Bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn được thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ.

Huyện Tân Sơn nằm ở phía tây nam tỉnh Phú Thọ và là huyện cực tây của tỉnh (điểm cực nằm tại xã Thu Cúc), có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện Thanh Sơn, phía bắc giáp huyện Yên Lập và huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, phía tây giáp huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, phía nam giáp huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Tân Sơn đồng thời là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Phú Thọ và xã Thu Cúc cũng là xã có diện tích lớn nhất trong số các xã của Phú Thọ (thậm chí còn lớn hơn cả thị xã Phú Thọ).

Huyện Tân Sơn có tổng diện tích 688,58km², hiện có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 17 xã: Đồng Sơn, Kiệt Sơn, Kim Thượng, Lai Đồng, Long Cốc, Minh Đài, Mỹ Thuận, Tam Thanh, Tân Phú (huyện lỵ), Tân Sơn, Thạch Kiệt, Thu Cúc, Thu Ngạc, Văn Luông, Vinh Tiền, Xuân Đài, Xuân Sơn.

Về quy hoạch, UBND tỉnh Phú Thọ đã công khai báo cáo thuyết minh quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2030. Quy hoạch này vẫn có giá trị cho tới khi quy hoạch mới được lập, công bố trong thời gian tới.

Theo quy hoạch huyện Tân Sơn được phát triển theo tính chất: Việc lập Quy hoạch sử dụng đất đã khoanh định được quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng lúa, đất trồng cây công nghiệp lâu năm có hiệu quả kinh tế cao; công tác quản lý đất lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước, từng bước ngăn chặn suy thoái rừng, đất lâm nghiệp; ưu tiên bố trí đủ quỹ đất vào các mục đích phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch và các mục đích sản xuất kinh doanh khác; tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; diện tích đất chưa sử dụng được đưa khai thác đưa vào sử dụng một cách hợp lý, góp phần cân bằng quỹ đất sử dụng vào các mục đích theo yêu cầu phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc đầu tư và khai thác các chương trình, dự án hàng năm tuân theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt. Đặc biệt các công trình dự án phù hợp với quy hoạch thì được triển khai thủ tục đầu tư tiếp theo. 

Chủ động dành quỹ đất để phát triển các ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội; các cơ sở sản xuất kinh doanh và khu dân cư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh quốc phòng.

Theo định hướng sử dụng đất phân khu theo chức năng, huyện Tân Sơn được quy hoạch cụ thể như sau:

Định hướng phát triển vùng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong giai đoạn 2021-2030 như sau: 

Đẩy mạnh liên kết, tích tụ đất đai để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hoàn chỉnh việc chuyển đổi và giao đất đối với diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, tạo quỹ đất sạch để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp được thuê đất 

Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nông lâm nghiệp, thủy sản. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hạ tầng nông nghiệp nông thôn, nhất là hệ thống thủy lợi, hạ tầng các vùng quy hoạch sản xuất tập trung; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện. 

Duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô 3.220 ha phân bổ chủ yếu tập trung tại Kim Thượng, Xuân Đài, Mỹ Thuận đảm bảo nguồn an ninh lương thực của huyện. Hạn chế việc sử dụng đất lấy vào loại đất này. 

Đối với vùng trồng chè: Triển khai vùng trồng chè chất lượng cao, xây dựng, hoàn thiện và phát triển 01 chuỗi sản xuất và chế biến chè xanh với quy mô 15 ha tại hợp tác xã sản xuất chế biến chè an toàn Long Cốc. Xây dựng, hỗ trợ hợp tác xã sản xuất chế biến chè Hoàng Văn, xã Văn Luông xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với quy mô 15 ha. Tập trung phát triển chè xanh đặc sản, trồng mới và thay thế chè cằn xấu bằng 1 số giống chè có chất lượng cao như LDP1, Phúc Vân Tiên, PT95,… 

Nhận thấy tiềm năng về giống cây trồng mới mang hiệu quả kinh tế cao, nên trong những năm tới huyện tiến hành phát triển trồng cây dược liệu ở xã Thu Ngạc và Long Cốc. 

Đối với cây ăn quả: Duy trì và nâng cao chất lượng trồng Bưởi với diện tích là 95 ha phân bố dàn đều ở các xã. - Đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi đại gia súc, mô hình kinh tế trang trại tập trung gia súc với quy mô 4.600 con, phân bổ chủ yếu ở xã Kiệt Sơn và Văn Luông. Xây dựng, hoàn thiện và phát triển chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gà Nhiều cựa chăn nuôi theo quy trình VietGap tại 03 hợp tác xã với 13 hộ tham gia chăn nuôi. 

Định hướng phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn: Xã Tân phú được xác định là trung tâm huyện lỵ Tân Sơn và dự kiến thành lập thị trấn Tân Phú. Đến nay xã Tân Phú đã được công nhận là đô thị loại V đây là kết quả cho những nỗ lực thay đổi diện mạo của chính quyền và người dân. Giai đoạn tiếp theo, xã tiếp tục hoàn thiện các công trình hạ tầng, chỉnh trang, cải tạo đô thị; rà soát, đánh giá việc hoàn chỉnh các dự án, từng bước xã hội hóa dịch vụ đô thị, công tác vệ sinh môi trường, xây dựng đô thị theo hướng “xanh - sạch - đẹp”; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí. 

Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, hoàn thành từng bước vững chắc các tiêu chí chưa đạt. Tranh thủ các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, của huyện tập trung đầu tư xây dựng xã Minh Đài đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 02 xã (Long Cốc, Văn Luông) và 26 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại Cụm công nghiệp Tân Phú, Cụm công nghiệp Thu Cúc và Cụm công nghiệp Mỹ Thuận. Trọng tâm là thu hút các doanh nghiệp chế biến các nông, lâm sản huyện có lợi thế (chế biến chè, gỗ, cây dược liệu); nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm của các làng nghề, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp; quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản đảm bảo theo đúng quy định; tăng cường quản lý các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. 

Định hướng khu vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng trong giai đoạn 2021-2030 như sau: 

Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chè, chế biến gỗ ở Tân Sơn vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển, tiếp tục tập trung khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương như nguồn lao động, nguồn nguyên liệu phục vụ các ngành công nghiệp chế biến chè, chế biến lâm sản dồi dào, thuận lợi trong kết nối giao thương với các tỉnh Yên Bái, Sơn La để thu hút các nguồn lực bên ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

Ngành công nghiệp khai thác đá và mỏ khác: Tiếp tục phát triển các hoạt động khai thác mỏ khoáng sản (Talc, sắt) đã có trên địa bàn huyện. Cùng với công nghệ hiện đại ngày càng tân tiến việc tiến hành đánh giá tiềm năng khoáng sản trong những năm tới sẽ thuận lợi hơn và sẽ được đưa vào quy hoạch khai thác. Tuy nhiên cần tránh việc khai thác bừa bãi, lãng phí làm giảm nguồn tài nguyên khoáng sản không phải vô hạn này. 

Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Tiếp tục duy trì, nâng cấp và cải tạo hạ tầng kỹ thuật công nghiệp từ quy hoạch kỳ trước nhằm tăng chất lượng, số lượng sản phẩm được làm ra. Tích cực kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn vào các dự án sản xuất vật liệu xây dựng nhưng cần tính toán để thuận lợi về giao thông, địa hình mà vẫn phải đảm bảo về môi trường sinh thái và sinh hoạt của người dân. 

Định hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch: Củng cố và phát triển hệ thống các cửa hàng, đại lý cung ứng vật tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Tiếp tục bố trí thêm cây xăng ở các xã, đảm bảo cho việc đi lại được thuận tiện. Cải tạo những cây xăng bị xuống cấp, han gỉ do mưa bão, ngập lụt; Tiến hành xây dựng và phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ công cộng tại vị trí dọc Quốc lộ 32A, Quốc lộ 32B; hai bên mặt đường 316I; đường liên huyện; nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống, mua bán của người dân địa phương cũng như du khách đến đây du lịch. 

Cho đến nay, du lịch là ngành có sự đóng góp vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của dịch vụ cũng như các ngành kinh tế của Tân Sơn. Tiếp tục nâng cấp, cải tạo đường giao thông dẫn đến Vườn Quốc Gia Xuân Sơn nhằm thu hút khách tham quan đến nhiều hơn. Phát triển nhà ở nghỉ dưỡng homestay cho du khách đến trải nghiệm hái chè ở đồi chè Long Cốc, tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống, tham quan hang động nhũ đá và trải nghiệm các phiên chợ vùng cao của người dân tộc thiểu số. 

Dưới đây là quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ:

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - Ảnh 1.

Huyện Tân Sơn trên bản đồ Google vệ tinh.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - Ảnh 2.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ. (Nguồn: Sở Quy hoạch & Kiến trúc tỉnh Phú Thọ).

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - Ảnh 3.

Ký hiệu các loại đất trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ. (Nguồn: Sở Quy hoạch & Kiến trúc tỉnh Phú Thọ).

- Xem chi tiết quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn trong quyết định quy hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ TẠI ĐÂY.

- Xem chi tiết quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ TẠI ĐÂY.

- Xem thêm: Cập nhật toàn bộ bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Sơn TẠI ĐÂY.