Chốt phiên giao dịch cuối tuần thứ 6 ngày 13/3, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chìm trong sắc đỏ sau ngày "thứ hai đen tối" hôm 9/3. So với cuối tuần trước, VN-Index chốt phiên cuối tuần này giảm hơn 15%, từ vùng gần 900 điểm rơi xuống còn 761 điểm.
Tuần đen tối khiến vốn hóa thị trường chứng khoán Việt bốc hơi hơn 25,5 tỉ USD. Hàng loạt mã trong rổ VN30 như VPB, CTG, STB, BID, MWG, FRT, PNJ… đều bị kéo xuống giá sàn.
Trước "cú sốc" này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng, tiếp tục nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực nền kinh tế và các giải pháp của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt ổn định trở lại.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định ông tin rằng với nỗ lực, quyết tâm của Nhà nước, sự hợp sức đoàn kết của người dân, cộng với khả năng, kinh nghiệm của Việt Nam, dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, đẩy lùi. Nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ sớm ổn định tăng trưởng trở lại.
Đồng thời, trong trung hạn, gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa của Chính phủ chắc chắn sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm vực lại sức sản xuất kinh doanh.
"Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói thêm nhìn tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch, thì với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, Việt Nam vẫn là điểm sáng, vẫn có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng kinh tế khả quan.
Theo ông Trần Văn Dũng, Ủy ban và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường ,để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường; trấn an tâm lí nhà đầu tư; xử lí nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.
Về một số giải pháp bình ổn thị trường trong thời gian tới, ông Trần Văn Dũng cho biết hồi đầu tháng 3, Ủy ban đã họp bàn tìm giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư và thanh khoản thị trường vượt qua dịch bệnh.
Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến đã được ghi nhận, trong đó có những giải pháp có thể báo cáo Bộ Tài chính để triển khai sớm. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán (sửa đổi) sắp tới.
"Trong phạm vi thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp ngành chứng khoán, nhà đầu tư, trong đó sẽ cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán, và nới lỏng một số quy định về margin áp dụng cho giai đoạn trước mắt", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định.
Ngoài ra, Ủy ban sẽ có thêm những giải pháp ngắn hạn hỗ trợ thị trường, trong bối cảnh các chỉ số chính đã giảm sâu, vì lo ngại biến dịch phức tạp của Covid-19.
Cụ thể, Ủy ban chứng khoán sẽ tăng tốc độ xử lí hồ sơ lên mức cao nhất, đặc biệt là những giao dịch về cổ phiếu. Nếu có nhu cầu mua vào hoặc công ty mua cổ phiếu quỹ sẽ được Ủy ban chứng khoán xử lí hồ sơ nhanh, cam kết hỗ trợ trong 1 ngày.
"Một số điều chỉnh mang tính dài hơi đã được chúng tôi đề xuất và kì vọng sẽ có thay đổi. Những gì trong khả năng thẩm quyền Ủy ban chứng khoán sẽ triển khai quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư", ông Dũng cho biết.
Trước đó, khi thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh ngay từ đầu tuần, ông Dũng nhận định việc này là khó tránh khỏi. Bởi đang có nhiều tin xấu hội tụ cùng lúc, các sự cố bất thường khiến chứng khoán phản ứng ngay lập tức.
Giá dầu thế giới giảm mạnh và có thời điểm giảm đến 30%, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1991, chạm tới mức đáy đầu năm 2016 ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent năm 2020 sẽ tiếp tục giảm sâu về mức 20 USD/thùng.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố số liệu kinh tế năm 2019, với kết quả xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt trong bối cảnh tác động ngày càng nặng nề của dịch Covid-19.
Đáng chú ý, ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định giảm khẩn cấp 0,5% lãi suất. Điều này dấy lên lo ngại về suy giảm kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các loại tài sản an toàn như trái phiếu và vàng.
"Còn Việt Nam, với độ mở cao của nền kinh tế, những thông tin trên không thể không gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán", ông Trần Văn Dũng nhận định.
Theo ông, nguyên nhân chính và trực diện nhất vẫn là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nếu như mở phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt đã nhanh chóng đi xuống vì các ca nhiễm Covid-19 liên quan bệnh nhân số 17 tại Hà Nội, thì trong tuần, liên tiếp hàng loạt số ca nhiễm mới được phát hiện tại Bình Thuận và các du khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17.
Đây là yếu tố tiêu cực bất thường, tác động tâm lí nhà đầu tư, dẫn đến bán tháo và giảm điểm mạnh. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn nhấn mạnh các nhà đầu cần tránh việc bán tháo không cần thiết, bởi nội lực nền kinh tế và các giải pháp của Chính phủ, sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt ổn định trở lại.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020