Các nền kinh tế châu Á sẽ ra sao khi virus corona đi qua?

Một số chuyên gia dự đoán sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á sau đại dịch cúm do virus corona sẽ hết sức chậm chạp. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế.

Eilynn Lew, người sáng lập Eilumina - một công ty chuyên cung cấp thiết bị phòng tắm, cho biết đầu năm thường là khoảng thời gian bận rộn của cô. Tham dự các triển lãm thương mại ở châu Âu, kí kết các thoả thuận kinh doanh, sau đó nhanh chóng sản xuất hàng hoá và xuất khẩu chúng từ Trung Quốc đi các thị trường khác. 

Tuy nhiên, năm nay Eilynn Lew không chắc doanh nghiệp của mình có thể hoàn tất các đơn đặt hàng hay không, vì các nhà máy tại Trung Quốc đều đang phải dừng hoạt động. 

Cuộc sống hàng ngày và các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã bị đảo lộn nghiêm trọng, với những biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan của chính quyền, như đóng cửa các nhà máy, kéo dài kì nghỉ, hạn chế việc đi lại và cách li toàn bộ thành phố. 

Một số công ty đã hoạt động trở lại và những doanh nghiệp khác cũng nói họ sẽ làm như vậy vào tuần tới, sau kì nghỉ Tết Nguyên đán dài nhất trong lịch sử. 

Nhưng những báo cáo về số ca nhiễm mới và số người chết do dịch bệnh vẫn tiếp tục tăng lên, điều đó khiến các doanh nhân như Eilynn Lew lo lắng, đặt ra câu hỏi liệu khi nào mọi thứ mới trở lại bình thường. 

“Nếu công nhân không sớm quay trở lại các nhà máy để làm việc, tất cả chúng ta đều sẽ gặp khó khăn”, cô nói.

Các nền kinh tế châu Á điêu đứng vì virus corona - Ảnh 1.

Một số chuyên gia dự đoán sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á sau đại dịch virus corona sẽ hết sức chậm chạp. (Ảnh: AP).

Kinh tế châu Á lao đao vì dịch bệnh virus corona tại Trung Quốc

Với tình thế của Lew, trong trường hợp xấu nhất khi sản lượng của nhà máy không thể đáp ứng kịp các đơn hàng, không những cô ấy sẽ bị mất doanh thu, mà còn phải bỏ ra số tiền khoảng 58.600 USD tổng chi phí mỗi tháng để duy trì doanh nghiệp. 

“Chúng tôi chỉ có thể đứng nhìn, không thể làm gì nhiều”, Lew chia sẻ.

Nỗi lo về thương mại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn đang hiện diện trên khắp châu Á. Nhà phân tích kinh tế thuộc Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan - Nonarit Bisonyabut, cho biết nếu kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, Thái Lan cũng cũng sẽ gặp khó. 

Hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hoá Thái Lan, bao gồm máy tính và linh kiện điện tử, sản phẩm hoá học, cao su và nhựa,…

Các nền kinh tế châu Á điêu đứng vì virus corona - Ảnh 2.

Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Tại New Zealand, các báo cáo cho thấy việc xuất khẩu gỗ đã bị dừng lại, và các công nhân được yêu cầu trở về nhà. Trong khi đó, các lô hàng tôm hùm và tôm càng sống, những mặt hàng được người Trung Quốc ưa thích trong các cuộc tụ họp gia đình vào Tết Nguyên đán, cũng bị đóng băng. 

Đến nay, virus corona đã giết chết hơn 1.000 người, và khiến hơn 43.100 người bị lây nhiễm, chủ yếu ở Trung Quốc đại lục. Con số người chết đã vượt quá đại dịc Sars năm 2003, theo Tổ chức Y tế thế giới. 

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Trung Quốc đã “bế quan toả cảng” các thành phố lớn, cấm các đoàn khách du lịch đến và đi tới nước này. 

Trung Quốc được biết tới là một gã khổng lồ về kinh tế, với tổng sản phẩm quốc nội GDP gần 14.000 tỉ USD trong năm 2018, tức chiếm khoảng 1/5 GDP toàn cầu, theo Ngân hàng thế giới. Ngoài ra, trong năm ngoái, hơn 68 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài. 

Do đó, các ngành du lịch, dịch vụ và sản xuất của nhiều quốc gia được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. 

Các nền kinh tế châu Á điêu đứng vì virus corona - Ảnh 3.

Các ngành du lịch, dịch vụ và sản xuất của nhiều quốc gia được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. (Ảnh: EPA).

Warwich Mckibbin, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Quốc gia Austraylia, cho biết ước tính thiệt hại kinh tế toàn cầu do virus corona gây ra sẽ gấp từ 3-4 lần so với cú đánh 40 tỉ của đại dịch Sars năm 2003, thời điểm mà GDP Trung Quốc chỉ chiếm 9% so với GDP toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu của Nomura dự đoán tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong quý đầu năm nay sẽ giảm mạnh, lớn hơn 2 điểm phần trăm so với đại dịch Sars. Trong khi đó, các nhà kinh tế của Bloomberg dự báo, mức tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 4,5%.

Trong một báo cáo hồi tháng 1/2020, các nhà phân tích tại Maybank Kim Eng, cho biết trong khu vực ASEAN, Singapore và Thái Lan có khả năng chịu thiệt hại nhiều nhất từ đợt dịch bệnh này. Do 2 nơi này có một nền kinh tế thị trường khá mở và thương mại, du lịch bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. 

Trong khi đó, nền kinh tế của  Malaysia và Việt Nam cũng có thể bị tác động, nhưng thấp hơn. Và Indonesia, Philippines là hai quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất. 

Ngân hàng DBS của Singapore cho biết họ đang hạ mức dự báo GDP thực tế của quốc đảo này trong năm 2020, từ 1,4% xuống còn 0,9%, do những tác động từ tiêu dùng, du lịch và chuỗi cung ứng trong khu vực bị gián đoạn.

 Ngành du lịch châu Á phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc

Sự bùng phát của đại dịch do virus corona gây ra được ví như một đám mây đen đối với ngành công nghiệp du lịch toàn cầu. Bởi Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về du lịch nước ngoài. 

Khách Trung Quốc là nguồn khách nước ngoài lớn nhất đến Thái Lan vào năm ngoái. 11 triệu khách du lịch Trung Quốc đã mang về doanh thu khoảng 17,6 tỉ USD cho ngành du lịch Thái Lan.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng và lượng khách Trung Quốc sụt giảm, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt các biện pháp, bao gồm giảm thuế cho các nhà khai thác du lịch, đẩy mạnh các chiến dịch xúc tiến du lịch tại các thị trường mới nổi,…

Giám đốc cơ quan du lich Thái Lan, Yuthasak Supasorn, cho biết từ nay đến hết tháng 4, Thái Lan sẽ chứng kiến lượng du khách Trung Quốc giảm 80%, và khoảng 95 tỉ baht cũng theo đó mà bị bốc hơi. 

Các nền kinh tế châu Á điêu đứng vì virus corona - Ảnh 4.

Sự bùng phát của đại dịch virus corona được ví như một đám mây đen đối với ngành công nghiệp du lịch toàn cầu, bởi Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về du lịch nước ngoài. (Ảnh: EPA).

Ông hi vọng Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm trong vòng 3 tháng tới, nhưng cho biết các doanh nghiệp lữ hành cũng sẽ phải mất thêm vài tháng tiếp theo, để phục hồi các hoạt động kinh doanh như bình thường. 

Ongart Saejang, một công ty lữ hành tại Phuket, Thái Lan, cho biết vẫn còn một số du khách Trung Quốc mắc kẹt trên đảo, do Thái Lan đã dừng việc khai thác chuyến bay tới các thành phố tại Trung Quốc đến cuối tháng này. 

“Nếu không có khách Trung Quốc, hơn 2.000 hướng dẫn viên nói tiếng Quan thoại trên đảo sẽ đứng trước nguy cơ mất việc”, ông nói. 

“Phuket là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch Trung Quốc. Hòn đảo này thường chào đón hàng trăm du khách Trung Quốc mỗi ngày”, Saejang nói thêm.

Tại Australia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Josh Frydenberg đã cảnh báo, dịch bệnh do virus corona ở Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Australia. 

Các nền kinh tế châu Á điêu đứng vì virus corona - Ảnh 5.

Trong khi đó tại Nhật Bản, các nhà kinh tế ước tính dịch bệnh sẽ là một cú đánh kinh tế trị giá gần 1,85 tỉ USD cho nước này. (Ảnh: The New York Times).

“Trước mắt, virus corona đã gây thiệt hại 1 tỉ USD cho ngành du lịch Australia mỗi tháng, và khiến các ngành công nghiệp khác gặp khó khăn. Số lượng sinh viên quốc tế giảm hẳn, và kinh doanh xuất khẩu thuỷ sản dường như bị đóng băng”, Frydenberg nói.

Tại Nhật Bản, nơi 1/3 khách du lịch nước ngoài đến từ Trung Quốc, chiếm hơn 40% doanh thu du lịch mỗi năm, các nhà kinh tế ước tính dịch bệnh sẽ là một cú đánh kinh tế trị giá gần 1,85 tỉ USD cho nước này.

Tại Singapore, chính quyền cho biết lượng khách Trung Quốc đã giảm 80% kể từ khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế với việc đi du lịch nước ngoài của người dân. Singapore đang chuẩn bị một gói cứu trợ tài chính, để đối phó với tác động của đại dịch lên nền kinh tế. 

Nước này cũng công bố một loạt các giải pháp cho ngành du lịch, như miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lí du lịch và hướng dân viên. 

Các Bộ trưởng tại đảo quốc sư tử cũng hứa sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn khi các chuyến bay tới Trung Quốc đều bị cắt giảm. 

Đâu là giới hạn cho các nền kinh tế?

Alex Feldman, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN, cho biết các doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng về những tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế.

“Không thể thay đổi chuỗi cung ứng chỉ sau một đêm”, ông nói. 

“Bạn không thể nhấc bổng một nhà máy trị giá hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ USD, và dễ dàng đặt nó xuống ở một nơi khác được. Những điều này cần phải có thời gian. Bất động sản cần có thời gian để xin được giấy phép, các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng thế. Tuy nhiên, điều này càng kéo dài, tác động của nó tới nền kinh tế càng sâu rộng hơn”, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN nói.

Các nền kinh tế châu Á điêu đứng vì virus corona - Ảnh 6.

Các nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Tuy nhiên, giữa bức tranh xám xịt, nhiều nhà phân tích vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng dịch bệnh sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế châu Á. 

Nhà phân tích người Thái Lan Nonarit cho biết, tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong vòng 6 tháng. “Mặc dù virus này dễ lây lan hơn Sars nhưng lại có nguy cơ tử vong thấp hơn và chính phủ Trung Quốc cũng chia sẻ nhiều thông tin hơn so với đại dịch Sars năm 2003”, ông nói.

Aksornsri, Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Thammasat, nói rằng thoả thuận thương mại tạm thời Mỹ - Trung được kí kết vào tháng trước, sẽ tạo tiền đề cho mối quan hệ giữa hai siêu cường thế giới trở nên suôn sẻ hơn. 

“Điều này sẽ giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế”, vị Phó Giáo sư nói.

“Khi Trung Quốc vật lộn với dịch Sars năm 2003, họ vẫn đạt tăng trưởng GDP 10%”, Aksornsri nói thêm.

Jarreporn Jarukornsakul, Giám đốc điều hành của công ty bất động sản WHA Group chỉ ra rằng, việc di dời các nhà máy, công xưởng sản xuất tại Trung Quốc sang Thái Lan là những dự án được xác định là dài hạn ngay từ ban đầu. Do đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch bệnh. 

Maybank Kim Eng kì vọng sự tăng trưởng của Singapore sẽ phục hồi trong quý thứ 2 của năm, khi dịch bệnh được kiểm soát, và chính phủ nới các hoạt động xuất nhập cảnh. 

Các nền kinh tế châu Á điêu đứng vì virus corona - Ảnh 7.

Tác động kinh tế của dịch bệnh tại Vũ Hán sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta hiện thấy. Bởi đây không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc. Nó đã trở thành vấn đề của khu vực, của toàn cầu. (Ảnh: Business Insider).

Tuy nhiên, Irivn Seah tại ngân hàng DBS của Singapore, lại cho rằng với tình thế hiện tại thì còn quá sớm để nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. 

“Tôi không biết dịch bệnh sẽ còn kéo dài bao lâu hoặc nghiêm trọng đến mức nào. Dịch bệnh trước hết sẽ làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương, từ đó ảnh hưởng tới mức chi tiêu của người tiêu dùng, nhu cầu nội địa, cũng như năng suất sản xuất. Nhiều công nhân cũng sẽ phải ở lại nhà lâu hơn. 

Sau đó, tác động kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta hiện thấy, bởi đây không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc. Nó đã trở thành vấn đề của khu vực, của toàn cầu”, Irivn Seah nói.

Đây cũng là điểm mà Darren Lum, Giám đốc của Star Engineers United tại Myanmar lo lắng.

Hiện tại ông cho biết các hoạt động kinh doanh của mình không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vì công nhân là người địa phương, các nguồn nguyên liệu cũng nhập từ các nhà cung cấp của Myanmar. “Tôi cũng có làm việc với các nhà thầu Trung Quốc, nhưng các cuộc thảo luận kinh doanh vẫn có thể được thực hiện từ xa”, Lum chia sẻ.

Trong khi đó, các công ty châu Á có hoạt động tại Trung Quốc hiện không có lựa chọn nào khác, ngoài việc đứng nhìn và giữ thái độ tích cực, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, viết.