Viglacera đặt mục tiêu lãi nghìn tỷ, mạnh tay rót vốn vào các khu công nghiệp

Năm 2021, Viglacera dự kiến rót thêm 2.400 tỷ đồng vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp, 375 tỷ đồng cho lĩnh vực kinh doanh nhà.

Theo báo cáo thường niên năm 2020 mới công bố, Tổng công ty Viglacera (Mã: VGC) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng, tăng 27% so với kết quả năm 2020; lợi nhuận trước thuế mục tiêu cán mốc 1.000 tỷ, tăng 19%.

Riêng công ty mẹ, Viglacera lên kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng 17% so với kết quả năm 2020; lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, tăng 2%.

Về kế hoạch cổ tức, Viglacera dự kiến chia cổ tức năm nay với tỷ lệ 12% vốn điều lệ (hiện vốn điều lệ là 4.483 tỷ đồng).

Viglacera đặt mục tiêu lãi cán mốc 1.000 tỷ đồng, dự kiến chi hơn 530 tỷ đồng trả cổ tức - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của Viglacera. (Nguồn: M.H tổng hợp từ BCTC hợp nhất của VGC).

Năm 2020, Viglacera ghi nhận lãi trước thuế hợp nhất hơn 840 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch đề ra. Riêng công ty mẹ đạt 736 tỷ đồng trước thuế, vượt 23% kế hoạch. Do đó, công ty đề xuất chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 11% vốn điều lệ, tăng 0,5% so với kế hoạch đã thông qua.

Năm 2021, theo kế hoạch, công ty dự kiến dành ra 2.800 tỷ đồng chi đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó dự kiến rót thêm 2.400 tỷ đồng vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp, 375 tỷ đồng cho lĩnh vực kinh doanh nhà trong khi đầu tư cho lĩnh vực vật liệu, nghiên cứu phát triển và đào tạo 25 tỷ đồng năm 2021.

Cụ thể, Viglacera sẽ triển khai chuẩn bị đầu tư vào các dự án mới, bao gồm nhà máy gạch Viglacera Eurotile công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong lĩnh vực khu công nghiệp (KCN), công ty cho biết chuẩn bị đầu tư vào KCN Thuận Thành I (gần 250 ha) tại Hưng Yên.

Viglacera đặt mục tiêu lãi cán mốc 1.000 tỷ đồng, dự kiến chi hơn 530 tỷ đồng trả cổ tức - Ảnh 2.

Chi tiết kế hoạch phát triển KCN của Viglacera trong năm 2021. (Nguồn: VGC).

Đối với bất động sản khu đô thị, nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng, tổng công ty tiếp tục phát triển dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung, khu công nghiệp Đồng Văn IV, Phú Hà; khu nhà ở xã hội 9,8 ha Yên Phong – Bắc Ninh; dự án tổ hợp văn phòng thương mại, khách sạn, nhà ở Thăng Long No1 giai đoạn 3 (Hà Nội)…

Đặc biệt, trong vấn đề quản trị và tái cơ cấu, doanh nghiệp dự định sẽ thoái vốn các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng không hiệu quả trong lĩnh vực gạch ngói và đất sét nung là CTCP Từ Liêm, CTCP Hạ Long 1, CTCP Cầu Đuống, CTCP Từ Sơn và CTCP Hợp Thịnh.

Đồng thời, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng tại CTCP Viglacera Tiên Sơn để thực hiện dự án Viglacera Eurotile. 

Ngoài ra, còn tăng vốn cho các công ty thành viên khác như CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Viglacera, CTCP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ - Hưng Yên, CTCP Viglacera Vân Hải để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm. Song song đó, công ty sẽ nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.