Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán: Năm 2019 thực sự khó khăn

Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, giữa biến động lớn về địa chính trị thế giới năm 2019, giữ thị trường không giảm mạnh, đã là nỗ lực lớn.

- Thị trường năm nay khởi đầu với hi vọng trở lại ngưỡng kỉ lục 1.200 điểm của năm 2018 nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

- Diễn biến thị trường có lên có xuống cũng là vận động thông thường, nhưng thực sự năm 2019 quá khó khăn. Năm 2017 tăng trưởng quá tốt, năm 2018 có dấu ấn khi lên ngưỡng 1.200 điểm, nhưng năm 2019 sụt giảm trên nhiều phương diện, đặc biệt là thanh khoản. 

So với các năm trước, số doanh nghiệp lớn lên sàn cũng không nhiều, việc thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa cũng thấp hơn, một phần cũng từ diễn biến kém tích cực của thị trường.

Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán: Năm 2019 thực sự khó khăn - Ảnh 1.

Diễn biến VN-Index từ đầu năm 2019. (Ảnh: Trading View).

Doanh thu các công ty chứng khoán năm nay cũng giảm trên 20% do khối lượng giao dịch hàng ngày giảm, hàng hóa ra thị trường ít hơn. Riêng số liệu phát hành cổ phần cũng giảm đến một nửa cùng kì.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ diễn biến năm 2019 nhiều phức tạp, đặc biệt là rủi ro địa chính trị thế giới tăng cao, chúng ta giữ được thị trường và VN-Index không đổ vỡ, không biến động lớn, đã là một điểm tích cực, nỗ lực cao của các thành viên thị trường.

- Với những diễn biến đã qua, theo ông, triển vọng thị trường năm 2020 sẽ như thế nào?

- Tôi nghĩ triển vọng của thị trường sẽ tương đối tốt. Thị trường chúng ta vận động theo mẫu hình Sin đi lên, sự trầm lắng của năm nay có thể là bước tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Các nền tảng chính của thị trường hiện nay tương đối tốt, bộ khung pháp lí đã có, các hoạt động thanh tra, giám sát, phối hợp với các cơ quan cũng thông suốt. Tôi kì vọng năm tới sẽ có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thị trường chứng khoán sẽ có sự tăng trưởng tốt.

Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán: Năm 2019 thực sự khó khăn - Ảnh 2.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: Minh Sơn).

- Thị trường cơ sở đi xuống nhưng các sản phẩm phái sinh trong năm 2019 vẫn "hút" khách. Tuy nhiên, giao dịch chủ yếu là đầu cơ, ông nhìn nhận thế nào về diễn biến này?

- Chúng ta đã mạnh dạn mở thị trường phái sinh từ cách đây hai năm, bước đầu đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, Việt Nam đa số là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, điều này lí giải việc thị trường phái sinh mang thiên hướng đầu cơ, nhiều biến động.

Trước khi mở, chúng tôi cũng lo thị trường phái sinh sẽ đi chệch hướng so với cơ sở, nhưng đến nay sự phát triển giữa hai thị trường đã có sự đồng điệu, gần như "chạy" song song, góc nhìn của nhà đầu tư trên hai thị trường này là giống nhau.

- Năm qua, Ủy ban cũng xử phạt vi phạm hành chính khá nhiều, đặc biệt là thao túng giá cổ phiếu, nhưng hầu hết là diễn ra từ 1-2 năm trước. Nhà đầu tư cho rằng điều này là quá chậm, ông lí giải thế nào?

- Hiện nay có trên 700 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán và hơn 600 đơn vị trên UPCoM. Quan điểm của Ủy ban chứng khoán là không bao giờ có chuyện biết có làm giá mà không xử.

Nhưng thực sự để phát hiện và xử lí một vụ làm giá là điều không đơn giản. Nhìn từ hiện tượng trên thị trường, nhiều người đoán được cổ phiếu nào bị làm giá, nhưng ai đứng sau và phát hiện điều đó như thế nào lại là câu chuyện khác.

Nhà đầu tư thường sử dụng nhiều tài khoản để giao dịch, các tài khoản này đứng tên những người khác nhau, việc xác minh mối liên quan không hề dễ. Có trường hợp chúng tôi về tận xã để kiểm tra, 10 tài khoản đứng tên 10 người nhưng không có quan hệ họ hàng, không có liên quan gì cả.

Để xác minh được mối liên quan, ở nhiều nước, cơ quan giám sát phải liên hệ với công ty viễn thông, ngân hàng để trích sao kê giao dịch. Nhưng ở Việt Nam, trước đây Ủy ban chứng khoán không có đủ thẩm quyền, việc này thuộc phạm vi của cơ quan điều tra, phải lập cả chuyên án để thực hiện. Ngay cả những thị trường lớn như Pháp, Mỹ, phanh phui một vụ làm giá cổ phiếu cũng phải mất vài năm, không phải điều dễ.

- Năm qua xuất hiện nhiều dòng vốn ngoại, đặc biệt là từ Hàn Quốc, thâu tóm rất nhiều công ty chứng khoán và tạo ra một cuộc cạnh tranh lớn. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?

- Việt Nam đã mở room ngoại cho chứng khoán, nên hoạt động M&A, thâu tóm cũng là điều bình thường. Cuộc chơi về vốn chỉ là một khía cạnh trên thị trường, Việt Nam đã mở cửa thì các thành viên thị trường phải chấp nhận cuộc chơi. Tôi nhìn nhận vấn đề này là tích cực.

Các công ty chứng khoán nước ngoài vào kinh doanh, cho vay giao dịch kí quỹ tạo sức cầu cho thị trường. Thực tế, cả 6 công ty chứng khoán lớn nhất của Hàn Quốc đều đã hiện diện ở thị trường Việt Nam, và đẩy sức nóng cuộc đua cạnh tranh với các doanh nghiệp nội lên rất cao.

Để cạnh tranh được không chỉ bỏ tiền ra là xong, phải đi cùng với chất lượng. Cái gì cũng có hai mặt, anh vào nhiều, nhưng có giữ được không lại là vấn đề khác. Cho vay kí quỹ nhiều nhưng nếu không quản lí tốt, khi thị trường có biến động, hậu quả là rất lớn. 

Từng có công ty nước ngoài mất cả tỉ USD tại Việt Nam thời khủng hoảng tài chính vì điều này. Còn với các công ty chứng khoán nội, cạnh tranh sẽ tạo ra áp lực phải thay đổi. Công ty ngoại có quản trị tốt hơn, mình phải học họ trước về quản trị.

Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán: Năm 2019 thực sự khó khăn - Ảnh 3.

Bên trong sàn giao dịch một công ty chứng khoán tại TP HCM. (Ảnh: Hữu Khoa).

Không nâng hạng thị trường bằng mọi giá

Mục tiêu nâng hạng thị trường được nhắc đến liên tục trong hai năm gần đây, vừa là hi vọng của nhà đầu tư, vừa là nhiệm vụ Chính phủ giaoVậy tại sao điều này vẫn chưa làm được trong năm 2019? 

- Không phải bây giờ mà câu chuyện này từng được bàn từ 10 năm trước. Tôi từng là người phụ trách vấn đề này, đã gặp gỡ, giải trình rất nhiều với những người đứng sau quyết định nâng hạng.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, họ muốn mua cổ phần Vinamilk hay đầu tư vào một số ngân hàng thương mại nhưng trần sở hữu không cho phép. Họ đòi hỏi Việt Nam mở cửa hơn nữa. Tuy nhiên, vấn đề này mỗi Ủy ban chứng khoán không làm được. Mỗi Bộ, ngành quản lí một lĩnh vực riêng, có danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện riêng.

Riêng tài chính chứng khoán thực tế đã có độ mở tương đối lớn. Các công ty chứng khoán, Quản lí quỹ hiện nay đã mở room ngoại tới 100%. Độ mở đó được thể hiện ngay từ thực tế thị trường, gần như tất cả công ty chứng khoán lớn nhất của Hàn Quốc đều đã hiện diện tại Việt Nam.

Những vấn đề còn lại chủ yếu là định tính. Ví dụ, trước khi giao dịch phải đảm bảo 100% tiền và chứng khoán, hay vấn đề kí quỹ với nhà đầu tư nước ngoài. 

Họ nói rằng, vì giao dịch của Việt Nam là T+2 nên chỉ cần đến thời điểm T+2 có đủ tiền và chứng khoán là được, tại sao phải có từ T+0 - thời điểm đặt lệnh. Còn các tiêu chí định lượng như quy mô thị trường, vốn hóa, số lượng doanh nghiệp đạt 1 tỉ USD... về cơ bản Việt Nam đã đạt được.

- Theo ông, vấn đề này nên được xử lí như thế nào?

- Không phải cứ có điểm nghẽn là chúng ta gỡ, có một số nguyên tắc mà thị trường Việt Nam hiện nay không thể bỏ được.

Như vấn đề kí quỹ, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lại vay tiền của chúng ta để đầu tư chứng khoán, điều này liệu có phù hợp trong khi chúng ta mở cửa thị trường vì cần vốn và để hút vốn ngoại. Quan điểm chung là không nới những quy định này, chưa kể, vấn đề kí quỹ còn liên quan tới các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về thanh toán, giao dịch bù trừ cũng như vậy. Thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay là gần 20 năm, nhưng cũng chỉ xem là một thị trường mới, ở giai đoạn phát triển. Thử tưởng tượng nếu bỏ quy định 100% tiền và chứng khoán tại thời điểm giao dịch, đến T+2 nhà đầu tư nói không có tiền thì xử lí lệnh giao dịch đã khớp trước đó như thế nào? Chắc chắn là đổ vỡ thị trường.

Để đảm bảo an toàn nhất cho thị trường, chúng tôi vẫn phải giữ một số nguyên tắc. Sau này khi thị trường phát triển lên một cấp độ cao hơn, các công ty chứng khoán có năng lực quản trị rủi ro tốt hơn, ý thức nhà đầu tư được nâng lên, chúng ta sẽ xem xét nới quy định này.

Bảng xếp hạng của các tổ chức đánh giá không phải là một tiêu chuẩn chung mà phản ánh quan điểm của các quỹ đầu tư. Chúng ta không cố được nâng hạng bằng mọi giá, không có gì chắc chắn năm nay Việt Nam được nâng hạng nhưng năm sau còn giữ được. Nâng hạng rồi lại không giữ được còn gay go hơn.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.