Cao Bằng là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, Việt Nam. Tỉnh Cao Bằng nằm ở phía đông bắc Việt Nam. Tỉnh Cao Bằng có diện tích đất tự nhiên 6.690,72 km², là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, có độ cao trung bình trên 200 m, vùng sát biên có độ cao từ 600–1.300 m so với mặt nước biển. Núi non trùng điệp. Rừng núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh. Từ đó hình thành nên 3 vùng rõ rệt: Miền đông có nhiều núi đá, miền tây núi đất xen núi đá, miền tây nam phần lớn là núi đất có nhiều rừng rậm.
Vị trí địa lý của tỉnh Cao Bằng như sau: Phía bắc và đông bắc giáp với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài 333,125 km; phía tây giáp tỉnh Hà Giang; phía tây nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía nam giáp các tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.
Tỉnh Cao Bằng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 9 huyện với 161 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 14 thị trấn, 8 phường và 139 xã.
Về quy hoạch, ngày 11/4/2016 UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-UBND, về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cao Bằng đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể: Cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
Nghiên cứu quy hoạch vùng tỉnh Cao Bằng theo hướng kế thừa Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Cao Bằng phê duyệt tại Quyết định số 295/QĐ-UBND tỉnh ngày 7/3/2006.
Rà soát hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh, xây dựng hệ thống đô thị Cao Bằng, trong đó thành phố Cao Bằng làm đầu tàu đến năm 2020 sẽ trở thành đô thị loại II.
Khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng, các thế mạnh về nông lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu, năng lượng, khoáng sản, du lịch, văn hóa, sinh thái và cảnh quan nhằm tạo lập môi trường sống tốt, đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị và nông thôn.
Nghiên cứu đề xuất quy hoạch tổ chức không gian đô thị, phát triển dân cư, xây dựng mô hình phát triển không gian vùng Tỉnh, hình thành hệ thống đô thị, phân loại, phân cấp đô thị, xác định tính chất đô thị cải tạo, xây mới, nâng cấp... Lựa chọn mô hình phát triển. Đề xuất phân bố không gian xây dựng công nghiệp, du lịch, hệ thống hạ tầng xã hội, và các điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, du lịch… trong đó xác định các vùng động lực phát triển kinh tế- xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội theo hướng cân bằng và bền vững.
Tầm nhìn phát triển vùng: Hình ảnh và vị thế phải hướng tới của tỉnh Cao Bằng là: Một tỉnh năng động, phát triển - Một vùng không gian lãnh thổ phát triển bền vững có chất lượng sống tốt. Nền kinh tế phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp được củng cố vững chắc dựa trên các lợi thế về điều kiện tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, lịch sử, xã hội. Một vùng có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, môi trường sống văn minh, giàu bản sắc, một vùng cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn; an ninh, quốc phòng được đảm bảo.
Xem chi tiết quy hoạch sử dụng đất tỉnh Cao Bằng đến năm 2030 TẠI ĐÂY.
Xem thêm: Cập nhật toàn bộ bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Cao Bằng TẠI ĐÂY.