Theo dự đoán của IDC, số lượng thiết bị IoT trên toàn thế giới sẽ đạt 41,6 tỷ vào năm 2025. GSMA dự báo thị trường IoT toàn cầu sẽ đạt doanh thu 900 tỷ USD trong 5 năm tới, cao gần gấp 3 lần so với năm 2019. Bản đồ phát triển IoT của GSMA cho thấy NB- IoT hay LTE-M IoT đã nhanh chóng được triển khai ở hầu hết các khu vực trên thế giới.
Vấn đề này đặt ra nhiều nỗ lực cho các hãng công nghệ cho việc vận hành thành phố thông minh. Theo ông Bill Feng, Chuyên gia cao cấp về giải pháp an ninh mạng và bảo mật dữ liệu của Huawei Carrier BG, với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng IoT, các sự cố bảo mật của IoT không ngừng xảy ra.
"Để ngăn ngừa rủi ro IoT, chúng tôi khuyến nghị rằng các thiết bị đầu cuối, đường truyền và nền tảng IoT được bảo vệ và liên tục thực hiện vận hành và bảo trì an ninh mạng", ông Bill Feng nhấn mạnh tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn, an ninh mạng 2020 - Vietnam Security Summit 2020 vừa được diễn ra tại Hà Nội.
Cũng theo ông Feng, các mối đe dọa bảo mật IoT đến từ các thiết bị đầu cuối, đường truyền, nền tảng/đám mây và ứng dụng. Do số lượng lớn các thiết bị IoT trên mạng trực tiếp, mạng của các nhà mạng đang phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công DDoS.
"Đảm bảo an ninh IoT đòi hỏi nỗ lực và hợp tác chung của tất cả các bên liên quan. Chính phủ điều chỉnh bảo mật IoT thông qua pháp luật, các tổ chức tiêu chuẩn hóa phát triển các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật của ngành, các nhà mạng xây dựng và duy trì các mạng an toàn và linh hoạt, các nhà cung cấp thiết bị cung cấp các sản phẩm và thiết bị an toàn và đáng tin cậy dựa trên các tiêu chuẩn và các nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh nền tảng dịch vụ và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Chúng tôi tin rằng bảo mật IoT sẽ được đảm bảo một cách hiệu quả thông qua những nỗ lực và hợp tác chung trong toàn ngành", ông Bill Feng nói.