Ngày nay, các bộ phận linh kiện đến từ Trung Quốc là một mảnh ghép không thể thiếu trong dây chuyền sản xuất công nghiệp toàn cầu. Các chuyên gia lo ngại rằng, trong vài tuần tới, nhà máy chế tạo trên toàn thế giới có thể phải dừng hoạt động nếu các công xưởng ở Trung Quốc vẫn tiếp tục bị đóng cửa.
Các nhà máy sản xuất ô tô có thể là một trong những nơi đầu tiên cảm nhận rõ rệt nhất tác động của cuộc khủng hoảng.
“Đó là bởi ngành phụ tùng ô tô của Trung Quốc có quy mô rất lớn và thực tế, bạn không thể chế tạo một chiếc xe hơi chỉ với 99% linh kiện”, Mike Dunne - Trưởng chi nhánh của GM ở Indonesia cho biết.
Mike Dunne nói rằng trong quá khứ, một nhà máy cung ứng duy nhất không may bị hoả hoạn hay thiên tai cũng có thể ảnh hưởng rất lớn tới các nhà máy sản xuất ô tô trên toàn thế giới.
Trung Quốc hiện là nhà cung cấp phụ tùng chính cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô của thế giới, với gần 35 tỉ USD các chuyến hàng linh kiện được xuất phát từ Trung Quốc năm 2018, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.
Trong đó, chỉ riêng tại thị trường Hoa Kỳ đã phải nhập khẩu hơn 20 tỉ USD linh kiện ô tô từ Trung Quốc trong năm 2018, theo Bộ Thương mại Mỹ. Một phần số linh kiện này được chuyển tới các cửa hàng bán lẻ phụ tùng, phần lớn khác được đưa đến các dây chuyền lắp ráp để sử dụng trong việc chế tạo ô tô.
“Tìm kiếm sự thay thế cho tất cả những bộ phận đó thực tế không phải là chuyện dễ”, ông Kristin Dziczek, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và chế tạo ô tô Michigan nói.
“Thật khó để đưa ra dự đoán khi nào thì các ngành sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Tôi đoán rằng có thể vào cuối tháng 2, nếu các nhà máy của Trung Quốc không hoạt động trở lại”, Kristin Dziczek cho biết.
“Tất cả các nhà sản xuất ô tô đều có phương án dự phòng. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc là rất lớn. Do đó họ cũng sẽ bị ảnh hưởng, dù ít hay nhiều”, Kristin Dziczek nói.
Cho đến nay, hầu hết các công xưởng lắp ráp ô tô ở Trung Quốc đều đã bị đóng cửa vì dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra.
Volkswagen cho biết các nhà máy ô tô tại Trung Quốc của họ đã bị đóng cửa một phần, do những hạn chế đi lại và do thiếu linh kiện.
Cuộc khủng hoảng đã bắt đầu lan sang các khu vực khác ngoài Trung Quốc.
Hyundai đã đóng cửa các nhà máy lắp ráp tại Hàn Quốc, không phải vì dịch bệnh mà bởi vì nhà máy không thể hoạt động nếu thiếu nguồn linh kiện của Trung Quốc. Tuần trước, cũng vì thiếu linh kiện mà Fiat Chrysler cho biết một nhà máy tại châu Âu của họ cũng đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
Các nhà sản xuất ô tô khác nói rằng, họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Trung Quốc. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói đến tác động toàn cầu khi các nhà máy tại Trung Quốc vẫn tiếp tục bị đóng cửa.
Các chuyên gia cho rằng, ngay trước mắt ngành công nghiệp ô tô toàn cầu có lẽ chưa thể thấy được tác động đầy đủ của cuộc khủng hoảng linh kiện, bởi trước đó họ đã lên kế hoạch chuẩn bị cho kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài ở Trung Quốc.
Các nhà máy lắp ráp vẫn còn một kho hàng dự trữ, do đó họ không cảm thấy lo lắng quá nhiều khi các công xưởng tại Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh. Nhưng các chuyên gia dự báo, điều này không thể kéo dài được lâu.
Simon MacAdam, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Capital Economics, London cho biết: “Nguy cơ các nhà máy sản xuất ô tô trên toàn thế giới phải ngừng hoạt động sẽ trở nên rõ ràng hơn trong một vài tuần tới, nếu các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn tiếp tục bị ngưng trệ”.
“Ngay cả khi các công xưởng Trung Quốc cố gắng mở cửa trở lại, thì nó cũng sẽ không thể sớm đi vào hoạt động như bình thường vì thiếu lao động. Hoặc trong trường hợp xấu nhất, dịch bệnh tiếp tục lan rộng, việc vận chuyển hàng hoá cũng sẽ bị ảnh hưởng”, Dune nói.
“Một số nhà cung cấp linh kiện đã bắt đầu quay trở lại làm việc từ hôm nay. Tuy nhiên tại các thành phố lớn, các con đường vẫn bị cấm, một số hãng bay dừng khai thác tuyến tới Trung Quốc. Chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, Trưởng chi nhánh của GM nói thêm.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020