1- Tôi ở Đức, gặp T (nay T đang sống bán miến cạnh Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam). Tôi cưu mang hắn khá nhiều lần, chỉ vì hắn rất yêu mẹ. Hắn chắt chiu gửi tiền về cho mẹ chứ không yêu chỉ bằng mồm.
Rồi một đêm mưa tuyết, T kể hắn căm thù bố vì bố hắn đánh mẹ hắn rất bạo lực.
T kể năm hắn bé, bố hắn đánh mẹ, hắn can, bố chọc cả đôi đũa vào mắt hắn tí mù. T nói, không bao giờ em quên ngày hôm đó, bữa cơm đó.
Tôi phân tích cho hắn về bản ngã của thằng đàn ông ít học, gia trưởng và khuyên giải hắn rũ bỏ...
Hình ảnh cô giáo bắt nam sinh lớp 9 quỳ trong lớp học tại trường THCS Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội gây xôn xao dư luận (Ảnh: Tiền phong).
Sống ở Chợ Giời từ 1953, thành phần rất phức tạp. Không chỉ là con em viên chức như kiến trúc sư, giáo viên mà còn có bà con kẻ chợ, có người ở các chiến khu về; khu lao động Vạn Phúc, Thanh Nhàn toàn người rất nghèo. Nên trẻ em hay bắt nạt nhau. Tôi cũng vì thế chịu ảnh hưởng. Thích đánh nhau bạo lực. Nó hình thành tính cách, sẵn sàng ăn thua đến đổ máu.
2-Tôi cũng được sống trong bạo lực. Mẹ tôi đánh đòn rất nhiều. Nhưng cha tôi lại luôn lấy giảng dạy, răn dạy cho con cái giác ngộ. Mẹ tôi đánh vì tôi nghịch lắm. Có lần mẹ tôi dẫn tôi tới chùa Quán Sứ chỉ cảnh địa ngục và bảo, con cái bất hiếu không nghe lời cha mẹ phải chịu trừng phạt dưới âm ti thế này! Tôi nhỏ bé nên không biết sợ.
Nhưng đời tôi may là chưa ai sỉ nhục, thầy cô đều Tây học, nên chưa bao giờ bị nhục bắt quỳ.
Nhưng xu hướng trừng phạt bằng bạo lực ăn sậu vào não trạng tôi, để khi lấy vợ, con gái quá bé, cá tính, đời sống lại quá khó khăn phải làm việc rất nhiều để có tiền khi mà con tôi bị bệnh bó cơ tứ đầu đùi. Vì thế khi bức xúc, cháu không nghe lời, hoặc cãi mẹ, tôi hay dạy cháu bằng roi vọt. Vụt cháu rất tàn nhẫn khi tôi như một thằng điên.
Rồi tôi ảnh hưởng từ cha tôi, nghe ông khuyên giải, kể cả những khi sang Đức bị chém với sẻng 17 nhát, tôi ngồi trong ô tô quan sát kẻ thù, hút hết 1 bao thuốc, mưu kế định phục kích lại, giết kình địch với tất cả kĩ năng chiến đấu, tiền nhập phục kích, học ở quân đội...
Tôi ở Đức, 10 năm đọc, không viết, tìm nhiều sách Á, Âu, Ấn... đọc sách thánh hiền, sách Phật Bồ Đề Đạt Ma... và tìm hiểu văn minh loài người, chợt nhận ra bạo lực là xấu, rất xấu.
Nhất là khi tôi ra thế giới, thấy người ta tôn trọng trẻ em, con người. Nhớ con cả tôi xám hối, ân hận.
Tôi tự nhìn vào tôi, khám phá tôi, thấy bản ngã xấu xí của mình: Bạo lực đã ngấm vào để khi không kiềm chết sẵn sàng hơn thua, thậm chí nếu bị sỉ nhục, sẵn sàng giết ngay kẻ sỉ nhục…
Tôi tự xấu hổ, trước tiên, thề không đánh trẻ em.
Tôi sinh thêm 2 đứa, đứa thứ hai chỉ quấn báo dọa, nó đã sợ. Đến thằng Bọ Gậy bây giờ dù nó có lúc bướng quá, chỉ nghe mẹ tôi, vẫn kiên trì gần nó.
Cách đây 10 năm tôi về, chính thức dũng cảm nói lời xin lỗi con gái cả. Rồi có lần bàn về trẻ em, tôi xin lỗi cháu công khai trước rất nhiều cử tọa ở 1 hội nghị viện Goethe. Nói lời sám hối xin lỗi cháu tôi nghẹn ngào, lời xin lỗi muộn màng! Tôi nhẹ bớt gánh nặng và có thể quan hệ giữa tôi và con cả, ngoài tình cha con, chúng tôi như bè bạn. Nó có thể nói tôi nghe tất cả hạnh phúc và khổ đau đã qua và những gì nó trăn trở ưu tư.
Mọi người hãy tin tôi đi. Việc giáo dục bằng bạo lực, nhất là sỉ nhục trẻ, như cho uống nước giặt rẻ lau, bắt quỳ có thể không làm trẻ căm thù ngay cha mẹ, không căm thù ngay thày cô nhưng về tâm lí, đó là dấu ấn để mầm ác mọc... Một là cho trẻ coi bị nhục chả là gì thì sẵn sàng làm nhục kẻ khác. Hai là nó tự nhiên hình thành một Bản Ngã xấu để khi có cơ hội phát triển, sẽ xấu, ác đến khôn lường.
Nền giáo dục ở ta đang thiếu một triết lý giáo dục. Điều tối từ quan trọng ở giáo dục phổ thông không chỉ là Toán và Hóa, Lý và Sinh vật. Quan trọng nhất là xác lập Tính Thiện để tạo ra con người có nhân cách. Vì thế có lần giáo dục định bỏ bớt giờ Văn... Chao ơi bỏ văn thì con người ra cái giống gì?
Thế kỉ 21 mà rất nhiều giáo viên, trí thức, nhà văn, nhà thơ còn mơ hồ ngụy biện về bạo lực, khi mà thế giới văn minh ghê tởm nó./.