Barron's: Kế hoạch đầu tư 2,7 triệu tỷ đồng giúp chứng khoán Việt Nam hút dòng tiền ngoại

Kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng quy mô lớn là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư ngoại vào chứng khoán Việt Nam, bất chấp các hạn chế trong tỷ lệ sở hữu và giao dịch.
Barron's: Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng lớn giúp Việt Nam thu hút nhà đầu tư ngoại  - Ảnh 1.

(Ảnh: Getty Images).

Trong Đại hội thứ XIII của Đảng, các đại biểu đã tái khẳng định quyết tâm nâng đóng góp của khu vực tư nhân cho GDP từ mức 42% như hiện nay lên 55% vào năm 2025. Đại hội cũng ủng hộ việc dành 119 tỷ USD (khoảng 2,75 triệu tỷ đồng) để chi cho cơ sở hạ tầng trong 4 năm từ 2021 đến 2025. Con số này tương đương 1/3 GDP Việt Nam năm 2020.

Nhà đầu tư có vẻ thích thông điệp trên. Chứng chỉ quỹ ETF VanEck Vectors Vietnam đã tăng 9% kể từ khi Đại hội bế mạc ngày 2/2 đến cuối tuần trước 7/5. Trong khi đó, các thị trường mới nổi toàn cầu lại giảm 2%.

Ông Nick Niziolek, trưởng bộ phận đầu tư toàn cầu tại Calamos Investments cho rằng cơ sở hạ tầng Việt Nam vẫn còn các lỗ hổng. Ông đã tự mình trải nghiệm điều này trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất đồ chơi tại Việt Nam trước khi COVID-19 xuất hiện.

Ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của Dragon Capitol cho rằng việc rót tiền vào cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 6,5 đến 7%, đồng thời tăng cường lợi nhuận cho những công ty được định vị thích hợp. Ông cho biết: "Chúng tôi đang đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng và thép".

Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) của Dragon Capital đã tăng 17% trong năm nay, gần gấp đôi mức tăng của quỹ ETF VanEck, chủ yếu nhờ tỷ trọng lớn của cổ phiếu Hòa Phát (Mã: HPG) trong danh mục đầu tư.

Ông Stoops cho rằng Hòa Phát là một công ty thép lý thú vì "có thể nâng sản lượng mà không phải chi thêm quá nhiều tiền". 

Ông Niziolek thì có quan điểm tích cực về bất động sản Việt Nam, quỹ Calamos Investments sở hữu cổ phiếu Vinhomes (Mã: VHM). "Số lượng hộ gia đình mới ở Việt Nam mỗi năm tăng thêm 80.000 đến 90.000 hộ, trong khi đó nguồn cung của nhà ở chỉ thêm khoảng 60.000 đến 70.000 căn. Đây là cơ hội lâu dài rất tuyệt vời".

Barron's: Kế hoạch đầu tư 2,7 triệu tỷ đồng giúp chứng khoán Việt Nam hút dòng tiền ngoại - Ảnh 2.

VHM và HPG nằm trong top 10 vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng thương mại và kỹ thuật số tại Việt Nam cũng không hề tụt hậu. Một trong những cổ phiếu hot nhất tại Việt Nam là FPT. Mảng gia công phần mềm của FPT đang rất phát triển tại Nhật Bản. 

FPT đã tăng gần 40% trong năm nay. Ông Sean Fieler, Giám đốc đầu tư của Equinox Partners có nhận định tích cực về FPT: "Tiền lương của các kỹ sư phần mềm Việt Nam thấp hơn Ấn Độ và hàng nghìn người trong số họ đang học tiếng Nhật". 

Ông Andrew Brudenell, trưởng bộ phận các thị trường mới nổi tại Tập đoàn Ashmore cho biết cổ phiếu Thế giới Di động (Mã: MWG) đã đi lên hơn 20% trong năm nay và vẫn còn tiềm năng ăng giá. 

Thế giới Di động đang mở rộng hoạt động kinh doanh từ điện thoại và đồ điện tử sang các chuỗi tạp hóa. Ông Brudenell nhận xét: "Điều hay ho về Việt Nam là bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền từ những ý tưởng đã được chứng minh và hiểu rõ".

Barron's: Kế hoạch đầu tư 2,7 triệu tỷ đồng giúp chứng khoán Việt Nam hút dòng tiền ngoại - Ảnh 3.

Một siêu thị Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. (Ảnh: Song Ngọc).

Cơ sở hạ tầng của thị trường chứng khoán cũng có bước tiến quan trọng trong năm ngoái, khi chính phủ cho phép mở tài khoản trực tuyến. Động thái này cùng với sự sụt giảm của lãi suất đã lôi kéo 3 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ vào thị trường, ông Stoops cho biết. Nhờ vậy thị trường vẫn tăng gần 15% trong năm 2020 dù cho nhà đầu tư ngoại rút tiền.

Sự rút lui của khối ngoại là một phần của tàn tích sót lại sau giai đoạn thị trường cực kỳ hưng phấn 2017-2018. Điều này cũng phản ánh sự chán chường đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn và các hạn chế giao dịch áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài. 

Theo Barron's, các hạn chế này khiến cho Việt Nam vẫn chưa được coi là thị trường mới nổi. Cái mác thị trường cận biên đã tạo ra bức tường chắn dòng tiền quốc tế đổ vào Việt Nam.

Nhưng với tất cả những yếu tố tích cực của Việt Nam, nhà đầu tư Mỹ có lẽ có lý do để quay lại thị trường này, Barron's kết luận.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.