Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) vừa qua đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần hơn 208 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng giảm nhẹ đã giúp biên lãi gộp cải thiện từ 62,4% lên thành 66,1%.
Nửa đầu năm, Handico ghi nhận 145 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 6%. Trong đó, lợi nhuận từ các đơn vị thành viên chiếm hơn 111 tỷ đồng (tăng 66%). Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 119% lên 197 tỷ đồng.
Kết quả, Handico lãi sau thuế 174 tỷ đồng sau 6 tháng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Tài sản Handico tại ngày 30/6 là 8.599 tỷ đồng, trong đó vốn góp vào các công ty thành viên chiếm khoảng 2.344 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn chiếm khoảng 1.699 tỷ đồng; các khoản phải thu chiếm hơn 1.300 tỷ đồng.
Nợ phải trả tính đến 30/6 ghi nhận 4.153 tỷ đồng, nhìn chung không quá biến động so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính chỉ chiếm khoảng 237 tỷ đồng.
Theo thống kê của Handico, giai đoạn 2020 - 2024 tổng doanh thu ước tính của tổng công ty là 49.020 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 5.834 tỷ đồng. Riêng năm 2024, tổng doanh thu và lợi nhuận ước tính lần lượt đạt 10.700 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng.
Nhìn sang báo cáo tài chính riêng, trong 6 tháng đầu năm công ty mẹ Handico đạt doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt 67 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Tài sản và nợ phải trả của công ty mẹ lần lượt ghi nhận 5.406 tỷ đồng và 3.217 tỷ đồng, tính đến 30/6.
Trong danh mục đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ, đáng chú ý có khoản đầu tư vào Công ty Phát triển Đô thị (CDC) chưa xác định được giá trị hợp lý.
CDC là liên doanh được thành lập giữa Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội (Handico 5, đại diện bên Việt Nam) và Antara Koh Development (V) Pte.Ltd (bên Singapore) theo giấy phép đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 11/1994. Theo đó, liên doanh được thành lập để hợp tác đầu tư duy nhất một dự án là Sông Hồng City (hay còn gọi là Trấn Sông Hồng).
Sông Hồng City nằm tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình và phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án có tính chất là khu nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê, thời hạn 45 năm (1994 - 2039) tại khu vực hồ Nghĩa Dũng.
Ban đầu, tổng vốn đầu tư của dự án là 240 triệu USD, trong đó vốn góp của Công ty CDC là 72 triệu USD. Trong cơ cấu vốn góp, phía Handico 5 góp 21,6 triệu USD (chiếm 30%) bằng giá trị quyền sử dụng 6 ha đất khu Nghĩa Dũng; còn phía AKDV góp 50,4 triệu USD (chiếm 70%) bằng máy móc, thiết bị, vật tư và tiền mặt.
Tháng 8/1997, khu đất góp vốn của Handico 5 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh diện tích xuống còn 51.300 m2, dẫn đến vốn góp của Handico 5 giảm xuống còn 18,5 triệu USD, kéo theo vốn điều lệ của Công ty CDC giảm còn 61,6 triệu USD.
Tháng 7/2005, UBND TP Hà Nội đã có quyết định hợp nhất Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Xây dựng Hà Nội với Văn phòng Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội để thành lập công ty mẹ là Tổng công ty Handico. Dự án Sông Hồng City cũng được chuyển giao từ Handico 5 sang cho Tổng công ty Handico.
Do đó, hiện nay Công ty CDC có hai cổ đông góp vốn là Handico (30%) và AKDV (70%). Tính đến 31/12/2020, phía AKDV đã góp vốn vào CDC số tiền khoảng 3,3 triệu USD (khoảng 5%), nguyên nhân là do Sông Hồng City chưa được triển khai xây dựng, pháp lý quy hoạch còn nhiều vướng mắc, chưa được bàn giao mặt bằng sạch để xây dựng. Số tiền trên AKDV chỉ góp vốn bằng tiền mặt để thực hiện chi phí quản lý duy trì bộ máy CDC.
Handico cho biết, kể từ khi được cấp giấy phép đầu tư năm 1994, đến nay đã 30 năm dự án vẫn chưa được triển khai.
Về mặt nghĩa vụ tài chính đất đai, trong thời gian dự án thuộc Handico 5, doanh nghiệp này chưa thực hiện thủ tục nhận nợ và hoàn trả tiền thuê đất theo quy định. Khi dự án chuyển về Tổng công ty Handico cũng chưa thực hiện việc ghi nợ tiền thuê đất và chưa thực hiện việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào CDC.
Hiện nay, Handico đang báo cáo UBND TP Hà Nội phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty đến hết năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó có nội dung tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn góp bằng khu đất Nghĩa Dũng vào CDC. Sau khi Hà Nội phê duyệt, Handico sẽ điều chỉnh theo quy định.
Nói về tình hình triển khai dự án, theo báo cáo của TP Hà Nội, CDC đã ký hợp đồng thuê đất ngày 18/4/1995 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến tháng 8 cùng năm được duyệt quy hoạch 1/500.
Từ năm 2002, chủ đầu tư đã ký hợp đồng liên kết giữ an ninh trật tự với Công an phường Yên Phụ cho UBND phường Phúc Xá mượn một phần mặt bằng để làm sân thể thao và làm dịch vụ kết hợp bảo vệ.
Hà Nội cho biết, dự án Sông Hồng City bị dừng triển khai do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, giai đoạn 1997 - 2001, do ảnh hường và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.
Về khách quan, từ năm 2001, dự án bị ngừng triển khai do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh Đê điều. Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, dự án thuộc quy hoạch thoát lũ. Hà Nội sau đó đã triển khai lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê để làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hai bên bờ sông Hồng.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, tuy nhiên việc lập quy hoạch tạm dừng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019).
Vị trí khu đất dự án nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Từ năm 2011, Hà Nội đã chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản.
Handico là doanh nghiệp nhà nước ra đời từ năm 1999, hiện nay có vốn điều lệ 1.900 tỷ đồng, 38 công ty thành viên. Trên thị trường bất động sản, Handico đã triển khai và hoàn thành khoảng 300 công trình, theo giới thiệu của doanh nghiệp.
Handico từng tham gia làm dự án đường Lê Văn Lương kéo dài từ đường Khuất Duy Tiến đến đường 70 với chiều dài gần 2,7 km, tổng mức đầu tư 678 tỷ đồng. Đây là dự án theo hình thức BT, Handico được hoàn vốn bằng việc khai thác dự án khu đô thị mới Phùng Khoang.
Cũng trên đường Lê Văn Lương, Handico là chủ đầu tư Khu đô thị tái định cư Trung Hòa – Nhân Chính trên đường Lê Văn Lương giai đoạn 2002 - 2004 với tổng mức đầu tư hơn 709 tỷ đồng. Tại khu vực Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân, Handico đã phát triển dự án Làng sinh viên Hacinco giai đoạn 1, 2, 3 trên diện tích 2 ha, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng.
Chủ đầu tư 07:01 | 12/11/2024
Dự án 11:54 | 11/11/2024
Chủ đầu tư 11:10 | 06/11/2024
Chủ đầu tư 18:08 | 05/11/2024
Chủ đầu tư 17:17 | 05/11/2024
Chủ đầu tư 11:38 | 04/11/2024
Chủ đầu tư 06:50 | 04/11/2024
Chủ đầu tư 10:38 | 02/11/2024