Dịch vụ cưới hỏi trọn gói, tiệc cưới vắng khách
Với quan niệm từ xa xưa, tháng 7 Âm lịch - tháng "cô hồn" là thời điểm không ai tổ chức cưới xin do lo sợ xui xẻo, cặp đôi gặp xúi quẩy và hạnh phúc không bền. Đây cũng chỉ là quan niệm nhưng được lưu truyền trong dân gian.
Chính điều này cũng ảnh hưởng đến dịch vụ cưới hỏi trọn gói. Anh Tuấn (Nhân viên dịch vụ cưới hỏi) cho biết, bắt đầu tháng 7 là nhân viên của cửa hàng tự tìm công việc làm thêm hoặc về quê tranh thủ nghỉ ngơi hay đi du lịch. Nếu như các tháng cưới như tháng 3 Âm lịch hay tháng 10 Âm lịch làm không hết việc thì tháng 7 Âm lịch chủ yếu là khách tham khảo giá, đặt thiệp, đặt gói cưới cho các tháng sau để đỡ đông khách.
"Ngày thường ít nhất 15-20 khách đặt thì tháng 7 Âm lịch chẳng ai cưới xin gì nên vắng hẳn. Sáng vẫn mở cửa hàng chứ ngồi từ sáng đến tối không ai vào hỏi, may lắm có vài khách vào tham khảo giá", anh Tuấn cho biết.
Không chỉ có các cửa hàng cung cấp dịch vụ cưới hỏi mà các địa điểm tổ chức tiệc cưới cũng "khóc ròng" khi lượng khách giảm ít nhất 1/3 so với thường ngày. Chị Ngọc Anh (Đội Cấn, Hà Nội) - nhân viên một trung tâm tiệc cưới cho hay: "Khách đặt bàn cưới không có nên tổng doanh thu cũng giảm theo. Khách cũng ít ăn uống tụ tập trong tháng 7 nên nhìn chung kinh doanh hiu hắt hơn".
Trong những năm trở lại đây, nhiều trung tam tiệc cưới đã đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn như giảm giá đặt bàn, giảm giá trang trí hay chi phí để níu khách tháng 7 Âm lịch.
Mua bán nhà đất sụt giảm
Cũng nằm trong quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch được xem là thờ điểm không thích hợp để mua nhà. Vì vậy, các công ty bất động sản cũng xem đây là thời điểm thị trường "ì ạch" nhất trong năm. Thậm chí, từ trước tháng "cô hồn", một số công ty đã tranh thủ "bung hàng" để đón khách.
Anh Duy (Nhân viên môi giới bất động sản) than thở: "2 tháng vừa rồi không đủ chỉ tiêu kinh doanh, bây giờ lại đến tháng "cô hồn" khách lèo tèo hơn nên chắc chắn lại không đủ doanh số nữa. Nhiều khách giờ không kiêng kỵ nhưng số khách chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu ngồi chơi xơi nước".
Tuy nhiên, các công ty địa ốc không đứng ngoài cuộc, để hút khách và cải thiện doanh số tháng "cô hồn" đã tung các chương trình ưu đãi. Nhưng thực tế không phải vị khách nào cũng hào hứng với việc ký hợp đồng, mua bán, chuyển nhượng nhà cửa trong tháng ngâu.
Mặt khác, tháng 7 thường có mưa mà dân gian hay gọi là tháng ngâu. Cho nên, việc đào móng, làm nhà, động thổ cũng được xem là không nên làm do ảnh hưởng chất lượng công trình, vất vả hơn thời điểm khô ráo.
Xe máy, ô tô 'nín thở' qua tháng "cô hồn"
Cùng chung cảnh "chợ chiều" và đìu hiu của thị trường bất động sản thì việc mua bán xe cộ cũng không được mấy người hào hứng trong tháng 7. Như chị Thanh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) thẳng thừng nói ngay: "Tôi đang cần mua xe máy mới vì lâu nay đi xe buýt đi làm. Nhưng vì quan niệm dân gian nên tôi đợi sang tháng 8 Âm lịch mới mua xe. Đi xe buýt được mấy tháng cũng chẳng có gì lo nên đợi thêm 1 tháng cũng không có gì phải vội vàng".
Theo đánh giá của các cửa hàng kinh doanh xe máy, tháng 7 Âm lịch là thời điểm nhu cầu xe máy giảm sâu nhất. Nếu như các tháng thông thường mỗi tháng có thể bán 100-150 xe thì tháng 7 chỉ bán được vài ba xe nếu gặp được khách không kiêng kỵ.
Không chỉ xe máy mà thị trường ô tô cũng không sáng sủa hơn. Trước tháng "cô hồn", tình hình kinh doanh ô tô ảm đảm bởi vì nhiều khách hàng vẫn đang chờ giá giảm sâu hơn khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0%. "Khách quan niệm, mua xe tháng nay vốn dĩ là không mấy may mắn, sợ tháng "cô hồn" ảnh hưởng về sau như xe bị tai nạn chẳng hạn... quan niệm vẫn là quan niệm nhưng ảnh hưởng đến kinh doanh", anh Minh (nhân viên bán xe ô tô) phân trần.
May quần áo, shop thời trang khốn đốn
Không nằm ngoài xu thế doanh thu sụt vì tháng "cô hồn", các shop quần áo nhất là shop quần áo cho trẻ sơ sinh thấp thỏm chờ đợi qua tháng 7 Âm lịch. Vì theo quan niệm dân gian xưa, tháng "cô hồn" là tháng đốt các quần áo cho người âm, nhớ đến người đã khuất nên không may quần áo mới, một số bà mẹ thì quan niệm tránh mua quần áo cho trẻ sơ sinh.
Chị Luận (kinh doanh quần áo thời trang Online) cho hay: "Dù không phải 100% khách quan niệm như vậy. Nhưng cứ đến tháng 7 Âm lịch là khách sụt hẳn. Trước đây khách hỏi mua ít nhất 30-40 bộ quần áo/ngày thì tháng 7 Âm may ra được vài ba bộ/ngày".
Còn các cơ sở may quần áo thường tranh thủ dịp tháng 7 giải quyết hết các quần áo đã đặt trước nhưng chưa may kịp. Còn khách đặt mới hầu như không có.
Thời sự 00:21 | 25/08/2018
Lối sống 23:45 | 22/08/2018
Kinh doanh 08:46 | 17/08/2018
Lối sống 02:57 | 07/08/2018
Cổ học 00:00 | 04/08/2018
Cổ học 17:00 | 30/07/2018
Cổ học 00:00 | 29/07/2018
Lối sống 08:30 | 17/07/2018