Hà Nội: Vì sao trên 300 dự án sử dụng đất chậm triển khai?

Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư chưa kiên quyết, làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư, còn nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ.
Hà Nội: Vì sao trên 300 dự án sử dụng đất chậm triển triển khai? - Ảnh 1.

Khu đất nhà ở cho cán bộ cao cấp của Bộ Công an chưa được triển khai tại phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm). (Ảnh: Mỹ Duyên/TTXVN).

Ngày 10/6, Thường trực HĐND TP Hà Nội có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan để rà soát kết quả tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Thời gian qua, HĐND thành phố tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát và tái giám sát các dự án sử dụng đất chậm triển khai. Qua thực tế giám sát đã tổng hợp danh mục dự án vẫn chậm triển khai, còn tồn tại vi phạm từ thời điểm năm 2018 đến tháng 4/2021.

Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn giám sát, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuân cho biết qua giám sát trong giai đoạn trên, có 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất, chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt và 324 dự án đã được giao đất nhưng vẫn chậm triển khai các bước tiếp theo, vi phạm Luật Đất đai.

Theo báo cáo của Thường trực HĐND TP Hà Nội, qua giám sát cho thấy còn một số tồn tại trong thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố mà lỗi do các cơ quan chức năng như:

Sở Tài nguyên và Môi trường chưa hoàn thành dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu liên quan quản lý đất đai của thành phố.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm xây dựng hệ thống thông tin quản lý các dự án ngoài ngân sách và chưa báo cáo rõ về thời hạn hoàn thành.

Công tác hậu kiểm thực hiện các kết luận thanh tra và phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để theo dõi, báo cáo tiến độ, vi phạm, hướng giải quyết của các dự án còn lúng túng và chưa được thực hiện kịp thời; chưa đẩy mạnh việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện một số kết luận sau thanh tra và giải quyết kiến nghị của các quận, huyện; công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được chú trọng, kém hiệu quả…


Thường trực HĐND TP Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Nghị quyết về kết quả giám sát và các kiến nghị giám sát của HĐND thành phố, kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố chưa được chính quyền các cấp, các sở ngành triển khai thực sự quyết liệt, thường xuyên.

Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư chưa kiên quyết, kịp thời, làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư; việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động; việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch còn chậm và chưa quyết liệt.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành mang tính thời điểm, chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; công tác giám sát và đánh giá đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách bị buông lỏng…

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư dự án chưa chấp hành tốt pháp luật đất đai, chế độ báo cáo giám sát đầu tư; còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ; đề xuất điều chỉnh gia hạn dự án nhiều lần; chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan trên, Thường trực HĐND TP Hà Nội cũng chỉ ra một số nguyên nhân do khách quan như: quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ; một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; nhiều dự án trên địa bàn phải rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng.

Dịch Covid-19 kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung…

Thường trực HĐND TP Hà Nội kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi, thanh tra, kiểm tra công tác triển khai thực hiện và xử lý vi phạm đối với nhóm các dự án Đoàn giám sát kiến nghị; đặc biệt quan tâm, xử lý ngay kiến nghị nêu về nhóm 4 dự án mà Đoàn giám sát yêu cầu gửi hồ sơ để rà soát.

Ủy ban Nhân dân thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư, trách nhiệm kiểm tra dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành với những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nói chung và các dự án có sử dụng đất nói riêng.

Thường trực HĐND thành phố cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành dự án Đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai năm 2021.

Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin quản lý các dự án ngoài ngân sách, sớm hoàn thành việc rà soát thủ tục đầu tư của các dự án chậm triển khai chưa được giao đất, cho thuê đất và đề xuất thời hạn giải quyết thủ tục liên quan, có phương án xử lý dứt điểm từng dự án.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc tăng cường quản lý thực hiện dự án theo quy hoạch và rà soát tiến độ điều chỉnh quy hoạch với từng dự án, có biện pháp ngăn chặn lợi dụng đề xuất điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai của dự án.

Bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết TP Hà Nội chủ trương tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật. HĐND TP Hà Nội thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về tăng cường quản lý các dự án có sử dụng đất để tránh lãng phí tài nguyên, thất thoát nguồn thu và không đảm bảo được sự công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.