Hình hài đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Vĩnh Thuận gần 4.000 tỷ dự kiến khởi công đầu 2024

Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận có tổng chiều dài 51,8 km, đi qua hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công từ quý I/2024.

Điểm đầu của đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Huy).

Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường.

Đường Hồ Chí Minh nằm trong chiến lược tổng thể phát triển giao thông vận tải nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, được Quốc hội khoá XI thông qua chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 12/2004.

Cho đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, đối với việc thực hiện các dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh, đã triển khai thi công hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh, đang thực hiện 211 km, chưa triển khai thực hiện 171 km.

Như vậy, dự án vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo yêu cầu của Quốc hội, toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn còn 3 đoạn là Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến; Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (hơn 6% tổng dự án).

Một trong ba đoạn tuyến chưa đầu tư xây dựng là đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc tuyến Rạch Sỏi - Đất Mũi nằm trong quy hoạch phát triển đường Hồ Chí Minh đến năm 2010, đi qua 2 tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu.

Nhằm hoàn thiện tuyến đường Hồ chí Minh theo quy hoạch, ngày 17/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. 

Dự án sau khi hoàn thành sẽ nối thông các huyện Gò Quao, Hồng Dân và Vĩnh Thuận bằng đường bộ (thay thế 3 phà hiện hữu) với vận tốc khai thác lớn. Đoạn tuyến này trong tương lai cũng sẽ đồng bộ với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu để đa dạng hoá các phương thức vận tải.

Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất kết nối Quốc lộ 61 với các trung tâm Rạch Giá, Vị Thanh và Quốc lộ 63 đi Vĩnh Thuận, Bạc Liêu và Cà Mau; tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Sẽ thu hồi đất của gần 1.500 hộ dân

Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận có tổng chiều dài 51,8 km, trong đó đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài hơn 45,2 km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6 km.

Toàn tuyến sẽ đi qua các địa phương bao gồm: Thị trấn Minh Lương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành; xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng; xã Định Hòa, thị trấn Gò Quao, các xã Vĩnh Phước B, Vĩnh Thắng, Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao; xã Phong Đông, thị trấn Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) và xã Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).

Dự án sẽ được chia làm 2 đoạn. Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất kết nối huyện Châu Thành với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận nối huyện Gò Quao với huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. 

 Hiện trạng đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất.

Hiện trạng đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Để thực hiện dự án sẽ phải thu hồi hơn 114,7 ha đất, trong đó đất lúa nước hai vụ là 40 ha; đất ở nông thôn là 3,7 ha. Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất là khoảng 1.465 hộ, tương ứng với khoảng 4.486 người sử dụng đất bị ảnh hưởng. 

Về hiện trạng, tuyến cắt qua một số kênh, sông lớn như: kênh KH6; kênh Mương Lộ; kênh ĐT962; sông Cái Lớn; kênh Hai; kênh Ba; sông Ngã Ba Cái Tàu; kênh Ngã Ba Đình; kênh Cạnh Đền và cắt qua nhiều kênh mương nhỏ dọc tuyến.

Dự án sẽ không sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên; không gần khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vùng đất ngập nước quan trọng và di sản thiên nhiên khác. 

 

 

 

 

 

 

 

Hiện trạng khu vực tuyến đường sẽ đi qua. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Về hướng tuyến, 11,2 km đầu tiên của dự án sẽ đi trùng với Quốc lộ 61, hiện trạng đường cũ cấp IV đồng bằng, có chỗ chỉ đạt cấp V đồng bằng, bề rộng 7,5 m và có 4 cầu, các cầu mới được xây dựng những năm 2004 còn tốt, đảm bảo quy mô 2 làn xe chạy của đường cấp III đồng bằng.

Nhìn chung, 11,2 km này sẽ được cải tạo, nâng cấp mở rộng nền đường lên 12 m, trong đó bề rộng xe chạy là 7 m. Đối với đoạn qua khu đông dân cư thì mặt cắt ngang đường là 13,8 m, bề rộng xe chạy 7 m.

Đoạn sẽ mở rộng, nâng cấp nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Còn đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận sẽ là tuyến mở mới. Theo đó, tuyến sẽ đi từ điểm tách Quốc lộ 61 về khu vực cầu Cái Lớn, sau đó đi bên phải ĐT962 và kênh Lộ Xe. Tuyến tiếp tục vượt sông Cái Tàu (cầu Bần Ổi) và đi song song và cách kênh 300 - 500 m, vượt kênh Ngã Ba Đình (cầu Bến Luông).

Tuyến đi tiếp bên trái kênh Chắc Băng, cách 250 - 300 m, sau đó đi tránh thị trấn Vĩnh Thuận sang bên trái cách kênh Chắc Băng 700 - 800 m. Tuyến kết thúc tại điểm nhập vào quốc lộ 63, cách thị trấn Vĩnh Thuận 4 km. Đối với đoạn mở mới, bề rộng đường sẽ là 12 m, trong đó làn xe chạy rộng 7 m.

Đoạn mở mới Gò Quao - Vĩnh Thuận. (Ảnh chụp từ ĐTM). 

Ngoài ra, các hạng mục trên tuyến sẽ có 9 nút giao, 25 công trình cầu, 38 cống hộp thoát nước dọc tuyến và một số hạng mục phụ trợ khác. Một số nút giao lớn mà tuyến đi qua bao gồm giao Quốc lộ 61, quốc lộ 63, giao IC6 tuyến cao tốc Hậu Giang – Cà Mau...

Về tiến độ, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận dự kiến thi công trong 3 năm (2023 - 2026). Cụ thể, quý II/2023 phê duyệt dự án; quý IV/2023 duyệt thiết kế kỹ thuật và đền bù GPMB; khởi công dự án vào quý I/2024; triển khai xây dựng đến hết quý IV/2026.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.905 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm 2.703 tỷ đồng và chi phí GPMB, tái định cư là 230 tỷ đồng. 

Trong năm 2023, một đoạn tuyến khác của đường Hồ Chí Minh sẽ được khởi công là đoạn Chơn Thành - Nhơn Hòa. Đoạn tuyến này từng được khởi công từ năm 2007 và đã trải qua hai lần tạm dừng thi công vào các năm 2011 và 2019.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ đi qua địa phận các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Điểm đầu tuyến tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Điểm cuối tuyến giao với quốc lộ N2 thuộc huyện Đức Hoà, Long An. Tổng chiều dài toàn tuyến 72,75 km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 2.293 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 136 tỷ đồng và chi phí xây dựng là 1.790 tỷ đồng... Dự kiến trong năm 2023 dự án sẽ khởi công và hoàn thành vào 2025.