VN-Index vật lộn với nCoV

Mối liên hệ giữa các trận đại dịch với chỉ số chứng khoán tiếp tục thể hiện trong thời điểm virus corona lây lan rộng.
VN-Index vật lộn với nCoV - Ảnh 1.

Mối liên hệ giữa các trận đại dịch với chỉ số chứng khoán tiếp tục thể hiện trong thời điểm virus corona lây lan rộng. (Ảnh: shutterstock.com).

Các công ty chứng khoán SSI, MBKE, BSC, VNDS... đều lần lượt đưa ra những báo cáo nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) gây ra.

Rủi ro bất ngờ

Dịch virus corona xuất hiện như một tai họa bất ngờ. Dịch khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), chỉ sau khoảng 1 tháng đã lan rộng ra toàn Trung Quốc và 27 quốc gia khác, làm hàng chục ngàn người lây nhiễm, hàng trăm người tử vong. Đáng nói, mức độ lây lan của bệnh dịch này vẫn dữ dội và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chính vì thế, không chỉ giới y khoa căng mình chống dịch mà các doanh nghiệp cũng đứng ngồi không yên.

Dưới ảnh hưởng của dịch corona, tính đến thời điểm này, theo hãng phân tích tài chính Oxford Economics (Anh), tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng chỉ đạt 5,6% năm 2020, so với mức 6,1% của năm ngoái. 

Nếu thế, Oxford Economics dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,3% - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước. Riêng thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc không phanh và chỉ trong một phiên ngày 3/2, nỗi sợ virus corona đã thổi bay gần 400 tỉ USD. Lo ngại trận dịch ở Trung Quốc sẽ gây ra những cú sốc lớn về kinh tế, các thị trường chứng khoán thế giới cũng chao đảo.

VN-Index vật lộn với nCoV - Ảnh 2.

Chỉ trong 3 ngày giao dịch đầu năm Canh Tý, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 60 điểm, có lúc xuyên thủng mốc 900 điểm, và VN-Index kết thúc phiên ngày 3/2 là 928,14 điểm. Đồng thời, thị trường cũng bốc hơi khoảng 300.000 tỉ đồng, tương đương hơn 13 tỉ USD vốn hóa. 

Trong thời gian này, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 157 tỉ đồng. Riêng các quỹ đầu tư ngoại ghi nhận những kết quả tồi tệ nhất trong nhiều năm. 

Theo Bloomberg, tháng 1 vừa qua, tỉ suất lợi nhuận đầu tư của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do nhóm Dragon Capital quản lí, bị âm 3,9%. Ở 2 phiên đầu tháng 2/2020, con số này là âm 6,01%. Cùng chung cảnh ngộ, quỹ Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) của VinaCapital ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 5,8%, cập nhật đến ngày 3/2.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, động thái của nhà đầu tư nước ngoài không cho thấy xu hướng rút khỏi thị trường. Bởi ngoài bán ròng, vẫn có phiên mua ròng. Đặc biệt, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, đạt 4 triệu USD. 

Theo ông Trần Văn Dũng, đây là điểm tích cực của chứng khoán Việt Nam với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, khi các thị trường này bị rút mạnh 102 triệu USD. Điển hình, dòng tiền rút mạnh khỏi Thái Lan (51 triệu USD), Malaysia (35 triệu USD)...

Thực tế, kể từ sau Tết, nhà đầu tư đã có lúc phản ứng quá đà, nhất là ở phiên 3/2. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Nghiên cứu phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), lí giải vì Việt Nam vừa trải qua kì nghỉ Tết khá dài so với các nước trong khu vực, nên phản ứng của nhà đầu tư Việt Nam có độ trễ hơn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lo ngại, tiếp sau Trung Quốc, dịch corona sẽ bùng phát mạnh ở Việt Nam.

Danh sách ngành "nạn nhân"

Ảnh hưởng của dịch corona lên các ngành kinh tế là không tránh khỏi. Bởi năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 117 tỉ USD, theo Tổng cục Hải quan. Với mức độ giao thương này, bất cứ chao đảo nào từ phía Trung Quốc cũng đều có thể gây ra biến động cho Việt Nam, nhìn ở cả khía cạnh xuất khẩu (đầu ra hàng hóa) lẫn nhập khẩu (nguyên liệu đầu vào). 

Trong đợt dịch corona, Việt Nam có lúc đã phải đóng cửa một số cửa khẩu sát với Trung Quốc (như ở Lào Cai, Lạng Sơn...). Việt Nam cũng hạn chế cấp thị thực đối với người đến từ Trung Quốc. Chính điều này đã khiến cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị đình trệ. Thanh long, dưa hấu rớt giá thảm hại vì đã tới kì thu hoạch nhưng không bán được sang Trung Quốc.

Báo cáo của SSI cũng chỉ ra, thủy sản là 1 trong 9 ngành bị xếp loại tiêu cực dưới tác động của dịch corona. Năm qua, Trung Quốc chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Con số này ở tôm là khoảng 16,1%, cá tra là 33%.

Căn cứ giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua Trung Quốc, các mặt hàng như tiêu, điều, cà phê dự báo cũng là những ngành bị ảnh hưởng nặng từ dịch corona. Theo báo cáo của SSI, các ngành chịu tác động tiêu cực từ dịch corona còn phải kể đến dệt may, khi ngành này bị phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc.

VN-Index vật lộn với nCoV - Ảnh 3.

Ngành dầu khí cũng nằm trong nhóm ngành khó khăn, khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc dự báo sẽ yếu đi. Riêng ngành bia, bán lẻ, vận tải cũng chịu những tác động không khả quan do nhu cầu đi lại, mua sắm, ăn uống ở những nơi đông người đã bị hạn chế vì lo ngại dịch corona.

Tuy nhiên, thiệt hại, bất lợi rõ rệt, nặng nề nhất có lẽ là những ngành liên quan đến du lịch như hàng không, khách sạn, lữ hành, nhà hàng... 

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hãng hàng không trên thế giới, gồm cả Việt Nam đã đồng loạt giảm hoặc hủy chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Mặt khác, để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, Trung Quốc cũng đặt ra những chính sách hạn chế xuất ngoại đối với người dân Trung Quốc.

Du khách các nước cũng chủ động hủy các kế hoạch đến Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. 

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, những điều này đã gây ra tổn thất vô cùng lớn cho ngành du lịch nhiều quốc gia. Bởi như tại Việt Nam, khách Trung Quốc chiếm tới 30% tổng khách quốc tế đến Việt Nam. Xét riêng một số địa phương như Nha Trang, con số này là trên 70%, theo Sở Du lịch Khánh Hòa. 

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn thành công trên thế giới và ở Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam sẽ có thể hồi phục vào nửa cuối năm 2020”, ông Mauro Gasparotti nhận định.

Ở chiều ngược lại, dược phẩm là ngành được đánh giá không bị tác động, thậm chí “sống khỏe” trước dịch corona. Hàng loạt cổ phiếu dược, thiết bị y tế như DHG của Dược Hậu Giang, TRA của Traphaco, JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật, IMP của Dược phẩm Imexpharm, VDP của Dược phẩm Trung ương Vidipha... đã tăng mạnh trong các phiên vừa qua. Tuy nhiên, SSI lưu ý khả năng đà tăng này chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bởi cổ phiếu dược lâu nay chỉ có tính phòng thủ, và thường không có những chuyển biến thay đổi gì đột biến.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của SSI, cho biết thêm SSI đang khuyến nghị nhà đầu tư tái cấu trúc danh mục theo hướng giảm tỉ trọng đầu tư khỏi những cổ phiếu bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch corona, và tăng tỉ trọng ở các ngành không bị ảnh hưởng như công nghệ, ngân hàng, điện, nước... Đối với những ngành như bất động sản, xây dựng, ô tô, trước tác động của dịch corona, SSI giữ quan điểm trung lập.

Tìm tín hiệu lạc quan

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá chính xác những tác động kinh tế mà dịch nCoV gây ra. Thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là tại Trung Quốc. Đại diện SSI nhận định rằng, khó có thể nhận định được gì lúc này khi chưa có dấu hiệu cho thấy dịch corona được kiểm soát hoàn toàn.

Dù vậy, ông Nguyễn Thanh Lâm, Công ty MBKE, tin tưởng sự hoang mang trên thị trường chứng khoán sẽ sớm qua đi, khi nhà đầu tư cảm nhận cơn dịch được khống chế. MBKE đang theo dõi sát sao số người mắc bệnh. Một khi tỉ lệ này có chiều hướng giảm, đó sẽ là tín hiệu để thị trường phục hồi. Căn cứ thời gian ủ bệnh là 5-14 ngày, công ty dự đoán, thời gian để dịch virus corona đạt đỉnh và chuyển sang suy giảm dần có thể sẽ trong nửa tháng 2 này.

VN-Index vật lộn với nCoV - Ảnh 4.

Cơ sở để giới phân tích lạc quan còn ở chỗ, dịch bệnh nCoV có nét tương đồng với dịch SARS diễn ra cách đây 17 năm. Trong giai đoạn dịch SARS bùng phát (từ tháng 3-5/2003), chứng khoán Đông Nam Á đã giảm mạnh. Còn chỉ số Hang Seng (Hong Kong) đã giảm 7,2% chỉ trong một tháng đầu. 

Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2003, thị trường chứng khoán khu vực đã phục hồi mạnh mẽ. Đây cũng là lúc dịch bệnh được kiểm soát. Sau khi lây nhiễm cho khoảng 8.000 người và làm gần 800 người chết, dịch SARS kết thúc (sau khoảng 4 tháng).

Thống kê cho thấy có mối liên hệ giữa các trận đại dịch với chỉ số chứng khoán. Các trận đại dịch SARS, H5N1 hay H1N1 cho thấy thị trường chứng khoán thế giới thường giảm mạnh trong giai đoạn dịch bùng phát nhưng tăng trở lại ít nhất trung bình 8,5% sau đó 6 tháng. Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy khi đại dịch đạt đỉnh cũng là thời điểm thị trường bắt đầu tạo đáy và tăng điểm trở lại.

Hiện tại, dịch corona đang ở giai đoạn cao trào được 1 tuần, do vậy có thể kì vọng áp lực giảm điểm sẽ kéo dài trong các tuần tới. Nội tại kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là ổn định và các tiến bộ y học vừa được các nhà khoa học Hong Kong, Úc, Mỹ nghiên cứu, có thể kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình hồi phục. 

Vừa qua, thị trường Mỹ và châu Âu đã giảm điểm từ trước thời gian chúng ta nghỉ Tết, với mức giảm vào khoảng 2%, nhưng đang hồi phục trở lại trong 2 phiên gần đây.

VN-Index vật lộn với nCoV - Ảnh 5.

Một tín hiệu khác là phía cơ quan quản lí Nhà nước đang có những động thái nhằm ổn định thị trường. 

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Bộ đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tìm cách ổn định tâm lí nhà đầu tư, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường, chống hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để làm giá thị trường. Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán mới. Ngoài ra, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường chứng khoán phát triển hiệu quả, năng động hơn.

Với các động thái và thông tin nêu trên, tâm lí nhà đầu tư đã có phần bình tĩnh. VN-Index đã trở lại sắc xanh (ngày 4/2 và ngày 6/2). Trong các phiên giao dịch, sự phân hóa cũng đã diễn ra.

 SSI cho rằng, tình hình có thể sẽ diễn biến tích cực hơn từ quý II/2020. Bởi mùa hè thường là lúc dịch cúm giảm tác động. Trước mắt, các công ty chứng khoán đồng tình, thị trường chứng khoán trong quý I/2020 sẽ còn nhiều khó khăn.

Dù vậy, nếu có thêm những nhân tố xúc tác như tăng vốn trong ngân hàng, tăng các quỹ ETF nội, thoái vốn ở khối doanh nghiệp nhà nước (Agribank, Vinachem, Mobifone, Vicem, Genco 1, Genco 2...) thì bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam đến cuối năm 2020 sẽ có thể khởi sắc hơn. Trong đó, động lực kì vọng nhất đến từ các quỹ ETF nội, dựa theo 3 chỉ số mới: Vietnam Diamond Index (VN Diamond), Vietnam Financial Select Sector Index (VN Fin Select), Vietnam Leading Financial Index (VN Fin Lead).

Mỗi chỉ số đều có các quỹ trong nước xin phép thành lập, như SSIAM. Đây được xem như cách để thu hút vốn nước ngoài. 

Điển hình, quỹ ETF đầu tư theo chỉ số VN Diamond sẽ cho phép nhà đầu tư ngoại tham gia dù cổ phiếu đã hết room dành cho họ. Theo ước tính sơ bộ, quỹ ETF đầu tư theo chỉ số VN Diamond có thể thu hút 400-500 triệu USD cho thị trường. 

Sau những suy giảm mạnh vì dịch corona, giới phân tích trông đợi cơ quan nhà nước sẽ nhanh chóng tạo điều kiện để các quỹ ETF theo chỉ số mới sớm ra đời, góp phần giúp vực dậy thị trường.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.