350 dự án tại Hà Nội chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai

Tính đến tháng 5, Hà Nội có 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm luật; 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt.

Theo Thường trực HĐND TP Hà Nội, thủ đô còn 350 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cần tiếp tục được các cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, tái giám sát.

Cụ thể là nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. 

Trong đó có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

Nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm luật đến thời điểm tháng 5.

Trong đó có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND TP năm 2018 đến tháng 3, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.

350 dự án tại Hà Nội chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai - Ảnh 1.

350 dự án tại Hà Nội chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Thường trực HĐND TP Hà Nội cho biết nguyên nhân là quy định về quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ.

Ngoài ra một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch, một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù GPMB… 

Tuy nhiên, Thường trực HĐND thành phố còn cho rằng việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra chưa được chính quyền các cấp, các sở ngành triển khai thực sự quyết liệt, thường xuyên. 

Nhiều chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư, cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ,...

Thời gian tới, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của từng dự án đầu tư; trên cơ sở hồ sơ cụ thể, kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm với các dự án vi phạm luật đất đai, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài. 

Bên cạnh đó, cơ quan này đề xuất Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời với sửa đổi các quy định liên quan của Luật khác về các lĩnh vực: Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư công, Xây dựng, Thanh tra.... để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.