Đại dịch virus corona đang làm giàu cho ai?

Lượng người chơi game tại Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian bùng phát virus corona. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nền tảng chia sẻ video hay tư vấn sức khỏe cũng gia tăng.

Theo SCMP, hàng triệu người Trung Quốc tại Vũ Hán và các khu vực lân cận đang tự cách li bản thân tại nhà trong thời điểm virus corona bùng phát. Họ cũng hoạt động nhiều hơn trên môi trường Internet hoặc làm việc trực tuyến nhằm giảm bớt sự nhàm chán trong thời gian này.

Điều đó khiến nhiều công ty công nghệ hoạt động trong mảng game, các ứng dụng làm việc nhóm hoặc tư vấn sức khỏe được hưởng lợi.

“Các công ty game sẽ là những đơn vị hưởng lợi nhiều nhất trong thời gian bùng phát virus corona”, Jialong Shi, chuyên gia phân tích từ Nomura nhận định trong một báo cáo. Ông chia sẻ thêm đa số game tại Trung Quốc đều có sự gia tăng về lượng người chơi và thời gian chơi.

Đại dịch virus corona đang làm giàu cho ai? - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia nhận định các công ty game đang được hưởng lợi từ dịch corona. (Ảnh: SCMP).

Tựa game Honor of Kings do Tencent phát triển đang dẫn đầu bảng xếp hạng với số người dùng hoạt động hàng ngày hơn 100 triệu. Theo Nomura, con số này cao hơn nhiều so với mức thông thường khoảng 60-70 triệu người.

“Dự kiến, lượng người chơi có thể tiếp tục vì nhiều trường đại học tại Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ đến giữa hoặc cuối tháng 2. Sinh viên sẽ trở thành nhóm người dùng hàng đầu tham gia các trò chơi trực tuyến và game trên di động”, Shi nói.

Sinolinks Securities cũng đồng ý với quan điểm trên khi cho rằng các công ty game đang hưởng lợi nhiều nhất sau sự bùng phát của virus corona. Hãng đưa ra dự đoán tựa game Honor of Kings sẽ đạt 120-150 triệu người dùng hoạt động hàng ngày trong thời gian tới, mức cao nhất từ trước đến nay.

Gần đây nhất, một trò chơi đặc biệt là Plague Inc, đã thu hút nhiều sự quan tâm của người dân Trung Quốc. Tựa game 8 tuổi này đã trở thành ứng dụng trả phí hàng đầu trên iOS tại Trung Quốc, vì mô tả loại virus chết người lây lan trên toàn thế giới.

Bên cạnh các trò chơi, những video ngắn cũng trở thành nguồn giải trí cho người dân tại Trung Quốc. Các nền tảng này đang chứng kiến sự tăng trưởng lớn từ hàng triệu người dùng, những người không biết phải dùng thời gian rảnh rỗi của mình để làm gì khi ở trong nhà.

Các dịch vụ chia sẻ video không chỉ được dùng vào việc giết thời gian. Cư dân Vũ Hán, nơi bùng phát virus và hiện đã bị phong tỏa, sử dụng app video ngắn như Douyin và Kuaishou để đăng tải những tin tức mới nhất về tình hình dịch bệnh hoặc ghi lại cuộc sống hàng ngày của họ.

Ban đầu, kì nghỉ Tết âm lịch của người dân Trung Quốc dự kiến kết thúc vào ngày 31/1. Tuy nhiên, để hạn chế sự lây lan của virus corona, hàng loạt doanh nghiệp đã trì hoãn hoạt động kinh doanh, một số khác yêu cầu nhân viên của họ làm việc trực tuyến tại nhà. Điều này thậm chí đã dẫn tới sự quá tải của hàng loạt ứng dụng văn phòng như DingTalk của Alibaba, WeChat Work của Tencent, Slack-like Lark từ Bytedance hay WeLink từ Huawei.

Đại dịch virus corona đang làm giàu cho ai? - Ảnh 2.

Người dân Trung Quốc cũng đang quan tâm hơn đến các dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến. (Ảnh: SCMP).

Theo một tuyên bố được đăng tải gần đây trên mạng xã hội Weibo, các nhân viên của hơn 10 triệu công ty đã làm việc trên nền tảng DingTalk. Số lượng người dùng nhanh chóng vượt quá con số 200 triệu và đưa nó trở thành ứng dụng miễn phí hàng đầu tại Trung Quốc.

Chưa dừng lại ở đó, người dân Trung Quốc cũng đang có xu hướng sử dụng các dịch vụ tư vấn sức khỏe trên Internet. 

Theo phát ngôn viên của tập đoàn WeDoctor, họ đã cung cấp khoảng 777.000 lượt tư vấn trực tuyến trong khoảng thời gian từ 23-30/1. Người này cho biết thêm các tư vấn thường có chi phí từ 19-29 USD. Tuy nhiên, nó sẽ được miễn phí nếu liên quan đến virus corona.

Đến ngày 29/1, nền tảng này chia sẻ rằng họ đã xử lí 1,21 triệu lượt tư vấn sức khỏe trực tuyến trên toàn quốc. Con số trên tăng gấp 4 lần so với lượt tư vấn trong cùng kỳ năm ngoái.

 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.