Sau khi xây bể bơi tốn kém, anh Việt (quận Long Biên, Hà Nội) còn phải trả khoảng 4 triệu tiền điện, nước, hóa chất, vệ sinh mỗi tháng... Tuy nhiên, thời gian sử dụng bể của gia đình chỉ tập trung trong 2 tháng hè. Anh Việt chia sẻ trải nghiệm tốn kém của mình:
Nhà tôi ở vùng ven Hà Nội, có mảnh đất rộng 250 m2. Bởi vậy, khi lên kế hoạch xây dựng, tôi dự định chỉ xây nhà khoảng 90 m2, phần diện tích còn lại để làm sân vườn. Gia đình tôi có 2 người lớn, 2 trẻ nhỏ đều biết bơi, trong khi khu vực quanh nhà không có bể công cộng. Bởi vậy, tôi quyết tâm đầu tư làm một bể bơi rộng 40 m2 ở trong khuôn viên.
Tôi xác định nhà ở lâu dài, phải đầu tư cẩn thận, nguyên vật liệu tốt. Bởi vậy, trước khi xây bể, tôi gọi điện tới rất nhiều công ty khác nhau. Trước đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, đào bể, ốp gạch, lắp đặt thiết bị lọc là có được bể bơi. Tới lúc đi tham khảo thị trường, tôi mới biết hạng mục này có quá nhiều thiết bị, giá tiền cũng chênh lệch nhau rất nhiều.
Có công ty báo giá cả thi công xây bể lẫn lắp đặt các thiết bị để bể vận hành tốt lên tới 12 triệu một m2. Như vậy, bể bơi nhà tôi ngốn hết 480 triệu đồng.
Dù nghe quảng cáo gạch mosaic nhập khẩu, thiết bị lọc bảo hành 3 năm... nhưng tôi đành ngậm ngùi từ chối.
Sau đó, gia đình tôi chốt một công ty có giá rẻ hơn nhiều. Họ tính tiền thi công bể riêng (5 triệu đồng một m2), cả bể hết 200 triệu đồng. Sau đó, tôi chọn mua gói thiết bị lọc, máy bơm, đèn led, máy massage... hết gần 100 triệu. Tổng chi phí cho bể bơi hết 300 triệu.
Bể bơi được hoàn thành vào đúng dịp hè, khi các con được nghỉ học. Bởi vậy, cả nhà thường xuyên dậy sớm bơi lội cùng nhau rồi ăn sáng. Gia đình tôi cũng rất hào hứng giới thiệu với họ hàng, người quen tham quan công trình ngốn khá nhiều tiền.
Mỗi tháng, gia đình tôi đều đặn phải chi khoảng 4 triệu cho bể gồm tiền điện chạy máy bơm, tiền nước xả, tiền hóa chất khử trùng, tiền nhân công vệ sinh.
Dù khoản tiền định kỳ này không hề nhỏ nhưng tôi vẫn chấp nhận vì thấy cả nhà đều vui vẻ.
Nếu không có hệ thống lọc nước tốt, vệ sinh định kỳ, bể sẽ bị tảo, rêu mốc. Ảnh minh họa: SPT. |
Tuy nhiên, sau 2 tháng hè, các cháu bắt đầu đi học lại nên cũng chỉ tranh thủ bơi lội vào cuối tuần. Vợ tôi kêu tóc bị khô nhiều và phải chuẩn bị đồ ăn sáng cho các con nên cũng thỉnh thoảng mới ra bể.
Sang tới mùa đông, bể bơi ngoài trời lạnh cóng nên cả gia đình hầu như không bơi lội gì nữa. Nhưng việc lọc nước, vệ sinh vẫn phải làm và chúng tôi bắt đầu phải bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động tốt. Bể không sử dụng mà vẫn phải trả tiền nên tôi bắt đầu thấy xót ruột.
Thêm nữa, gần bể bơi nhà tôi có nhiều cây cối bao quanh. Vào mùa thu đông, gió thổi nhiều nên bể lúc nào cũng có lá rụng. Gia đình tôi khi ấy thuê làm vệ sinh 3 ngày một lần nhưng vẫn không xuể. Bởi vậy, tôi và bà xã phải luân phiên tự đi vớt lá.
Tôi tính, nếu một năm chỉ dùng bể 2-3 tháng thì sao phải bỏ tầm 40 triệu cho 9 tháng để không? Bởi vậy, tôi quyết định ngưng hệ thống bơm lọc trong thời gian đó. Nhưng đây lại là quyết định rất sai lầm vì bể bắt đầu xuất hiện các loại rong rêu mốc trông rất bẩn. Tôi đành rút nước để bể khô cạn, thành chỗ tụ lá trong vườn. Cứ mấy ngày, hai vợ chồng lại phải xuống quét dọn khu vực bể rộng 40 m2 này.
Bể bơi là khu vực cần làm thường xuyên, nhất là khi bố trí ở nơi có nhiều cây. Ảnh minh họa: DST. |
Sau 2 năm xây dựng, thời gian sử dụng bể bơi của gia đình nhiều nhất là những ngày đầu lắp đặt. Trải qua hết mùa thu, đông, xuân lạnh, sang tới mùa hè năm sau, số lần bơi cũng không còn nhiều nữa. Tâm lý có bể sẵn dùng lúc nào cũng được nên chúng tôi dành thời gian cho việc ngủ, đi chơi bên ngoài nhiều hơn.
Bể bơi trải qua thời gian dài "nghỉ đông" vận hành lại cũng gặp một số trục trặc. Lúc thì cấp nước vào bể chậm, lúc máy bơm kêu ầm ầm... khiến tôi phải tốn thêm tiền bảo trì.
Tốn tiền cho một hạng mục không hiệu quả, nên hiện tại, tôi tính tới nước thuê thợ về sửa thành một hồ cá tiểu cảnh trang trí ngoài trời.
KTS Nguyễn Văn Hoàng cho biết, hiện nay, rất nhiều gia đình có đất rộng ở thành phố quyết định làm bể bơi.
Tuy nhiên, đây là một trong những hạng mục xây dựng tốn kém nhưng hay bị bỏ phí nhất ở Việt Nam, nhất là khu vực phía Bắc.
Một bể bơi nhỏ tầm 30-40 m2 có thể tốn từ 200 triệu trở lên, nếu thiết bị và nguyên vật liệu xịn, số tiền có thể lên tới 500-600 triệu. Ngoài ra, mỗi tháng, bạn sẽ phải chi trả tiền điện, nước, hóa chất, vệ sinh bể. Việc xây bể trong nhà, trên sân thượng còn đòi hỏi phải tính toán kết cấu nhà để đảm bảo an toàn.
Điều quan trọng nhất là gia chủ cần xác định tần suất sử dụng bể bơi của gia đình. Nếu mỗi năm, bạn chỉ sử dụng bể trong một vài tháng thì không nhất thiết thi công hạng mục này. Đặc biệt là các gia đình ở miền Bắc có mùa đông rét kéo dài; thời tiết mùa thu và mùa xuân cũng se lạnh.
Trước khi xây bể, các chủ nhà nên tới tham khảo một vài hộ đã lắp đặt bể để tìm hiểu các trải nghiệm. Nếu vẫn kiên quyết muốn sử dụng bể bơi, bạn nên dự trù các giải pháp để có thể sử dụng được nhiều thời gian hơn như lắp đặt mái che, sử dụng thiết bị làm nóng nước...
An Yên
XEM THÊM
Ảnh chế Hà Nội thơ mộng như một bể bơi lớn trong cơn mưa
Cơn mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 20 đến ngày 21/7 đã khiến cho nhiều con đường Hà Nội ngập trong biển nước, ô ... |
Bán ôtô đi taxi đi làm mỗi ngày, tôi tiết kiệm được 1 nửa số tiền 'nuôi xe' hàng tháng
Sau khi quá mệt mỏi vì những phiền phức khi sở hữu một chiếc bốn bánh, tôi quyết định bán xe và đi taxi đi ... |
Có 300 triệu liều mua chung cư Hà Nội: Nỗi sợ không đêm nào ngủ ngon
Thu nhập khoảng 15 triệu cộng với tiền tích cóp được 300 triệu, vợ chồng tôi có nên 'quyết một phen' mua chung cư giá ... |
Nghẹt thở với "biển người" bơi trong bể không còn chỗ trống ở Trung Quốc
Hàng trăm người cùng lúc thả mình trong một bể bơi ở Trung Quốc khiến nơi này không còn chỗ trống. |