Ngày 26/7, Tổ công tác số 5 của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng có buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục bám sát, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
Trước mắt, tỉnh rà soát và xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nguồn vốn, từng dự án để có sự điều chuyển vốn cho phù hợp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên thực hiện tư vấn, phê duyệt, quản lý đầu tư, hoàn chỉnh các hồ sơ chất lượng tốt; vận dụng linh hoạt giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình trọng điểm, thanh quyết toán ngay khi có khối lượng thi công.
Cùng với đó, tỉnh phát huy năng lực của Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành giải ngân vốn trên địa bàn theo đúng tiến độ đề ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải đáp các thắc mắc, rút ngắn thời gian xử lý công việc. Đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương, sẽ được Tổ công tác tổng hợp, trình lên Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong việc giải ngân vốn đầu tư công...
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, năm 2022, tỉnh Bắc Ninh được Chính phủ giao hơn 6.922 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công; HĐND tỉnh giao hơn 9.254 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã phân bổ hơn 7.714 tỷ đồng; trong đó, đã giao 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ), đạt 111% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 83% so với kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Tính đến ngày 22/7, tỉnh giải ngân được hơn 2.155 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 31,1% so với kế hoạch vốn Chính phủ giao đầu năm; đạt 23,2% so với kế hoạch vốn Hội đồng nhân dân tỉnh giao; đạt 27,9% so với kế hoạch vốn UBND tỉnh giao UBND cấp huyện và phân bổ chi tiết. Kết quả giải ngân của tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 38 so với các tỉnh, thành phố cả nước, thấp hơn so với cùng kỳ năm kế hoạch 2021.
Theo Chủ tịch tỉnh, nguyên nhân giải ngân chậm là do tình hình dịch COVID-19; lạm phát, giá nguyên, vật liệu tăng cao; cơ chế chính sách còn một số bất cập, vướng mắc… Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, phối hợp chưa được thực hiện chặt chẽ trong triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, nhất là trong tuyên truyền, vận động, bồi thường giải phóng mặt bằng; năng lực và ý thức một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thi công còn hạn chế; quyết toán dự án, hoàn thành còn chậm…
Tỉnh Bắc Ninh kiến nghị cấp có thẩm quyền có giải pháp vĩ mô bình ổn giá nguyên vật liệu, có chính sách bù giá, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà thầu thi công; tạo điều kiện, phối hợp đẩy nhanh thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thỏa thuận, thẩm định, cấp phép thi công, tạo điều kiện để dự án của các địa phương sớm triển khai thực hiện…
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng dự án, từng nguồn vốn để tham mưu cho tỉnh trong giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.