Bài toán dòng tiền của Đầu tư Hải Phát trước sức ép trả nợ vay, trái phiếu đến hạn

Trong quý III này, Hải Phát dự kiến phải trả hàng trăm tỷ đồng khi nhiều lô trái phiếu do công ty phát hành đến hạn trả gốc.

Trước những diễn biến trong một năm gần đây của ngành bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản đang trong hai thế khó. Thứ nhất, giao dịch bất động sản chững lại khi dòng vốn tín dụng bị siết chặt cộng hưởng tác động từ khâu pháp lý. Thứ hai, dòng vốn qua hai kênh điển hình đi vay và trái phiếu bị cơ quan nhà nước kiểm soát chặt hơn.

Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh sụt giảm, các công ty đối mặt với các khoản nợ vay, trái phiếu đến hạn.

Theo Chứng khoán KBSV, giai đoạn cuối năm 2022 - 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để xoay vòng, đặc biệt trong bối cảnh hạn chế dòng vốn từ ngân hàng, trái phiếu và thị trường bất động sản ảm đạm. 

Rủi ro trong mối quan hệ dòng vốn giữa ngân hàng và các công ty địa ốc cũng được SSI Research lưu ý trong báo cáo mới đây.

“Rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023. Theo ước tính của chúng tôi, một phần tư tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023”, báo cáo của SSI Research nêu.

Nhìn vào thực tế dòng tiền cho thấy, nhiều doanh nghiệp sẽ chịu sức ép về nguồn tiền ngay trong nửa cuối cuối năm 2022.

Đơn cử là CTCP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX), báo cáo tài chính hợp nhất mới đây cho thấy nợ ngắn hạn tại ngày 30/6/2020 là gần 2.060 tỷ đồng. Dựa theo kỳ hạn của các khoản nợ, Hải Phát sẽ trả hàng trăm tỷ đồng trái phiếu và nợ vay đến hạn những tháng cuối năm.

 Các khoản vay và trái phiếu của Hải Phát tính đến cuối quý II. (Nguồn: Tổng hợp BCTC).

Trong đó, gần 1.000 tỷ đồng từ 7 lô trái phiếu sẽ phải trả khi đến kỳ đáo hạn cuối năm nay. Ngay trong quý III này, ba lô trái phiếu với tổng giá trị gần 400 tỷ đồng của Hải Phát được CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinBank Securities) tư vấn và đại lý phát hành đến hạn trả. Đây là các lô trái phiếu được phát hành trong tháng 8/2020 với kỳ hạn 24 tháng.

Những tháng cuối năm 2021 - đầu năm 2022, Hải Phát được các công ty chứng khoán như VietinBank Securities, Dầu khí, Smart Invest, MBS thu xếp hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu để giải quyết bài toán dòng tiền.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất của Hải Phát, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm nay là âm 620,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái âm gần 1.550 tỷ đồng.

Về hoạt động đầu tư, dòng tiền nửa đầu năm nay âm gần 332 tỷ đồng do công ty chi 757 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác. Nửa đầu năm ngoài dòng tiền dương do công ty thu lượng lớn từ thanh lý, nhượng bán tài sản, thu hồi cho vay và bán công cụ nợ, thu hồi vốn góp.

Trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều âm, dòng tiền của Hải Phát được bổ sung nhờ tiền đi vay gần 928 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần số tiền chi trả nợ gốc vay.

 Lưu chuyển tiền tệ của Hải Phát. (Nguồn: BCTC).

Tại thời điểm 30/6, tiền và tương đương tiền của Hải Phát (hợp nhất) là 293,7 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 634,7 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Tại ngày 31/3, lượng tiền và tương đương tiền của Hải Phát là hơn 746 tỷ đồng. Như vậy, lượng tiền của Hải Phát đang thấp nhất trong ba quý trở lại đây.

Nói thêm về tình hình kinh doanh của công ty, doanh thu hợp nhất trong nửa đầu năm của Hải Phát là hơn 581 tỷ đồng, giảm 21,9% so với nửa đầu năm ngoái. Dù sụt giảm về doanh thu nhưng giá vốn thấp giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng trưởng so với cùng kỳ, đạt 279,4 tỷ đồng.

Tuy vậy, áp lực về chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận của Hải Phát. Trong 6 tháng đầu năm, công ty trả hơn 189 tỷ đồng tiền lãi vay. Kết quả, lợi nhuận trước thuế còn 58,3 tỷ đồng, giảm 70,7% so với cùng kỳ.

Về tài sản, lượng hàng tồn kho của Hải Phát cuối quý II là 4.079 tỷ đồng trong đó gần 2.923 tỷ đồng bất động sản để bán đang xây dựng và 1.156 tỷ đồng bất động sản để bán đã hoàn thành. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án như Đồng Quang, Tây Nam An Khánh, 400 m2 Phường Phú Hải, Tân Tây Đô là 98,2 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm.

Người mua trả tiền trước ngắn hạn của công ty tại 30/6 là hơn 312 tỷ đồng, cao hơn đáng kể mức 27,8 tỷ đồng đầu năm. Theo thuyết minh từ báo cáo tài chính, đây là số dư các khoản thanh toán theo tiến độ từ các khách hàng ký hợp đồng mua bất động sản tại các dự án ở Cao Bằng, Bắc Giang và các dự án khác.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.