Vừa đầu tư chứng khoán vừa hóng dịch

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như toàn cầu có phiên giảm mạnh trong ngày 9/3 nhưng đã hồi phục trong ngày 10/3.

Trong phiên ngày 10/3, VN-Index đã hồi phục, đóng cửa ở mức 837,5 điểm, tăng 2,01 điểm so với phiên trước đó. Trong khi đó, VN30-Index tăng đến 6,66 điểm, lên 789, 51 điểm; HNX-Index giảm chỉ 0,14 điểm, còn 106,2 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn phiên này tuy có giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn trên 5.800 tỉ đồng. Nhiều mã vốn hóa lớn tăng điểm trở lại.

Vẫn có nhà đầu tư thu lãi

Về việc nên mua vào, nắm giữ hay bán ra trong giai đoạn này, chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng nhà đầu tư có thể xác định mình thuộc "gu" nào của thị trường. Nếu là nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, thích lướt sóng thì mua vào các cổ phiếu giá thấp (penny) và thị trường chứng khoán phái sinh. 

Bởi thực tế, ngay cả phiên giảm mạnh hôm 9-3, vẫn có nhiều nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận trong lúc nhiều nhà đầu tư khác phát hoảng.

Vừa đầu tư chứng khoán vừa hóng dịch - Ảnh 1.

Tuy biến động mạnh nhưng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức cao (Ảnh: Tấn Thạnh).

Còn nếu hợp với "gu" cổ phiếu bluechips thì nên đứng ngoài thị trường, chờ thêm, đồng thời xem đây là cơ hội để cơ cấu lại danh mục, ưu tiên giữ tiền mặt, chỉ nên bán lúc thị trường bật lại để tránh thua lỗ.

Nhận định thị trường chứng khoán trong vài ngày tới, theo ông Phan Dũng Khánh, mức hỗ trợ tốt nhất là ngưỡng 820-830 điểm của VN-Index. Đây là mức hỗ trợ tốt nhất của thị trường trong hơn 2 năm qua. Nếu vùng này giữ tốt thì cơ hội phục hồi, đi lên sẽ vững hơn. 

Tuy nhiên, sự phục hồi ở đây chỉ là phục hồi trong xu hướng giảm chứ không phải đi lên từ mức giảm mạnh ở năm 2018 đến nay. Nếu vùng này không giữ được thì thị trường có thể xấu hơn. Những nhà đầu tư lướt sóng rất thích hợp với diễn biến thị trường trong giai đoạn này.

Một chuyên gia chứng khoán khác nhìn nhận chứng khoán Việt Nam đang giảm theo diễn biến tiêu cực của chứng khoán thế giới. 

Phiên giảm điểm kỉ lục 6,3% hôm 9/3 nếu so sánh với diễn biến các sàn châu Á thì lại không có gì bất thường. Quan trọng hơn, những diễn biến như thế cho thấy sự sợ hãi và bán tháo không phụ thuộc vào đặc tính của thị trường, phát triển hay mới nổi, cá nhân hay tổ chức là đa số... 

Hiện tại, dự báo nói chung vẫn cho thấy rủi ro, chứng khoán thế giới còn rủi ro (giảm) và như vậy, VN-Index vẫn còn bị ảnh hưởng. Điều căn bản kéo chứng khoán hồi phục thực sự vào lúc này là tin tức về việc khống chế dịch bệnh Covid-19.

Nhưng dựa vào giá trị giao dịch mấy ngày qua thì thấy vẫn còn nhiều nhà đầu tư Việt Nam nhìn thị trường với sự lạc quan, họ chấp nhận "bắt dao rơi". Hôm 9/3, VN-Index giảm mạnh nhưng nhiều mã tiếp tục đà tăng như QCG, AMD, L18, DNM…, tức là vẫn có người thắng trên thị trường.

Với những nhà đầu tư thích bắt đáy như vậy, thị trường đang có quá nhiều mã để chọn. Thời điểm này, nhìn chung ngành nào cũng có mã để lướt sóng.

Tránh bán tháo không cần thiết

Theo ông Trần Văn Dũng, những phiên chứng khoán sau Tết, nhất là phiên đầu tuần này, giảm mạnh là do có nhiều thông tin không tốt, nhất là mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu. Số người nhiễm trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới giảm mạnh, chạm đáy năm 2016. 

Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu kinh tế năm 2019 xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất khẩn cấp và giới đầu tư cũng cho rằng FED sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong cuộc họp vào ngày 17/3 tới đây. Tín hiệu này cho thấy có sự lo ngại cho sự suy thoái kinh tế Mỹ.

Trong giai đoạn hiện tại, ông Trần Văn Dũng đánh giá tổn thương của doanh nghiệp là khó tránh nhưng về trung và dài hạn, các gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ phần nào giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh. 

"Chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp, tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán, tránh những phiên bán tháo không cần thiết. Dòng tiền có thể tạm thời đứng ngoài thị trường nhưng sẽ ổn định trở lại. 

Điều quan trọng là nền tảng kinh tế của chúng ta ổn định nên sẽ thu hút nhà đầu tư trở lại dù dòng vốn đang co cụm. Việt Nam vẫn là điểm sáng trong đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát", ông Dũng nhận định. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.