Dịch bệnh Covid-19 giáng đòn mạnh lên kinh tế toàn cầu

Ngoài là mối nguy cho sức khoẻ người dân toàn cầu, dịch Covid-19 còn đóng vai "kẻ xấu" phá vỡ sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Dịch bệnh Covid-19 giáng đòn mạnh lên kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia phải trả giá đắt - Ảnh 1.

(Nguồn ảnh: The New York Times).

Chủng virus SARS-Cov-2 lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 12/2019, cho đến hiện tại đã nhanh chóng lan ra 6 lục địa.

Theo chân các du khách ở châu Á, những người tôn giáo tại Hàn Quốc tạo nên đợt dịch bệnh với sức lây lan khủng khiếp nhất trong những năm gần đây.

Dịch Covid-19 đã làm thị trường chứng khoán toàn cầu bốc hơi 6.000 tỉ USD, khiến hàng triệu người khốn đốn do công việc đình trệ. Các công ty và nhà sản xuất đóng cửa dài hạn, kéo theo các điều kiện kinh tế tuột dốc, nhen nhóm nỗi lo sợ cho một cuộc suy thoái trầm trọng ở qui mô toàn cầu.

Cái giá quá đắt cho sự chủ quan của nhiều nước

Thời điểm ban đầu khi dịch bệnh chỉ mới hoành hành ở Trung Quốc, các nền kinh tế khác tỏ ra không quá lo ngại. Thậm chí đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo kế hoạch cách li toàn bộ tỉnh Hồ Bắc với thành phố Vũ Hán là tâm chấn dịch, phần còn lại của thế giới vẫn không quá sốt sắng.

Trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có dấu hiệu rất khả quan, ngày 19/2 chỉ số S&P 500 chạm mức đỉnh mới.

Động thái của các nền kinh tế khác trong tháng 1 và đầu tháng 2/2020 là tận dụng sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc do gián đoạn các hoạt động sản xuất, khuyến khích nhà đầu tư mua chứng khoán và chờ đợi thị trường "xanh" trở lại.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đã lan rộng ra hơn 50 vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới ở nhiều châu lục khác nhau. Những quốc gia đang có số ca nhiễm tăng nhanh chóng là Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Italy.

Dịch bệnh Covid-19 giáng đòn mạnh lên kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia đang phải trả giá đắt - Ảnh 2.

Bản đồ lay lan của dịch Covid đến cuối tháng 2 (Nguồn ảnh: Yahoo Finance).

Virus corona mới với tốc độ lây lan chóng mặt và thời gian ủ bệnh kéo dài, vẫn còn nhiều điều mà thế giới khoa học chưa khám phá hết.

Vì vậy công tác ngăn chặn, đối phó với dịch bệnh là một bài toán hóc búa và ngày càng phức tạp, khi số vật chủ trung gian ở nhiều môi trường, điều kiện sống của virus tăng lên.

Thị trường tài chính của các quốc gia lớn bắt đầu lao đao trong thời gian gần đây, khi nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các nước phát triển trở nên đáng báo động.

Ông Mohamed A. El-Erian – chuyên gia kinh tế của Bloomberg – cho rằng đánh giá tình hình thực tế của dịch bệnh, thị trường sẽ không thể dễ dàng phục hồi như dự đoán của các nhà kinh tế khoảng một tháng trước.

Dịch bệnh Covid-19 giáng đòn mạnh lên kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia phải trả giá đắt - Ảnh 3.

Thị trường chứng khoán châu Á đỏ liên tục do bùng phát dịch. (Nguồn: Foreign Policy)

Dịch Covid-19 là cú đòn giáng vào hoạt động của các công ty, tập đoàn không chỉ ở những nước có dịch, những khía cạnh dễ bị tác động nhất là doanh thu, lợi nhuận và tài sản. Ba thành phần chính tạo nên GDP của một quốc gia gồm thương mại, tiêu dùng và đầu tư, cũng chịu ảnh hưởng không ít từ sự bùng phát dịch bệnh.

Covid-19: Thách thức mới chồng lên khó khăn cũ

Theo Bank of America Corp, có nguy cơ nền kinh tế thế giới sẽ lại rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra vào năm 2008.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 3,1% xuống 2,8%, và 2020 sẽ là năm tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong đó, nền kinh tế của Trung Quốc được dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5,2%, thấp nhất kể từ năm 1990.

Chưa kể trước khi vật lộn với chủng corona mới, thế giới cũng đã trải qua một thời gian căng thẳng do chiến tranh thương mại của hai gã khổng lồ Mỹ-Trung. Hệ quả là lần đầu tiên kể từ năm 2009, thương mại toàn cầu giảm mạnh.

Thêm một yếu tố đáng lo ngại khác là dịch bệnh hoành hành trong bối cảnh các quốc gia lớn đang rơi vào tình trạng thâm hụt tài khóa, như tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Với lãi suất âm, các ngân hàng trung ương không có nhiều lựa chọn chính sách tiền tệ phù hợp để kiểm soát tình hình, ngoại trừ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Hệ thống tín dụng toàn cầu cũng đang cho thấy các tín hiệu suy giảm. Riêng thị trường huy động vốn lớn nhât thế giới - thị trường trái phiếu quốc tế 2.600 tỉ USD – lao đao sau khi các tổ chức đi vay cố tình trì hoãn và kéo dài kế hoạch phát hành nợ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả các tác động tiêu cực lên nền kinh tế của đợt dịch virus Covid-19 nên được nhìn nhận như là một bài học đắt giá cho toàn cầu. Khi mà nhiều nước quá chủ quan, không nghiên cứu nâng cao phương thức phòng - chống, để đối phó với các đợt dịch lớn và khác thường, như SARS-Cov-2. 

Kể từ năm 1970, các nhà sinh học đã phát hiện hơn 1.500 mầm bệnh mới. WHO cũng cảnh báo thế giới nên sẵn sàng cho một năm đầy rẫy nguy cơ sắp tới.