Video học sinh đồng tính bị bạn trong lớp chọc ghẹo gây bức xúc |
- Mới đây, một đoạn clip dài hơn 30 giây ghi lại hình ảnh học sinh nam là LGBT bị bạn bè trêu chọc khiến rất nhiều thành viên trong cộng đồng vô cùng bức xúc. Trên góc nhìn của một người làm việc trong ngành giáo dục đồng thời là người mẹ có con là LGBT, quan điểm của bà như thế nào về vụ việc trên?
Khi xem clip, tôi đã khá bức xúc khi nhìn thấy em học sinh đang hoàn toàn bất lực trước đám đông hả hê cợt nhả khoái chí xung quanh. Đó là trò đùa độc ác của trẻ con. Có thầy cô nào, cha mẹ nào nghĩ nếu đó là con của mình thì mình sẽ như thế nào?
Chính những vụ việc như vậy xảy ra, trường học - với đại đa số trẻ em là người đồng tính, song tính và chuyển giới chưa thể là thiên đường khi các em luôn cảm thấy thiếu sự an toàn khi đến trường.
Hiện nay, bạo lực học đường là một vấn nạn mà các nhà giáo dục vẫn chưa khắc phục triệt để. Nó xuất phát vô thức từ sự bắt nạt: mạnh hiếp yếu, đám đông đàn áp kẻ cô thế... Nó thể hiện quyền lực và sức mạnh như một thứ giá trị cao nhất mà đứa trẻ hay một nhóm trẻ đạt được khi thể hiện thành công đối với một cá nhân yếu thế nào đó.
Khi những đứa trẻ chưa đủ kinh nghiệm để đối diện và giải quyết những vấn đề của chúng, trong bối cảnh thiếu định hướng giáo dục và thiếu ảnh hưởng bởi những hình mẫu đẹp từ những người thân quanh mình thì việc dùng bạo lực để giải tỏa căng thẳng rất dễ xảy ra.
Bà Cao Kim Châu. |
Bạo lực trên cơ sở SOGIE (Sexual Orientation Gender Identity & Expression: xu hướng tính dục, bản dạng giới và thể hiện giới) trong trường học còn nhức nhối hơn khi các em không tự bảo vệ được mình mà ngược lại có thể còn bị tổn thương nhiều hơn bởi thầy cô, cha mẹ cũng không hoặc chỉ can thiệp hời hợt, thậm chí là cho qua.
Kiến thức hạn hẹp về SOGIE cùng việc giáo dục lòng bao dung, sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau còn bị xem nhẹ trong các giáo trình nơi học đường đã biến các em trở thành vô cảm một cách tàn nhẫn khi hành xử với bạn mình.
- Theo bà, những vụ bạo lực học đường với học sinh LGBT thường được diễn ra dưới các hình thức nào?
Chúng ta thường hình dung bạo lực là đánh đập, dùng sức mạnh tấn công nhau chứ ít khi đề cập đến các hình thức khác như dọa nạt, trêu chọc, chửi mắng, nhục mạ, gây cô lập, tẩy chay, tước đoạt tài sản, xâm phạm cơ thể hay nghiêm trọng hơn là quấy rối hoặc xâm hại tình dục...
Rất nhiều học sinh nam và đặc biệt là các em chuyển giới (nhận ra mình có giới tính khác với giới tính sinh học từ rất sớm) thường bị tấn công tập thể bằng cách bắt ép phải tụt quần để xem bộ phận sinh dục, đổ nước nóng hoặc sát ớt vào vùng kín, đón đường để đánh hội đồng vì làm mất thể diện con trai... Nhưng các em thường không dám lên tiếng vì biết là thầy cô sẽ không bênh vực mình, còn mách ba mẹ thì chắc chắn là không dám rồi.
Bà Kim Châu trong một buổi tập huấn dành cho hội phụ huynh có con là LGBT. |
Bạo lực học đường có thể diễn ra trong lớp học, trên sân trường, trong khuôn viên nhà trường, xung quanh trường học hoặc trên đường trẻ đến trường. Thậm chí, trẻ còn bị tấn công trên internet khi tham gia mạng xã hội.
Tôi đã từng đọc một bức thư như lời tuyệt mệnh của một học sinh nữ trên confession của một trường đại học gần đây. Con yêu người bạn gái rất thân thiết của mình. Ngay khi lời tỏ tình được trao đi thì cô bạn của con đã đem chuyện này lan truyền cho cả trường cùng biết. Thời gian sau đó là địa ngục đối với con khi mỗi ngày đến trường là những buổi con phải chống chọi với những lời châm chọc, nhục mạ, bỡn cợt xung quanh.
Chàng chuyển giới 9X: 'Bạo lực học đường do người LGBT có thể hiện giới đặc trưng' | |
5 năm ám ảnh bị bạo lực học đường của chàng chuyên viên ngân hàng đồng tính |
Trong nỗi tuyệt vọng và chỉ có một mình, con đã bị một nhóm nam sinh xâm hại tình dục ngay sau khuôn viên trường với lời giải thích: "Để các anh giúp em trở thành đàn bà chính hiệu!".
"Tôi bẩn rồi. Và tôi không muốn tiếp tục có mặt trên cuộc đời này. Cầu chúc các bạn là người LGBT sẽ có cuộc sống may mắn hơn tôi.", đó là những dòng sau cùng của con trong bức thư đó.
Là một phụ huynh có con là đồng tính nam, vào cuối năm lớp 11 trong một buổi họp cha mẹ học sinh, tôi được giáo viên chủ nhiệm mời ở lại trao đổi riêng. Trong câu chuyện của mình, cô giáo thông báo về sự lệch lạc giới tính của con trai tôi khi cô phát hiện con có tình yêu đồng giới và cho đó là biểu hiện của sự biến thái.
Thời gian đó, tôi đang hoang mang về sự khác biệt của con sau dậy thì. Song những lời lẽ chừng như rất điềm đạm kia như vết dao cứa rách lòng tự tôn của người mẹ luôn sâu sát và tự hào về con mình.
Tôi hỏi lại cô rằng: "Con có vi phạm nội quy nhà trường không? Sự biến thái mà cô đề cập có ảnh hưởng đến của các bạn khác không? Học lực và hạnh kiểm của con có cần phải bàn cãi không?...". Tôi đặt câu hỏi như thế vì cháu luôn trong top 5 đầu lớp kể từ lớp 1 đến thời điểm đó.
Tôi biết học sinh đồng tính thường hay bị bắt nạt khi đến trường. May mắn là điều này chưa rơi vào con tôi bởi bạn của chúng. Nhưng chính sự nhìn nhận chưa đúng của các thầy cô về sự khác biệt của con được xem như một hình thức kì thị và phân biệt đối xử dành cho học trò mình rồi.
Con đang thích một bạn khác, là cảm xúc thích chứ không hề rắp tâm hại ai. Điều đó lại đáng bị lên án sao nếu đem so sánh với hành vi trêu chọc, bắt nạt, làm tổn thương nhắm đến bạn bè là người LGBT?
Và tôi tin chắc rằng, con số bạo lực học đường với các em LGBT là không nhỏ và thầy cô cũng không khó khăn gì để nhận ra chúng.
- Là một người mẹ có con là LGBT, bà có tham gia các hoạt động ngăn chặn nạn bạo lực học đường dựa trên cơ sở định kiến về giới? Biện pháp nào được đưa ra để giảm thiểu nạn bạo lực học đường với học sinh LGBT?
Trước thực trạng bạo lực học đường trên cơ sở định kiến giới, chúng tôi, những phụ huynh có con là LGBT, cùng chính các bạn học sinh là người LGBT đang thực hiện chương trình Trường học Cầu vồng với mong muốn mang kiến thức về đa dạng tính dục vào trường học. Chương trình nằm giúp thầy cô, học sinh có cái nhìn đúng đắn hơn về nhóm thiểu số này.
Các em nhận ra sự khác biệt của mình rõ ràng nhất trong giai đoạn dậy thì và thường rơi vào hoang mang mất phương hướng. Thầy cô với sự hiểu biết và vị thế của nhà sư phạm sẽ bên cạnh giúp các em nhận ra chính mình một cách tốt nhất.
Mặt khác, khi giáo dục con em chúng ta biết tôn trọng sự khác biệt, nhà trường đã thực hiện nhiệm vụ "trồng người" một cách cụ thể nhất. Nó định hình thái độ ứng xử của các em dành cho các nhóm thiểu số khác ngoài cộng đồng LGBT như người khuyết tật, người nhập cư, người dân tộc,....giúp học sinh có cái nhìn bao dung hơn, từ tâm hơn, cởi mở và tự do hơn. Tôn trọng và không xâm hại người khác bằng bạo lực chính là bảo vệ phẩm giá của chính mình.
Đó cũng là cách để góp phần ngăn chặn nạn bạo lực học đường dựa trên cơ sở định kiến về giới.
- Cám ơn bà rất nhiều về cuộc trò chuyện này.
Đạo diễn chuyển giới 9X trải lòng về chuyện 'thích làm phim dị tính nhiều hơn phim LGBT'
Sau thành công từ bộ phim đầu tay Trái Cấm, đạo diễn chuyển giới Yun Bin tiếp tục xây dựng nhân vật LGBT với hình ... |
Gaysthetix: Khi kiến thức LGBTQ hóa thành những bức tranh nghệ thuật
Xuất hiện cách đây chưa tròn nửa năm nhưng những bài viết về LGBTQ của fanpage Gaysthetix đã thu hút hàng nghìn người like và ... |