Ai cũng nói thị trường điện thoại Việt Nam bão hoà, sao chưa ai 'chết'?

Thị trường điện thoại tại Việt Nam tăng trưởng âm, nhưng các phân tích cho thấy một số nhà bán lẻ vẫn lạc quan, vì sao vậy?

Thị trường điện thoại tại Việt Nam đang bão hoà, thậm chí tăng trưởng âm. 

Theo số liệu của GfK, trong vòng 12 tháng tính đến tháng 9/2019, Việt Nam có tổng cộng 20,3 triệu điện thoại (smartphone và điện thoại cơ bản) được bán ra, giảm khoảng 1,7 triệu chiếc so với cùng kì.

Ai cũng nói thị trường điện thoại Việt Nam bão hoà, sao chưa ai 'chết'? - Ảnh 1.

Một siêu thị điện thoại - điện máy đông nghẹt người ngày khai trương vào năm 2017. (Ảnh: Hải Đăng).

Trong đó điện thoại cơ bản chịu ảnh hưởng nặng nề khi giảm từ 9,9 triệu chiếc xuống còn 8,2 triệu chiếc. Smartphone cũng chịu số phận giảm, từ 12,3 triệu chiếc xuống còn 12,1 triệu.

Ở thị trường nơi hầu hết người dân đã sở hữu điện thoại, việc tăng trưởng âm đã được nhiều chuyên gia dự báo trước. Điều này dẫn đến những quan ngại nhất định cho các chuỗi bán lẻ, các hãng sản xuất điện thoại khi thị trường không còn tăng trưởng.

Mặc dù vậy, cho đến thời điểm này chưa nhà bán lẻ nào “chết” vì tăng trưởng điện thoại giảm, hay hãng điện thoại nào phá sản vì thị trường bão hoà. Dù không còn đất tăng trưởng như mọi năm nhưng một số phân tích vẫn lạc quan với bối cảnh thị trường hiện tại. Vì sao vậy?

Thị trường điện thoại không tăng so với các năm trước nhưng trên thực tế quy mô ngành này được dự báo lên tới 4 tỉ USD, tức khoảng 100.000 tỉ đồng, vẫn chiếm tỉ trọng doanh thu lớn cho nhiều nhà bán lẻ công nghệ hiện nay.

Mỗi năm các hãng điện thoại đều cố gắng mang đến những tính năng nổi bật lên sản phẩm của họ, từ đó có thể phát sinh các nhu cầu mới nhằm duy trì lượng người mua ổn định. Đó là lý do các hãng nâng cấp tính năng, thay đổi kiểu dáng, sáng tạo công nghệ cho những dòng smartphone cao cấp.

Bên cạnh đó, 5G nói chung và 5G tại Việt Nam nói riêng cũng được dự báo sẽ phát sinh các nhu cầu sử dụng mới, khiến người dùng bỏ tiền chi cho các smartphone nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Bộ TT&T đang đề xuất tắt sóng 2G vào năm 2022. Nếu được duyệt, một lượng người dùng sẽ chuyển từ điện thoại cơ bản lên smartphone, hoặc điện thoại cơ bản có hỗ trợ 3G, sẽ tạo làn sóng mua sắm mới.

Trong khoảng trên 20 triệu điện thoại bán ra năm 2019, chỉ có khoảng 60% là smartphone, còn lại là điện thoại cơ bản. Các nhà bán lẻ và hãng điện thoại đang kì vọng hướng 40% người dùng còn lại mua smartphone để nâng tổng giá trị ngành này tăng lên.

Bên cạnh đó, có vẻ nhận thấy nhu cầu mua điện thoại giảm, các hãng smartphone lớn như Apple, Samsung, Huawei,... đã nâng giá bán các dòng smartphone cao cấp của họ, nhắm vào nhóm khách hàng cao cấp không quan tâm nhiều đến giá bán smartphone.

Tất nhiên những phân tích kể trên giúp các nhà bán lẻ có nền tảng để duy trì mức doanh thu hiện hữu nhưng do thị trường không tăng trưởng nên doanh thu của họ, về lí thuyết, cũng không tăng trưởng theo năm - điều sẽ không khiến nhà đầu tư vui vẻ gì. Do đó, dễ thấy Thế Giới Di Động, FPT Shop nhảy vào các lĩnh vực khác nhau để tìm kiếm tăng trưởng, trong bối cảnh ngành công nghệ không còn “đẻ trứng vàng” như xưa.

Trong mảng bán lẻ công nghệ, tăng trưởng điện thoại giảm nhưng các mặt hàng điện tử, điện gia dụng, điện lạnh vẫn giữ đà tăng trưởng trên dưới 10%, có ngành tăng 20-30%, do đó vẫn còn “đất” để nhà bán lẻ tăng trưởng.

Cuối cùng, khi thị trường không tăng trưởng, các nhà bán lẻ phải giành khách của nhau để nâng thị phần của họ, qua đó tăng trưởng doanh thu.


chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.