"Chiến binh" dũng cảm
Rạng sáng ngày 9/10, thầy Văn Như Cương đã qua đời ở tuổi 80 tại nhà riêng. Sự ra đi của thầy để lại niềm tiếc thương vô hạn với bao thế hệ học trò trường THPT Lương Thế Vinh. Trước khi qua đời, thầy Cương đã trải qua một quá trình chiến đấu kiên cường với căn bệnh ung thư gan.
Thầy Văn Như Cương luôn giữ tinh thần lạc quan ngay cả khi nằm trên giường bệnh. |
Thầy Văn Như Cương phát hiện mình mắc bệnh ung thư gan ngày 1/7/2014 khi đi khám lại khối u xơ tiền liệt tuyến. Sau khi phát hiện bệnh, bác sĩ chẩn đoán khối đã di căn, nếu điều trị tích cực thầy cũng chỉ sống được khoảng 3 tháng.
Nghe bác sĩ thông báo, thầy Cương không hề sợ hãi mà vẫn bình thản đón nhận. Ông lắng nghe tư vấn của bác sỹ và lựa chọn phương pháp thắt nút 5 tĩnh mạch nuôi dưỡng khối u, đồng thời truyền dinh dưỡng vào cơ thể.
Tại thời điểm đó sức khỏe của thầy Cương rất yếu nên bác sĩ không thể thực hiện phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u, chỉ có thể điều trị để khối u không lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể.
Cùng với việc điều trị thắt nút 5 tĩnh mạch nuôi dưỡng khối u, thầy Văn Như Cương cùng gia đình tìm hiểu các phương pháp điều trị ung thư khác và cuối cùng thầy Cương quyết định điều trị Đông – Tây y kết hợp.
"Ba năm qua, dù phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo nhưng khát vọng sống, cống hiến trong anh vẫn rất mãnh liệt cái tên Văn Như Cương của mình", thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trường trường Marie Curie.
Lương y Nguyễn Bá Nho trong một lần tái khám cho PGS Văn Như Cương. |
Lương y Nguyễn Bá Nho (người điều trị cho thầy Cương bằng Đông y) chia sẻ, thầy Văn Như Cương khoảng tháng 8 năm 2014. Khi đó, bệnh của thầy Cương rất nặng, khối u di căn gần như đã hoại tử hết. Trong lúc đối mặt với sự sống và cái chết, thầy Cương vẫn không hề nao núng, tinh thần vô cùng lạc quan trước bệnh tật.
“Trong thời gian trọng bệnh, thầy Cương và vợ vẫn đi du lịch Nha Trang, vừa du lịch vừa điều trị bệnh. Sau nửa tháng tôi sang nhà thầy để thăm khám, lúc đó thầy vẫn ngồi làm việc, soạn giáo án và tự túc trong mọi sinh hoạt cá nhân”, lương y Nho kể lại.
Khoảnh khắc bình yên của thầy Văn Như Cương dưới ống kính con gái. |
Người truyền cảm hứng cho nhiều bệnh nhân ung thư
Theo lương y Nho, không chỉ là người kiên cường chiến đấu với bệnh tật, thầy Văn Như Cương còn là người truyền cảm hứng cho những người khác khi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.
“Ngoài việc tin vào y học, thầy Cương còn là người truyền cảm hứng cho những người bệnh khác bằng nghị lực, niềm tin và tinh thần lạc quan khi điều trị. Điều đó được thể hiện rất rõ qua những hành động, câu nói đầy triết lý của thầy. Thầy Cương thường nói, trong tất cả mọi việc, tinh thần là yếu tố rất quan trọng.
Trong suốt cuộc đời và trong suốt chặng đương chiến đấu với bạo bệnh ung thư, chưa có lúc nào thầy Cương quên đi nhiệm vụ phải lan tỏa tinh thần sống tích cực đến cộng đồng. Bản thân ông cũng đã sống bằng tất cả sự khiêm nhường và lạc quan như thế”, lương y Nho nói.
Không chỉ truyền cảm hứng cho học sinh trường Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương còn truyền cảm hứng cho cộng đồng người mắc bệnh ung thư. |
Sau một thời gia điều trị, điều ngạc nhiên là các khối u trước đó có dấu hiệu hoại tử nay đã ngừng phát triển, sức khỏe ông đã ổn định và không còn nguy hiểm đến tính mạng.
Tất nhiên ở vào giai đoạn đó, sức khỏe thầy Cương vẫn rất yếu nhưng thầy vẫn luôn cố gắng làm việc. “Mọi chuyện sinh hoạt tôi vẫn tự làm. Công việc ở trường vẫn duy trì đều đặn và giải quyết ổn thỏa”, thầy Cương từng chia sẻ với báo chí.
Sức khỏe thầy Văn Như Cương hồi phục, nhiều người không tin đó là sự thật. Chia sẻ về quá trình chữa bệnh của mình, thầy Cương cho rằng “bí quyết” chiến thắng bệnh tật của mình là tinh thần, sự lạc quan để sống chung với bệnh tật và phải tin tưởng vào y học.
Cách đây 3 năm, vừa mổ nội soi thắt nút tĩnh mạch được vài ngày, thầy Cương một mực đòi xuất viện để tham dự lễ khai trường với học sinh.
Lần đổ bệnh nặng gần đây nhất, vào cuối tháng 2/2017, hình ảnh người thầy tóc bạc phơ, người gầy rộc ngồi trên xe lăn trở về trường có lẽ không bao giờ phai trong tâm trí của các học trò nơi đây.
“Tôi nghĩ lần ốm này chắc mình đi rồi, nhưng hạc giấy và bài hát của học sinh khiến mình có động lực. Tôi chưa thể chết. Tôi cố gắng ăn vài thìa cháo rồi dần tỉnh lại. Tôi tập đi và về trường với các em bằng xe lăn.
Khai giảng năm nay, tôi lại trở về với các em, nhìn thấy từng gương mặt háo hức, đó là điều hạnh phúc nhất của cuộc đời làm nghề giáo", PGS. Văn Như Cương nói trước toàn trường khi mùa khai giảng sắp bắt đầu.
"Thầy Văn Như Cương là một chiến binh tuyệt vời, dù mắc bệnh ung thư nhưng thầy luôn có tinh thần lạc quan, không hề nao nũng ngay cả khi đối diện với cái chết", thầy Phạm Ngọc Toại - nguyên giáo viên trường Lương Thế Vinh.
19.000 con hạc giấy của học sinh gấp tặng thầy. |
Chính sự chiến đấu bền bỉ với bệnh tật và luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của ông khiến rất nhiều người ngưỡng mộ và cảm phục.
Mỗi năm thế giới có thêm 500.000 ca mắc mới và trên 750.000 người tử vong vì ung thư gan. Tại Việt Nam, con số này là khoảng 10.000 ca mắc mới và 22.000 ca tử vong. Với tỷ lệ mắc trên, ung thư gan đứng hàng thứ 2 trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở cả 2 giới chỉ sau ung thư phổi. Nhìn chung ung thư gan là bệnh có tiên lượng vô cùng xấu. Hầu hết những người khi phát hiện ra bệnh thường chỉ sống được từ 3 - 6 tháng, chỉ khoảng 1% là có thể sống đến 5 năm. Hiện nay, việc phát hiện sớm và điều trị ung thư gan không phải là quá khó khăn. Đối với những người có những yếu tố nguy cơ cao (như đã kể trên) thì nên siêu âm gan, xét nghiệm máu, chụp CT…Đặc biệt, nên tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/1 lần để phát hiện sớm. Đến khi người bệnh có các biểu hiện lâm sàng như vàng mắt, vàng da, nước tiểu màu sẫm, khó chịu vùng gan, chán ăn,… bệnh đã phát triển ở giai đoạn muộn. Để đề phòng ung thư gan, người dân hãy tiêm phòng đầy đủ vắc xin viêm gan B. Đặc biệt, người bị viêm gan, chức năng gan kém không nên uống rượu bia, thuốc lá. GS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam |
Thầy Văn Như Cương trong ký ức những đồng nghiệp xứ Nghệ | |
Thầy hiệu trưởng 'trong mơ' |
Căn bệnh ung thư gan khiến PGS Văn Như Cương qua đời nguy hiểm như thế nào? |