10 hành lang kinh tế trong dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia đến 2030

Giai đoạn 2021 - 2030, cả nước sẽ phát triển 10 hành lang kinh tế, chia làm hai trục chính là hành lang kinh tế dọc theo trục Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây.

Cả nước sẽ phát triển 10 hành lang kinh tế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh minh họa: Báo Xây dựng) 

Theo dự thảo báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành vào tháng 7 vừa qua, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030 sẽ có 10 hành lang kinh tế.

Theo đó, tập trung hình thành các hành lang kinh tế dọc theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn và gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, địa bàn tăng trưởng. Trong đó, ưu tiên các hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa

Đối với các hành lang kinh tế theo trục dọc Bắc - Nam, ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở cao tốc Bắc - Nam phía Đông, QL.1A, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao trong tương lai.

Cùng với đó là hình thành một số đoạn hành lang kinh tế dọc theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du miền núi phía Bắc.

Hành lang kinh tế theo trục dọc Bắc - Nam bao gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam; các hành lang kinh tế gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Lạng Sơn - Hà Nội - TP HCM - Cà Mau) hình thành dựa trên trục giao thông kết nối là cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Ql.1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao trong tương lai.

Trên hành lang kinh tế này tập trung hoàn thành các trục đường chính: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; đưa vào cấp QL.1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Nâng cấp đường sắt Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến TP HCM. Xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP HCM, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không trên tuyến hành lang.

Trên hành lang kinh tế Bắc - Nam trong giai đoạn đến năm 2030 tập trung phát triển các đoạn hành lang từ các đô thị lớn như Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Nha Trang, TP HCM - Cần Thơ.

Cùng với đó là phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với các cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn, cửa khẩu quốc tế trên hành lang. Liên kết phát triển Hành lang kinh tế Bắc - Nam với Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore.

Hỗ trợ cho hành lang kinh tế Bắc - Nam là dải ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Với việc hình thành tuyến giao thông đường bộ ven biển, hành lang này có tính chất kết nối các khu vực phát triển kinh tế năng động.

Về các hành lang kinh tế gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây, hành lang kinh tế này nhằm khai thác, phát triển vùng Tây Nguyên; các khu vực phía tây của Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; Trung du miền núi phía Bắc gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.

Hoàn thành xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau. Triển khai xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tập trung xây dựng đoạn Tuyên Quang - Phú Thọ - Ba Vì (Hà Nội) - Chợ Bến (Hòa Bình) và đoạn Ngọc Hồi (Kon Tum) - Chơn Thành (Bình Phước) - Rạch Giá (Kiên Giang). Nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không trên tuyến hành lang tại các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Kiên Giang.

Trong giai đoạn đến năm 2030, hành lang này tập trung phát triển các đoạn qua Tây Nguyên và Cần Thơ - Kiên Giang. Đối với đoạn qua Tây Nguyên, hành lang sẽ kết nối các vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến, liên kết phát triển du lịch con đường xanh Tây Nguyên, tăng cường tác động lan tỏa của các đô thị trung tâm vùng, tiểu vùng như Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Pleiku (Gia Lai).

Đối với đoạn Cần Thơ - Kiên Giang: phát triển dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, du lịch, một trục phát triển quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

Đối với đoạn hành lang qua vùng Trung du và miền núi phía Bắc: phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản, du lịch; gắn với hành lang kinh tế Trùng Khánh - Quý Châu - Bách Sắc - Cao Bằng.

Đối với các hành lang kinh tế Đông - Tây, bao gồm hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Vũng Tàu; hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; hành lang kinh tế Cầu Treo - Vũng Áng; hành lang kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Về hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, vùng ảnh hưởng trực tiếp của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, gồm 9 tỉnh, thành phố phía bắc từ Lào Cai đến Hải Phòng và Quảng Ninh (bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh).

Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là hành lang kết nối vùng Trung du, miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, Hải Phòng) và là tuyến kết nối ra biển của vùng tây nam Trung Quốc.

Hành lang này sẽ mở rộng cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ 1.435 mm. Hoàn thành xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), các cảng khu vực Quảng Ninh. Nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi; xây dựng cảng hàng không Sa Pa tại Lào Cai, cảng hàng không thứ 2 cho vùng Thủ đô Hà Nội. 

Cùng với đó là đảm bảo kết nối giữa đầu mối cửa khẩu Lào Cai và các địa phương trên toàn tuyến với cụm cảng biển số 1, trong đó có cảng cửa ngõ Lạch Huyện tại Hải Phòng.

Về hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng, hành lang này từ cửa khẩu Lao Bảo qua TP Đông Hà (Quảng Trị) và kết thúc tại cảng Đà Nẵng. Đây là một phần của Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) thuộc Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), kết nối các địa phương phía nam Myanmar, miền Trung của Thái Lan và Lào ra cảng biển của miền Trung Việt Nam.

Trên Hành lang kinh tế Đông – Tây thuộc Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã hình thành và nối thông tuyến giao thông đường bộ huyết mạnh từ Myanma nối liền 7 tỉnh Đông Bắc của Thái Lan, Savanakhet của Lào và 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng của Việt Nam, dài 1.450 km.

Trong giai đoạn tới, trên địa bàn Việt Nam, nâng cấp QL.9 và xây dựng cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, kết nối vớicao tốc Bắc – Nam đến Đà Nẵng. Xây dựng cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) theo hướng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực Duyên hải miền Trung; cảng biển Mỹ Thủy tại Quảng Trị. Đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị.

Về hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Vũng Tàu, hành lang này bắt đầu từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) qua TP HCM và kết thúc tại cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á (Nam Ninh - Singapore), có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

Hành lang kinh tế này sẽ đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Mộc Bài - TP HCM, Biên Hòa - Vũng Tàu. Xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải. Mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành.

Về hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội, hành lang này gồm các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và TP Hà Nội. Đây là tuyến hành lang kết nối tiểu vùng tây bắc với vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết với hành lang kinh tế Bắc - Nam và kết nối với khu vực phía bắc Lào.

Hành lang kinh tế này này sẽ xây dựng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, trong đó đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình đã hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1, đoạn Hoà Bình - Sơn La triển khai xây dựng trong giai đoạn trước năm 2030. Đầu tư xây dựng và mở rộng sân bay Điện Biên và Nà Sản.

Về hành lang kinh tế Cầu Treo - Vũng Áng, đây là tuyến hành lang kết nối Đông - Tây nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, cùng với đó để phát triển khu vực bắc Quảng Bình trong liên kết nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình, kết nối phát triển Khu Kinh tế Hòn La với Hành lang kinh tế Cầu Treo - Vũng Áng và các tuyến kết nối với cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) theo hướng hình thành Hành lang kinh tế Cầu Treo, Cha Lo - Vũng Áng, Hòn La.

Hành lang này sẽ nâng cấp các tuyến giao thông kết nối từ Đông sang Tây của tuyến hành lang thông qua QL.12C từ cảng Vũng Áng, QL.8A ra cửa khẩu Cầu Treo và mở rộng cảng biển Vũng Áng. Xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Nam - Lào (đèo Mụ Giạ), kết nối với tuyến đường sắt Thà Khẹc - Viêng Chăn (Lào) dự kiến xây dựng.

Về hành lang kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn, hành lang này kết nối 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Bình Định thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây cũng là là cửa ngõ ra biển của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Ngoài ra, xây dựng tuyến cao tốc Pleiku - Lệ Thanh, kết nối phát triển Hành lang kinh tế Quy Nhơn - Pleiku với cửa khẩu Lệ Thanh và QL.78 của Campuchia, thúc đẩy phát triển đoạn tuyến hành lang kinh tế Pleiku - Lệ Thanh.

Hành lang kinh tế này sẽ nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối từ cửa khẩu Bờ Y đến cảng Quy Nhơn (Bình Định), bao gồm QL.40 (từ cửa khẩu Bờ Y đến Ngọc Hồi, Kon Tum); tuyến đường Hồ Chí Minh (từ Ngọc Hồi, Kon Tum đến Pleiku, Gia Lai), QL.19 (từ Pleiku đến Quy Nhơn). Xây dựng cao tốc Pleiku - Quy Nhơn trong giai đoạn 2021 - 2030.

Về hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hành lang này đi qua 4 tỉnh, gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, hành lang kinh tế này có vị trí nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trục kinh tế của vùng, trong tương lai kết nối với cảng biển Trần Đề.

Hành lang này sẽ nâng cấp trục giao thông đường bộ gồm các tuyến QL.91, 91B; xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để tăng cường kết nối liên tỉnh trong vùng. Xây dựng cảng biển phía ngoài khơi cửa Trần Đề phục vụ xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau, đây là tuyến hành lang kết nối các tỉnh ven biển ở cực tây nam của quốc gia, gồm các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, gắn với vùng vịnh Thái Lan, nằm trong Hành lang ven biển phía nam của Tiểu vùng Mê Công mở rộng.

Hành lang này sẽ nâng cấp các tuyến đường ven biển miền Tây từ cửa khẩu Hà Tiên đến Cà Mau, gồm các tuyến QL.80, 61, 63 (Hà Tiên - Bạc Liêu - Cà Mau), tuyến đường ven biển đoạn đi qua Cà Mau; xây dựng cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.