An Gia tập trung phát triển quỹ đất tại TP HCM, cổ đông lo tình trạng '1 đồng vốn 3 đồng vay'

Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, lãnh đạo An Gia cho biết sẽ tập trung phát triển quỹ đất tại thị trường TP HCM và khu vực lân cận.

An Gia tập trung phát triển quỹ đất tại khu vực TP HCM

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 ngày 31/3, ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) cho biết, trong năm 2020, An Gia đã mua quỹ đất 3 ha tại Bình Dương, thực hiện dự án BD3 với quy mô 3.000 sản phẩm.  Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang trong quá trình hoàn tất đàm phán mua thêm 30-50 ha đất thấp tầng. 

Trả lời câu hỏi của đại diện Chứng khoán Yuanta về chiến lược phát triển quỹ đất của công ty trong thời gian tới, ông Tín cho biết trong thời gian tới, An Gia vẫn tập trung tại thị trường TP HCM. 

"Tuy nhiên tình hình pháp lý tại TP HCM khó khăn trong thời gian vừa qua nên trong quá trình tìm kiếm, nếu An Gia thấy quỹ đất nào ở lân cận TP HCM có nhu cầu thực cao, pháp lý sạch,… An Gia sẽ có kế hoạch mua những quỹ đất đó", ông Tín cho hay.

[LIVE] ĐHĐCĐ BĐS An Gia:  - Ảnh 1.

Quỹ đất hiện có của An Gia. (Nguồn: An Gia).

Về tình hình các dự án, tại dự án River Panorama (89 Hoàng Quốc Việt, quận 7, TP HCM), doanh nghiệp đã bàn giao hơn 1.000 căn hộ trong năm vừa qua. Dự kiến trong năm nay, An Gia sẽ hoàn tất bán hàng, xây dựng và bàn giao sản phẩm tại dự án Sky89 (89 Hoàng Quốc Việt, quận 7, TP HCM) và The Sóng (TP Vũng Tàu).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ra mắt giỏ hàng mới các dự án Westgate (349 Tân Túc, Bình Chánh) và The Standard, BD3 tại Bình Dương. Tổng sản phẩm tiêu thụ dự kiến khoảng 3.600 sản phẩm.

Ngoài ra, An Gia sẽ tập trung vào các sản phẩm nhà ở (căn hộ, khu compound) trong phân khúc trung cấp bởi kinh nghiệm từ quá khứ của doanh nghiệp cho thấy, trong bối cảnh thị trường suy thoái, các sản phẩm ở phân khúc này vẫn tiêu thụ được do nhu cầu ở thực còn nhiều.

Cổ đông lo ngại tình trạng "1 đồng vốn vay thêm 3 đồng"

Kết thúc năm tài chính 2020, tổng tài sản của BĐS An Gia gần chạm mốc 10.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm, chủ yếu tăng mạnh ở hàng tồn kho. Nợ phải trả gần 7.445 tỷ đồng, tăng mạnh 89% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay chiếm hơn 33%, tương đương 2.483 tỷ đồng.

Liên quan đến cơ cấu tổng nợ/vốn chủ sở hữu, đại diện Chứng khoán VPS cho rằng công ty đang dùng "1 đồng vốn vay thêm 3 đồng" và quan ngại tình trạng này kéo dài trong năm 2021. 

Ông Nguyễn Đình Trường, Giám đốc Khối Đầu tư phản hồi: "Nợ phải trả trong đó bao gồm các khoản phải trả, đặc thù ngành bất động sản có người mua trả tiền trước rất lớn, phần này khách hàng đã trả cho chúng tôi nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu nên vẫn ghi nhận ở khoản phải trả.

Ngoài ra, còn khoản cổ phần ưu đãi là phần góp vốn của cổ đông ngoại, để dễ dàng cho các cổ đông khi rút vốn so với cổ phần phổ thông. Thực tế, hai khoản này không phải nợ.

Đối với nợ vay, tổng hai khoản vay ngắn hạn và dài hạn khoảng 2.400 tỷ đồng, nếu bóc tách cho đúng nợ vay chúng tôi chỉ là 1 đồng."

Về kết quả kinh doanh cả năm 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt trên 1.754 tỷ đồng, gấp 4,6 lần năm 2019. Doanh thu tài chính cao gần gấp đôi năm trước đó khi đóng góp gần 446 tỷ đồng. Lãi ròng cả năm 2020 đạt 412 tỷ đồng, tăng 26%.

Với kết quả này doanh nghiệp đã thực hiện được 73% kế hoạch doanh thu và vượt nhẹ kế hoạch lợi nhuận trong năm 2020.

An Gia đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.600 tỷ đồng và lãi ròng 500 tỷ đồng trong năm nay, lần lượt gấp 2,1 lần và tăng 21% so với kết quả thực hiện được trong năm 2020.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, kế hoạch này được xây dựng dựa trên kịch bản nền kinh tế được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian dài, lãi suất có nhiều biến động bất thường và quỹ đất ngày càng khan hiếm.

[LIVE] ĐHĐCĐ BĐS An Gia:  - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh An Gia (Đvt: Tỷ đồng). (Nguồn: An Gia).

Dự kiến tăng vốn vượt 1.700 tỷ đồng vào đầu tháng 7

Ngoài những nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư dự án, HĐQT An Gia muốn phát hành ESOP với khối lượng tối đa 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành và giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý cuối năm.

Đồng thời, An Gia muốn phát hành tối đa gần 8,3 triệu cp để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 100:10 (cổ đông sở hữu 1 cp được 1 quyền nhận cổ tức, 100 quyền nhận cổ tức sẽ nhận được 10 cp phát hành thêm).

Doanh nghiệp cũng có kế hoạch chào bán 82,8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá chào bán tối thiểu 10.000 đồng/cp. Thời gian phát hành dự kiến trong quý III và IV/2021. Nếu đợt phát hành trả cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu diễn ra thành công, vốn điều lệ của An Gia sẽ tăng từ 828 tỷ đồng lên gần 1.738 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Trường chi sẻ cụ thể hơn: "Dự kiến sau thời gian tổ chức ĐHĐCĐ chúng tôi sẽ tiến hành xin giấy phép tăng vốn, thời gian thực hiện tăng vốn vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay. Chúng tôi sẽ thực hiện đồng thời chia cổ tức và tăng vốn để tránh xin giấy phép hai lần và làm loãng cổ phiếu."

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.