Ranh giới giữa hai xu hướng này ngày càng trở nên rõ ràng. Tại các nền kinh tế phát triển, thị trường bất động sản có tính minh bạch cao và ngày càng tiến bộ. Trong khi đó, các thị trường kém minh bạch hơn đang bị tụt lại phía sau.
Đơn cử, theo đánh giá Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu năm 2022 của JLL và LaSalle, các nước châu Âu có sự cải thiện lớn nhất về tính minh bạch trong hai năm qua. Mỹ và Canada cũng có những bước tiến đáng chú ý về vấn đề này. Tại Dubai và Abu Dhabi cũng đã có những cải thiện lớn nhất kể từ năm 2020, nhờ sự tập trung phối hợp của chính phủ vào việc tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Tuy nhiên, nhiều thị trường ở châu Phi và Trung Mỹ ít có sự thay đổi, dẫn tới việc gia tăng sự tụt hậu so với các quốc gia hàng đầu với các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn.
Ông Jeremy Kelly, Giám đốc điều hành, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu, JLL, cho biết: “Các thị trường có tính minh bạch cao đang phát triển nhờ áp dụng công nghệ, bảo vệ khí hậu, đa dạng hóa thị trường vốn và thay đổi quy định. Trong khi đó, hầu hết các thị trường khác đang giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi, hoặc trong một số trường hợp còn biến mất khỏi bảng xếp hạng một cách đáng tiếc.”
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, khi sự khác biệt về tính minh bạch giữa các quốc gia ngày càng tăng, việc thu hẹp khoảng cách để khuyến khích đầu tư sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Minh bạch về bất động sản là một phần không thể thiếu của các thành phố phát triển mạnh với môi trường kinh doanh hiệu quả và cạnh tranh. Tính minh bạch thể hiện trách nhiệm giải trình và chất lượng quản trị, từ đó thu hút các nhà đầu tư, phát triển và tăng trưởng.
Các quốc gia chấp nhận trách nhiệm giải trình, áp dụng công nghệ và cung cấp dữ liệu công khai là những quốc gia đi đầu về tính minh bạch. Tuy nhiên, sự sẵn có của công nghệ và cam kết về tính bền vững cũng rất khác nhau giữa các thị trường.
“Tính bền vững là động lực lớn nhất của việc cải thiện tính minh bạch trên các thị trường. Với việc tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng và khí thải, báo cáo và chứng nhận xanh cho các tòa nhà, một số quốc gia đã "đi trước" những quốc gia khác”, ông Jeremy Kelly cho biết.
Bên cạnh đó, công nghệ và số hóa cũng đã thúc đẩy tính minh bạch ở nhiều quốc gia bằng cách cung cấp dữ liệu chi tiết. Cách mà các tòa nhà và thị trường hoạt động được hiểu biết một cách sâu sắc hơn, đồng thời cho phép lập kế hoạch và dự báo chính xác hơn để tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Đơn cử như Nhật Bản đã lần đầu tiên gia nhập nhóm thị trường có tính minh bạch cao hàng đầu vào năm 2022 sau các sáng kiến mới xoay quanh các mục tiêu bền vững và báo cáo, cải thiện tính khả dụng của dữ liệu.
Bất động sản minh bạch là yếu tố quan trọng của một nền kinh tế mạnh, tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh và phát triển mạnh hơn. Thu hẹp khoảng cách về minh bạch giữa các thị trường sẽ xây dựng lòng tin gia tăng và khuyến khích đầu tư quốc tế nhiều hơn.
Vị chuyên gia của JLL cho biết, trong thời điểm kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay, tính minh bạch trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Minh bạch như một phương tiện vững chắc giúp người sở hữu bất động sản, nhà đầu tư và người cho vay vận hành và đưa ra quyết định một cách tự tin.
Theo báo cáo Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu 2022 của JLL và LaSalle, Vương quốc Anh là quốc gia đứng đầu về minh bạch bất động sản toàn cầu. Mỹ và Pháp chia nhau ở vị trí thứ hai và ba. Việt Nam đứng thứ 52 thế giới về chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu 2022, thuộc nhóm "bán minh bạch" (Semi-transparent).
Bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu 2022 dựa trên sự kết hợp của dữ liệu thị trường định lượng và thông tin thu thập được thông qua các cuộc khảo sát mạng lưới kinh doanh toàn cầu của JLL trên 94 quốc gia và 156 thị trường thành phố.
254 thước đo riêng lẻ đã được chia thành 14 lĩnh vực chủ đề, sau đó được nhóm lại thành 6 chỉ số phụ với các trọng số như sau: Hiệu quả đầu tư (Investment Performance) - 25%, các nguyên tắc cơ bản của thị trường (Market Fundamentals) - 16,5%, quản lý các phương tiện được niêm yết (Listed Vehicles) - 10%, quy định và pháp lý (Regulatory & Legal) - 23,5%, quy trình giao dịch (Transaction Process) - 15% và tính bền vững (Sustainability) - 10%.