Bà Hillary Clinton từng khẳng định rằng: “Mọi tham vọng đều phải trả giá”. Sẽ thật khập khiễng nếu chiếu phát ngôn của một chính trị gia cho người đẹp, nhưng câu nói này đúng trong mọi trường hợp.
Để đạt được ngôi vị Hoa hậu trong cuộc thi nhan sắc lớn như Hoa hậu Việt Nam, từ một cô gái vô danh bỗng vụt sáng trở thành người nổi tiếng chỉ trong một đêm. Điều đó đồng nghĩa với những hợp đồng quảng cáo khủng đang chờ đón trong tương lai, cơ hội nghề nghiệp tốt, những mức giá catse sự kiện cũng được nâng lên.
Chưa kể, tại Việt Nam, cô gái được vinh danh còn mang sứ mệnh cao cả hơn ngoài nhan sắc, bởi thông điệp mà cuộc thi đưa là đại diện cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt về cả hình thức lẫn tâm hồn.
Đối với nhan sắc đoạt được vương miện Hoa hậu, công chúng đương nhiên có quyền đánh giá. |
Đương nhiên cư dân mạng (nhất là phụ nữ) sẽ không chấp nhận sai sót nhỏ nào của đại diện hình ảnh cho họ. Hoa hậu sẽ phải là người hội đủ tố chất từ ngàn xưa là công – dung – ngôn – hạnh, là phải xinh đẹp, bản lĩnh, thông minh, tinh tế... đủ 1001 tiêu chí rườm rà khác mà người ta áp đặt cho người phụ nữ từ ngàn xưa đến nay.
Ồ! Nếu cuộc thi chỉ đơn thuần dừng lại là một hoạt động giải trí thì sẽ chẳng ai "canh me" tâm tính hoa hậu thế nào, học vấn ra làm sao, chỉ cần đẹp là ổn!
Nhưng Hoa hậu Việt Nam được xem là một chương trình văn hóa. Vì thế, công chúng có quyền đòi hỏi người chiến thắng phải toàn diện, phải hơn họ về mọi mặt, để xứng đáng đại diện cho họ theo tiêu chí mà cuộc thi đưa ra.
Chẳng ai chấp nhận một hoa hậu hút thuốc lá nơi công cộng, say xỉn chốn đông người, ăn mặc hở hang, nói năng hàm hồ... đó là điều đương nhiên người ta có quyền đòi hỏi ở những người trót mang cái danh hiệu Hoa hậu tại Việt Nam.
Đáng ra nhan sắc đại diện cho hình ảnh phụ nữ của một đất nước, thì đương nhiên phụ nữ đất nước đó có quyền gây áp lực để tước vương miện hoa hậu chứ, có quyền khen, chê người đại diện vì họ không xứng đáng, làm xấu mặt họ chứ?
Nói thế tức là dư luận đang đòi hỏi một người hoàn hảo? Hoa hậu cũng là người, không phải là thánh, sai lầm là không thể tránh khỏi. Nhưng trót gánh lên vai danh hiệu lớn thì rõ ràng phải cố gắng mà làm cho tròn.
Kỳ Duyên là hoa hậu bị BTC xử tệ nhất trong số những người đăng quang từ trước đến nay, vì đâu nên nỗi? |
Dư luận đông, nguy hiểm, hung hãn nhưng lại chứa đầy sự bao dung. Bằng chứng là hôm trước, “họ” vừa lên án gay gắt những khuyết thiếu của cô hoa hậu thứ 13 – Kỳ Duyên. Hôm sau, thấy cô ấy bị xử tệ ở đêm chung kết cuộc thi HHVN, “họ” lại thương ngay được.
Còn nhớ Hoa hậu Đặng Thu Thảo sau khi đăng quang cũng bị soi quá trình học vấn, nhưng nhờ cách ứng xử khéo léo, cô đã nhanh chóng dẹp yên dư luận. Nay nhắc đến cô, còn ai nhớ đến khuyết thiếu đó.
Hoa hậu Ngọc Hân cũng từng bị chê bai thậm tệ về nhan sắc, nhưng rõ ràng, quá ít người muốn “chì chiết” bởi những nổ lực hoàn thiện bản thân cả về nhan sắc, tri thức lẫn tính cách đã khiến công chúng “mủi lòng”.
Còn rất nhiều gương mặt khác cần phải kể đến trong việc ứng xử khéo léo và khôn ngoan. Nhưng rõ ràng, thái độ đối diện và cách xử lý khủng hoảng truyền thông là điều nên có trong việc trau dồi bản lĩnh của một hoa hậu.
Suy cho cùng, con người hơn nhau ở thái độ.
Sai lầm đó, vấp ngã đó nhưng quan trọng là thái độ cư xử của hoa hậu với công chúng, với dư luận, với truyền thông ra sao, có lễ phép, có tao nhã, có khôn ngoan hay không?
Hoa hậu nào lên ngôi mà không bị xới tung quá khứ, soi mói hiện tại, thế sao trong số đó có người vẫn được công chúng yêu thương chiều chuộng, có người chỉ nhắc đến tên thôi là đã khiến “họ” nổi đóa.
Có lần tôi hỏi Hoa hậu Đặng Thu Thảo rằng cô có cho rằng nhan sắc là một thứ tài năng? Cô nhã nhặn: “Có nhan sắc là một may mắn”. Người có được may mắn đâu có nhiều, phải trân trọng chứ?
Bởi thế, bất kỳ nhan sắc nào khi lên ngôi cũng phải gắng lên, nhé!
Công chúng chờ đợi ở tân Hoa hậu một lối ứng xử khôn ngoan hơn là cách tự gồng mình lên để chứng minh bản thân vô tội. Liệu cô gái này có dẹp yên được dư luận? |