Hàng không Việt thiệt hại ra sao do dịch virus corona?

Cổ phiếu mất giá, nhiều đường bay phải tạm ngừng khiến nhiều doanh nghiệp hàng không Việt Nam thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch virus corona.

Tạm dừng nhiều đường bay "vàng" đến Trung Quốc, khách quốc tế giảm do virus corona diễn biến phức tạp, hàng không Việt đang chịu nhiều thiệt hại.

Những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp khiến các cổ phiếu hàng không Việt Nam nhiều phiên giảm giá mạnh, thậm chí giảm sàn.

Giá cổ phiếu giảm

Cổ phiếu mã HVN của Vietnam Airlines trong giai đoạn từ 30/1 đến 6/2 đã giảm giá tới 6.600 đồng, tương đương mức giảm 20,12% giá trị. Điều này đồng nghĩa 1/5 vốn hóa thị trường, tương ứng hơn 9.300 tỉ đồng, của Vietnam Airlines đã bốc hơi chỉ trong một tuần.

Hàng không Việt thiệt hại ra sao do dịch virus corona? - Ảnh 1.

Cổ phiếu các doanh nghiệp hàng không mất giá do ảnh hưởng của dịch virus corona. (Ảnh: Hoàng Hà).

Tương tự, trong giai đoạn 30/1 đến 6/2, cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã giảm 19.500 đồng, tương đương mức giảm 12,97% giá trị. Việc cổ phiếu của Vietjet Air giảm giá 6 trên 7 phiên giao dịch trong giai đoạn 30/1 đến 6/2 khiến vốn hóa "bay hơi" 10.300 tỉ đồng.

Thiệt hại này đã được hạn chế nhờ phiên giao dịch tăng giá tốt của VJC ngày 4/2. Sau nhiều phiên giảm sàn, VJC đã quay đầu tăng giá 2,8% trong phiên giao dịch này.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã mất 13,24% giá trị cổ phiếu trong tuần qua. Giá cổ phiếu ACV đã giảm 9.000 đồng trong giai đoạn 30/1 đến 6/2, khiến doanh nghiệp mất gần 20.000 tỉ đồng vốn hóa trên sàn.

Những doanh nghiệp phụ trợ hàng không khác cũng ghi nhận cổ phiếu mất giá là Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (mã SAS, giảm 11,22% giá trị cổ phiếu), Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS, giảm 9,23%), Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT, giảm 4,62%), Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN, giảm 4,02%)...

Đây là mức thiệt hại đã được giảm thiểu nhờ hai phiên giao dịch khả quan ngày 5 và 6/2 giúp các doanh nghiệp này hồi phục phần nào giá trị cổ phiếu.

Nhiều đường bay "vàng" phải đóng cửa

Chiến lược đua mở đường bay tới khu vực Đông Bắc Á của các hãng hàng không Việt đã gặp khó khăn bởi dịch virus corona.

Các đường bay quốc tế mới của hàng không Việt Nam trong nửa cuối 2019 chủ yếu là bay thường lệ 2 chiều giữa các thành phố lớn của Trung Quốc và các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên đi vào hoạt động chưa lâu, các đường bay này đã phải tạm dừng vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hàng không Việt thiệt hại ra sao do dịch virus corona? - Ảnh 2.

Sụt giảm lượng hành khách cũng khiến các doanh nghiệp phụ trợ hàng không chịu thiệt hại. (Ảnh: Tùng Đoàn).

Vietnam Airlines mới đây đã thông báo sẽ tạm dừng khai thác thêm đường bay giữa Hà Nội và Ma Cao, Hong Kong từ ngày 6/2. Trước đó, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VietJet đã thông báo kế hoạch ngừng bay đến Trung Quốc.

Trước khi xuất hiện dịch bệnh do virus corona gây ra, 3 hãng hàng không của Việt Nam khai thác 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến (charter) đến 54 điểm tại Trung Quốc, tần suất 401 chuyến/tuần.

Với Vietjet Air, cũng thông báo ngừng tất cả đường bay đến Trung Quốc đại lục từ ngày 1/2, các đường bay quốc tế khác của hãng, kể cả đường bay đến Hong Kong và Đài Loan vẫn khai thác bình thường.

Cục Hàng không đã thông báo hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 13h ngày 1/2. Việc cấp lại phép bay cho các hãng sẽ được Cục Hàng không Việt Nam thông báo đến các hãng sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngừng đường bay, tăng chi phí phòng dịch, nhu cầu du lịch của hành khách sụt giảm mạnh dự kiến sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp này trong quý I. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp đều có chung khẳng định sẽ đặt sức khỏe của hành khách, người lao động và công tác phòng chống dịch lên ưu tiên hàng đầu, không có sự thỏa hiệp.


chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.