tương ớt tùy khẩu vị.
Bánh mì chấm ca cao có thể nói là một trong những món ăn sáng nhanh – tiện – ngon nhưng ở Sài Gòn không phải ai cũng biết rõ chỗ bán. Phần ca cao để chấm với bánh mì là ca cao đậm đặc dầm với đá, chấm thêm bánh mì giòn giòn.
Món bánh mì chấm ca cao ở quán bà Tám. (Ảnh: Hường Trần)
Món ăn này vẫn được bán mỗi ngày tại quán của bà Tám – một hàng quán nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu chung cư chợ Quán, trong con hẻm đường Trần Bình Trọng, quận 5. Món ăn có nguồn gốc xuất phát từ người Campuchia được bà bán hơn 23 năm nay.
Có hàng bánh ngọt, sữa tươi ở Sài Gòn đã mở hơn 20 năm nay vào mỗi sáng. Hễ đi ngang qua đều thấy đông khách mua, người bán luôn tất bật chuẩn bị. Nhiều người trên đường đi làm, đi học vẫn thích ghé, gọi vội chiếc bánh ngọt, li sữa tươi, hay cà phê sữa để lót dạ.
Bữa sáng giản đơn được nhiều người ưa thích. (Ảnh: @eatwith.thu)
Quán sữa tươi nằm ở số 10 đường Phùng Khắc Khoan, quận 1 này đặc biệt ở chỗ chủ quán có trang trại riêng nên nguồn sữa tươi đến từ đó, cộng thêm các món bánh "nhà làm" được ưa thích. Chưa kể góc quán nằm giữa lòng quận 1 nhưng chẳng có chút xô bồ, yên bình dưới tán me bên đường, vừa ăn vừa ngắm phố xá cũng thú vị không kém.
Ăn sáng và trò chuyện dưới tán me Sài Gòn phố. (Ảnh: @theannoyingtrang)
Bên cạnh các món quen thuộc như bánh mì, xôi, phở thì bạn có thể thử ăn sáng kiểu Hoa – dimsum và nước sâm ở khu vực người Hoa sinh sống. Những hàng điểm tâm (dimsum) bán rất phong phú, không giống kiểu trăm miếng như một ở nhà hàng. Và có một điều đặc biệt là dimsum hầu như luôn bán với nước sâm như để bớt ngán và giải độc cơ thể.
Dimsum và nước sâm là điểm tâm sáng quen thuộc của người Hoa. (Ảnh: Chân Chân)
Những quán ngon phải kể đến quán Điểm tâm sáng (200 Dương Tử Giang, quận 11), Dimsum Tiến Phát (18 Ký Hòa, quận 5), Dimsum Tân Sanh Hoạt (322 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3),... Đa phần những hàng dimsum của người Hoa chính gốc không bao giờ phục vụ sau 11h hay 12h trưa, đúng với nghĩa của điểm tâm chỉ để ăn sáng.