Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, Việt Nam. Tỉnh Hòa Bình có diện tích lớn thứ 29 trong 63 tỉnh thành của Việt Nam và là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 49 về số dân (năm 2018). Có diện tích khoảng 4.600,3 km².
Vị trí địa lý của tỉnh Hòa Bình như sau: Phía đông giáp tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và thủ đô Hà Nội; phía tây giáp tỉnh Sơn La; phía nam giáp tỉnh Thanh Hóa; phía bắc bắc giáp tỉnh Phú Thọ.
Tỉnh Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 1 thành phố và 9 huyện với 151 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường, 10 thị trấn và 129 xã.
Về quy hoạch, ngày 25/9/2012 UBND ban hành quyết định số 1314/QĐ-UBND về phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.
Mục tiêu phát triển vùng: Cụ thể hoá các chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đối với vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, vùng thủ đô Hà Nội và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Phát huy, khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội, ngoại vùng, các thế mạnh về công nghiệp, du lịch, năng lượng, khoáng sản, nông, lâm nghiệp, văn hóa, sinh thái, vị trí địa lý để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Định hướng phát triển không gian vùng: Bao gồm 03 vùng chính: Vùng trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh (bao gồm thành phố Hòa Bình - huyện Kỳ Sơn - huyện Lương Sơn-Bắc huyện Lạc Thuỷ):
Phát triển vùng đô thị - công nghiệp thành phố Hòa Bình - huyện Kỳ Sơn - huyện Lương Sơn gắn với hành lang kinh tế Quốc lộ 6 và đường cao tốc Hoà Lạc - Thành phố Hoà Bình, liên kết với Thủ đô Hà Nội. Tập trung đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ tạo thành trục phát triển của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh, là động lực kéo theo các vùng khác phát triển;
Phát triển thành phố Hoà Bình trở thành trung tâm chính trị, động lực kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ của tỉnh; huy động các nguồn lực để xây dựng vùng trung tâm huyện Lương Sơn trở thành đô thị loại IV, tạo tiền đề để sớm thành lập thị xã Lương Sơn;
Đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp: Khu công nghiệp Lương Sơn, khu công nghiệp Nam Lương Sơn, khu công nghiệp Nhuận Trạch (huyện Lương Sơn), khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà (thành phố Hòa Bình), khu công nghiệp Mông Hoá, khu công nghiệp Yên Quang ( huyện Kỳ Sơn), khu công nghiệp Thanh Hà (huyện Lạc Thuỷ);
Quy hoạch đất đai dọc tuyến đường Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Lương Sơn) cho phát triển các cụm, điểm công nghiệp, dịch vụ. Vùng phát triển kinh tế phía Đông và Nam của tỉnh (bao gồm huyện Kim Bôi, Nam huyện Lạc Thủy, huyện Yên Thủy, huyện Lạc Sơn).
Phát triển vùng gắn với việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12B, Quốc lộ 21 và các khu vực dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Lạc Thịnh (huyện Yên Thuỷ). Tập trung xây dựng các cụm, điểm công nghiệp ở dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản ở huyện Lạc Sơn, huyện Yên Thủy. Quan tâm phát triển các làng nghề truyền thống và các ngành nghề nông thôn. Hoàn thành đầu tư các dự án lớn như: Dự án xây dựng nâng cấp các tuyến Quốc lộ 21, Quốc lộ 12B.
Vùng phát triển kinh tế phía Tây và Tây Bắc của tỉnh ( bao gồm các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong). Phát triển vùng gắn với việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Quốc lộ 12B, Quốc lộ 15. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng du lịch khu vực lòng hồ sông Đà trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia. Phát triển vận tải thủy, chú trọng đầu tư xây dựng cảng, các tuyến đường vào cảng, các đội tàu thuyền nhằm tăng cường lưu thông hàng hóa với tỉnh Sơn La.
Đầu tư xây dựng các cụm, điểm công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Tiếp tục đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, đầu tư các điểm bưu điện văn hóa xã, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Xem chi tiết quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hòa Bình TẠI ĐÂY.
Xem thêm: Cập nhật toàn bộ bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hòa Bình TẠI ĐÂY.