Chính thức khởi động vòng thi Tuyển chọn Trang phục dân tộc cho Á hậu Hoàng Thùy tại Miss Universe 2019 vào đầu tháng 5, tới nay đã có rất nhiều ý tưởng từ các bạn trẻ gửi tới BTC và gây nên những "cơn bão" bình luận trên mạng xã hội. Có thể thấy, những năm gần đây, đại diện Việt Nam tại đấu trường nhan sắc Hoa hậu Hoàn Vũ đều đã có phần thi Trang phục Truyền thống rất ấn tượng và thoát khỏi "lối mòn" nhiều người thường nghĩ tới. Đơn cử là bộ trang phục Nàng Mây của Á hậu Lệ Hằng tại Miss Universe 2017 hay ý tưởng Bánh mì cho H'Hen Niê vào năm 2018.
Năm nay, đại diện Việt Nam tham gia đấu trường nhan sắc lớn này là Á hậu Hoàn Vũ Việt Nam - Hoàng Thùy và nhiều người trong đợi với kinh nghiệm "thượng thừa", người đẹp xứ Thanh sẽ gây ấn tượng bằng những bộ trang phục được chọn lựa kĩ càng. Hơn hết, việc lựa chọn những trang phục ấn tượng tại mỗi vòng thi, đặc biệt là phần Trình diễn trang phục truyền thống sẽ là cách giúp Á hậu Hoàn Vũ Việt Nam lọt vào "mắt xanh" của BGK.
Tại Việt Nam, dựa trên ý tưởng của các NTK trẻ để làm nên một bộ Trang phục truyền thống ấn tượng cho Hoàng Thùy, đơn vị nắm giữ bản quyền Miss Universe tại Việt Nam cho biết tiêu chí đánh giá sẽ phụ thuộc vào sự sáng tạo, cách truyền tải thông điệp và khả năng gây hiệu ứng trình diễn trên sân khấu.
Dưới đây những ý tưởng bản vẽ được các nhà thiết kế trẻ "tiềm năng" dành cho Hoàng Thùy, cũng như đang được cộng đồng mạng bình chọn, đánh giá cao về sự sáng tạo.
Lấy cảm hứng từ truyền thuyết quen thuộc của dân tộc, bài thi Sơn Tinh - Thủy Tinh tái hiện lại cuộc chiến giữa hai vị thần bằng tông màu nóng - lạnh tương phản ở phần cánh. Đây cũng là bài thi có lượt bình chọn cao trong Top 5, có cơ hội bước vào vòng thi thuyết trình và thực hiện sản phẩm.
Lấy cảm hứng từ loại phương tiện di chuyển truyền thống Việt Nam, bài thi "Xe Xích Lô" của Nguyễn Quốc Việt gợi lên hình ảnh một Việt Nam xưa cũ giữa sự phát triển ngày càng hiện đại của cuộc sống. Hình ảnh này gợi nhớ đến mẫu thiết kế Tuk Tuk được Hoa hậu Hoàn Vũ Thái Lan 2015 trình diễn tại Miss Universe và giành được giải Trang phục dân tộc đẹp nhất.
Mẫu thiết kế "Gióng" lấy ý tưởng từ câu chuyện truyền thuyết xưa của người Việt Nam. Vẻ đẹp nữ quyền được thể hiện rõ qua phần lưng có hai con ngựa trời khổng lồ, cùng chiếc gậy tre và phần váy choàng bằng tre.
Nét cổ kính bình dị qua khung dệt vải, ruộng bậc thang, chùa một cột đặc trưng của miền Bắc, đến sự hiện đại, sôi động, kiêu sa của miền Nam với những tòa nhà cao tầng như Landmark 81, Bitexco Financial Tower, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà... được hiện diện trong cùng một mẫu thiết kế ấn tượng.
Mẫu thiết kế lấy ý tưởng cà phê phin sữa đá, một thức uống quen thuộc của người Việt Nam, đồng thời giới thiệu văn hóa uống cà phê của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Bài thi đề cao yếu tố trình diễn với phần bật công tắc và rút dây xõa váy, tạo hiệu ứng giọt cà phê rơi xuống.
Trang phục được lấy cảm hứng từ văn hóa Đông Sơn, từ ngàn xưa đó là trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn là cả một nền văn hóa và những văn minh của người Việt xưa.
Tác phẩm "Nàng lụa" được chú ý khi đưa hình ảnh khung cưỡi dệt vải kết hợp với áo tứ thân, nón quai thao. Đây đều là những hình ảnh rất thân thuộc với quê hương Việt Nam.
Thiết kế là sự kết hợp của hình ảnh Vua Hùng và hình ảnh chiến binh tay cầm vũ khí xông pha, bảo vệ bờ cõi. Phần mũ đội được thiết kế theo mũ đội của vua Hùng. Về phần trang phục có thiết kế cổ áo dài truyền thống, phần áo có hình ảnh một mặt trống đồng ở phía trước. Hình ảnh cây tre cầm trên tay tượng trưng cho sự mộc mạc, bình dị của Việt Nam.
Hình ảnh chiếc Cầu Vàng nổi tiếng được xuất hiện độc đáo trong mẫu ý tưởng cho phần trang phục truyền thống. Đây cũng điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam trong năm vừa qua, không chỉ là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng mà đây còn là công trình kiến trúc vươn tầm thế giới, khẳng định trí óc sáng tạo của người Việt Nam.
Mẫu thiết kế không chỉ mang ý nghĩa về giá trị vật chất mà còn mang đầy ý nghĩa văn hóa cho người dân đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Hình ảnh biểu trưng trong bộ trang phục đó chính là 9 con rồng chung một thân đang quấn quanh người.
Lấy cảm hứng thời Âu Lạc "Hùng Vương" để đem nguồn cảm hứng lên trang phục, được nhấn thêm chi tiết hoa văn thời hùng lên trang phục dân tộc. Mỗi chi tiết nhỏ đến lớn đều mang một ý nghĩa câu chuyện để làm nên bộ trang phục hoàn chỉnh, tôn vinh sự mạnh mẽ của con người Việt Nam.
Trong những loài chim, con cò là một trong những loài chim đi vào đời sống của người Việt Nam sâu đậm. Hình tượng con cò lam lũ, siêng năng, tần tảo như con người Việt Nam. Bản vẽ của ý tưởng này liên tưởng tới thiết kế cho phần Trang phục truyền thống của Á hậu Thùy Dung tại Miss International 2017.
Những câu chuyện cổ tích Việt Nam gắn liền với lịch sử cùng xuất hiện trong bộ trang phục. Với sự kết hợp thân trước áo bà ba và thân sau áo dài đã thể hiện hình ảnh dịu dàng, nữ tính của một người phụ nữ Á Đông.
Tác phẩm được lấy ý tưởng từ cây lúa - một loại cây gắn bó với nông nghiệp và đời sống người nông dân Việt Nam. Không sử dụng form dáng áo dài quen thuộc mà thay bằng jumpsuit được đính thành hình áo yếm cùng với bốt cao cổ thể hiện sự phá cách, hiện đại và không bị gò bó nhưng vẫn thể hiện được nét truyền thống dân tộc.
Lấy ý tưởng từ giá hầu Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn - một trong 12 thánh chầu của đạo mẫu kết hợp với hình ảnh thập nhị tiên nàng, nón củ ấu, tượng thờ… Tỉ mĩ trong từng họa tiết, bố cục màu sắc, bài thi là bức tranh tổng quan về Đạo Mẫu, lần đầu tiên được thể hiện trong một bài dự thi thiết kế trang phục dân tộc để đi thi quốc tế.