Facebook "đau đầu" vì vô tình gợi ý nội dung lạm dụng tình dục trẻ em | |
Học sinh nghiên cứu những vấn đề 'nóng' | |
Thực trạng bất ngờ về tình dục học đường ở Việt Nam hiện nay |
Trả lời báo chí mới đây, ông Trần Thành Nam - Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên - ĐHQGHN cho biết, theo những số liệu nghiên cứu của ông và đồng nghiệp, chọn mẫu tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội, thì đến hết lớp 9 có khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục; tính đến hết lớp 12 thì con số là 39%. Cũng theo ông Nam, khoảng 10% học sinh THPT báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên.
Những con số được công bố khiến không ít người, đặc biệt là phụ huynh phải giật mình. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề tình dục học đường hiện nay.
- “Đến hết lớp 9, khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục, hết lớp 12 thì con số này là 39%, 10% học sinh THPT báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên”. Ông có bất ngờ trước những số liệu của nghiên cứu này, và những con số này phản ánh điều gì?
Nhiều người, đặc biệt là phụ huynh sẽ giật mình và thậm chí không tin vào những số liệu từ cuộc điều tra này. Tuy nhiên những con số này lại phản ánh đúng thực tế hiện nay ở nước ra, đó là tình trạng quan hệ tình dục sớm ở học trò, đặc biệt là từ lớp 9.
Lứa tuổi 13-14 (học sinh lớp 8, lớp 9) là thời điểm dậy thì phổ biến ở học sinh. Thậm chí có em 8-9 tuổi đã bắt đầu có nhiều dấu hiệu thay đổi trong cơ thể. Bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt nên độ tuổi dậy thì ở trẻ em nước ta đã sớm hơn trước đây từ 3-4 năm.
Ở nhiều nước trên thế giới, cấp THCS chỉ kéo dài đến lớp 8. Cấp THPT sẽ từ lớp 9 đến lớp 12. Ở độ tuổi lớp 9, các em bắt đầu có nhu cầu về tình cảm, muốn khám phá, muốn thử và tò mò về thế giới xung quanh, tò mò về những người khác giới.
Sự tò mò đó bao trùm cả tâm lý và sinh lý của các em, vừa muốn xem xét đồng thời cũng có sự thôi thúc từ bản năng bên trong, nhu cầu của giới tính.
Tất nhiên điều này cũng phụ thuộc vào gia đình, môi trường giáo dục, tính cách của từng em. Những gia đình có sự giáo dục đầy đủ thì tính cách các em sẽ ôn hòa hơn. Còn những trường hợp cá biệt, lại ít được giáo dục, quan tâm thì các em sẽ có xu hướng tự phát, do đó nhu cầu về tình dục lại càng thôi thúc.
Cách sinh hoạt hiện nay của người trẻ cũng đã cởi mở hơn, không gò bó như trước. Các em trai gái có thể khoác vai, cõng nhau thoải mái. Đây cũng là nguyên nhân khiến dễ xảy ra việc quan hệ tình dục sớm ở độ tuổi học trò.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng những con số từ nghiên cứu này tương đối khách quan và có cơ sở. Ảnh: Huyền Trần |
- Ông có cho rằng con số của nghiên cứu này khách quan không, bởi chỉ thực hiện khảo sát và lấy mẫu tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội?
Nếu như muốn có được mẫu đáng tin cậy thì mẫu đấy phải thật sự lớn và để có được mẫu lớn thì nhất thiết phải thực hiện chương trình mang cấp Quốc gia. Nhưng thực tế chúng ta không có nhiều kinh phí. Các giảng viên đại học làm được như vậy là rất tích cực.
Nội thành Hà Nội và vùng ven nông thôn là những nơi có thể khảo sát và đưa ra con số mang tính chất phản ánh chung được. Tất nhiên con số này không phải là đại diện hết, nhưng nó cũng phản ánh được tình trạng báo động về vấn đề tình dục học đường hiện nay.
Khi các em không được giáo dục định hướng về giới tính, về tình dục thì các em càng dễ phải chịu những tác động từ bên ngoài xã hội bấy nhiêu, đặc biệt là những tác động xấu. Do đó, vấn đề này cần phải được nghiên cứu kĩ lưỡng và tìm ra giải pháp.
- Theo ông, trước đây đã từng có cuộc khảo sát hay nghiên cứu nào về vấn đề này chưa?
Thực tế từ trước đến này có nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát, của cả những tổ chức của Việt Nam và cả tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, những nghiên cứu này vẫn rất rời rạc, không có sự liên kết với nhau. Quy mô nghiên cứu thì vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, không xuyên suốt nên vẫn chưa có con số nào mang tính đại diện chính thức.
Việc khảo sát phải được thực hiện nhắc lại, khoảng 5-10 năm để có sự so sánh con số, đánh giá những vấn đề nổi cộm và tìm ra giải pháp thì mới có ý nghĩa.
- Nếu để thực hiện một cuộc khảo sát về tình dục học đường mang tính chất Quốc gia thì theo ông sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Khó khăn nhất theo tôi nghĩ là vấn đề tài chính, nhưng tôi cho rằng chúng ta sẽ không mất quá nhiều kinh phí để thực hiện chương trình này, đặc biệt đây lại là vấn đề rất thực tế ở nước ta. Nếu như các cơ quan quản lý coi đây là vấn đề quan trọng, cần thiết thì nên thực hiện đồng thời ở nhiều nơi để có được con số sát thực tế nhất.
- Theo ông vì sao việc giáo dục giới tính cho học sinh đã ít nhiều được quan tâm trong những năm gần đây nhưng hiệu quả vẫn chưa cao?
Việc giáo dục giới tính cho học sinh đã được bắt đầu từ cấp 2, nhưng lại chưa có hiệu quả, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Rào cản khiến việc giáo dục giới tính không hiệu quả đó xuất phát nhiều từ phía giáo viên dạy môn này. Phần lớn các thầy cô không được tập huấn để dạy những kiến thức về giới tính, tình dục. Nói chuyện với học sinh còn ngượng ngùng khi nhắc đến bao cao su, quan hệ tình dục,…
Số lượng những giáo viên có kĩ năng để dạy có hiệu quả là rất ít, khiến cho việc truyền tải kiến thức về vấn đề này đến học sinh càng khó.
Ở gia đình thì càng hẹp hơn, bởi chỉ có người bố, mẹ có hiểu biết, có thời gian để quan tâm thì mới có thể dẫn dắt được con mình theo hướng đúng đắn, hiểu rằng có nên “vẽ đường cho hươu chạy” hay không.
Một số tổ chức phi chính phủ đã và đang cố gắng làm nhưng cũng không ăn thua, chỉ như muối bỏ bể vì họ cũng chỉ làm theo dự án. Xin được bao nhiêu kinh phí thì tổ chức được bấy nhiêu buổi tập huấn cho học sinh chứ không thành nề nếp, không thành hệ thống nên khó có hiệu quả lâu dài.
Văn hóa trao đổi ở nước ta cũng không cởi mở về vấn đề này, truyền thông chưa hiệu quả cao, chưa lan tỏa rộng đến cộng đồng.
- Một số liệu khác từ nghiên cứu này cho thấy 1/3 số học sinh nữ khi được khảo sát cho biết khi bị bạn trai ép buộc chụp ảnh những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Tại sao học sinh nữ lại dễ yếu lòng để đáp ứng nhu cầu đó của bạn trai mình?
Có 2 điều khiến nữ sinh dễ bị động trước tình huống như vậy. Một là do bạn trai sấn sổ, tạo sức ép đối với các bạn nữ phải chụp ảnh để chứng mình tình yêu. Thứ hai là việc sử dụng điện thoại thông minh với nhiều chức năng quay phim, chụp ảnh khá phổ biến ở học sinh hiện nay. Do đó, các em nữ khó từ chối bạn trai trước yêu cầu quá đáng này.
- Ông có lời khuyên gì cho các học sinh nữ nếu rơi vào tình huống này?
Điều này phải được bàn ở những câu chuyện cụ thể được hướng dẫn cụ thể trong chương trình kĩ năng sống phổ thông. Chính học sinh phải được thảo luận về những tình huống như vậy để đưa ra hướng giải quyết theo quan điểm và cách suy nghĩ của từng em.
Điều quan trọng là các em phải xác định được đây là tình huống nguy hiểm và phải bằng mọi cách để thoát ra.
Giáo viên cần phải định hướng để các em hiểu được rằng tốt nhất ngay từ đầu không nên làm, không tham gia vào việc ấy. Hoặc các bạn nữ nên đặt ra nguyên tắc tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi quá gần gũi thân mật, hay thu điện thoại từ trước để đảm bảo không xảy ra nguy cơ này. Còn nếu đã chót để xảy ra thì phải thông minh để tìm cách xóa được.
- Mới đây, một nữ sinh lớp 11 tự tử sau khi clip hôn bạn trai trong lớp bị tung lên mạng xã hội. Theo ông, nữ sinh này phải chịu sức ép như thế nào để dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như vậy?
Theo tôi được biết, em nữ sinh này vừa ngoan lại học giỏi, gần như không va chạm ngoài xã hội. Bởi vậy nên khi đột nhiên bị mạng xã hội ném đá, bình luận, nhiều người xét nét, em đó tự coi rằng bản thân đã ô uế, đã mất tất cả, không thể sống được nữa. Em cảm thấy không tìm được lối thoát nên phải tìm đến cái chết.
Nhiều bố mẹ chỉ lo làm sao để con mình ngoan, học giỏi mà không để ý tới việc tạo cho con có những kháng thể để phản ứng lại những tác động của xã hội. Những tác động nhiều khi con bị cô độc, bị đẩy vào vòng xoáy không lối thoát. Chính những đứa trẻ không ngoan, chúng lại coi vấn đề này không quan trọng, là chuyện bình thường, nói cách khác các em này được trang bị tốt hơn ở vấn đề này.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Thực trạng bất ngờ về tình dục học đường ở Việt Nam hiện nay
Đến hết lớp 9, khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục, hết lớp 12 thì con số này là 39%, 10% học ... |