3 tháng đầu năm, hơn 60.000 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản phải khai lại giá

Giai đoạn 1/1 - 31/3/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh với 60.289 hồ sơ, qua đó tăng thu hơn 326 tỷ đồng.

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản tổ chức ngày 25/4 vừa qua.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp nhỏ vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, trong thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và thu được những kết quả tích cực.

Cụ thể, năm 2020 tăng thu gần 1,8 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 12% so với năm 2019. Năm 2021 tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, tăng 3,2 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong giai đoạn 1/1/2021 - 15/1/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh chống thất thu với 233.983 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, qua đó tăng thu hơn 500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng giai đoạn 1/1 - 31/3/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh với 60.289 hồ sơ, số thu tăng hơn 326 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại Hà Nội, thu năm 2021 tăng 550 tỷ đồng so với năm 2020. Tỷ lệ tăng thu là 24% trong khi lượng hồ sơ tăng 11,7%. Tại TP HCM, số thu năm 2021 tăng 20% so với năm 2020, 3 tháng đầu năm 2022 tăng 57,11% so với cùng kỳ. Cá biệt qua đấu tranh tại một số địa phương, các tổ chức, cá nhân đã kê khai giá chuyển nhượng bất động sản tăng từ 2 - 5 lần so với giá kê khai ban đầu.

Theo Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Viên Viết Hùng, khó khăn nhất trong công tác chống thất thu thuế là vấn đề giá quy định trong bảng giá đất không sát với giá thị trường. Hiện nay cũng chưa có cơ quan nào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường. Do thiếu cơ sở dữ liệu và căn cứ pháp lý về giá thị trường nên việc đấu tranh, ấn định thuế gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro đối với cơ quan thuế.

Thời gian xử lý hồ sơ tại cơ quan thuế theo quy định hiện nay không đủ để kiểm tra tính chính xác, trung thực của giá kê khai, trong khi lượng hồ sơ là rất lớn.

Công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như một số ngân hàng thương mại lấy lý do bảo mật thông tin khách hàng, không phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin giao dịch của người nộp thuế.

Ngoài ra, theo một số đại diện cơ quan thuế, có tình trạng văn phòng công chứng tư nhân, môi giới, tư vấn bất động sản… hiểu biết về chính sách nhưng vì lợi ích kinh tế mà tư vấn cho người mua bán khai thuế với giá tương đương giá theo Bảng giá của UBND các tỉnh, thành phố.

Người đầu tư bất động sản chuyên nghiệp thường không trực tiếp đứng tên bất động sản, nên cơ quan thuế gặp khó khăn khi tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết và lấy thông báo thuế.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế. Đồng thời, tham mưu với UBND cấp tỉnh ra quyết định bảng giá đất có hệ số điều chỉnh giá đất riêng để làm căn cứ áp dụng tính thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu các Cục Thuế đẩy mạnh rà soát đấu tranh với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Yêu cầu các đơn vị tự điều chỉnh giá kê khai tính thuế sát với giá thị trường chi tiết đến từng con đường, tuyến phố trong dự án.

“Đối với các trường hợp cố tình vi phạm cần chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an điều tra, xử lý nghiêm. Về lâu dài, ngành Thuế sẽ tiếp tục tăng cường tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi các chính sách pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

chọn
[Photostory] Vị trí khu đô thị 72.000 tỷ đồng đang tìm chủ tại Biên Hòa
Khu đô thị Hiệp Hòa có vị trí thuộc phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, quy mô quy hoạch khoảng 293 ha, với tổng mức đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.