Ảnh minh họa. (Nguồn: Br.fokuzz.com)
Nắng nóng kéo dài nhiều ngày tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây bệnh, nhiều căn bệnh ngoài da xuất hiện làm cơ thể khó chịu, rôm sảy là một trong những bệnh lí phổ biến thường xuyên hành hạ, quấy nhiễu trẻ em những ngày này.
Nhiều bà mẹ đang than phiền cầu cứu về tình trạng rôm sảy của con họ khi thời tiết chuyển nóng gay gắt.
Chị Nguyễn Thị Hà, 28 tuổi, ở Bạch Mai, Hà Nội chia sẻ, nắng nóng liên tiếp những ngày gần đây làm con gái chị nổi đầy rôm ở vùng cổ và lưng.
"Bé nhà mình được 17 tháng, Hà Nội nắng liên tục mấy hôm nay làm cổ và lưng cháu nổi nhiều nốt rôm đỏ gây ngứa ngáy, khó chịu cả ngày. Cháu lại còn nhỏ không gãi được nên cứ quấy khóc không chịu ăn uống, đêm ngủ không ngon", chị Hà cho hay.
Cùng tình trạng con bị rôm sảy "tấn công" như chị Hà, chị Nguyễn Thị Diệu, 31 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trời nắng nóng làm con chị nổi các nốt rôm nước, rôm mủ trên người và ở cả các kẻ tay, chân.
"Bé bị ngứa nên gãi làm vỡ các nốt rôm. Con càng gãi rôm các mọc nhiều, càng khó chịu hơn nữa. Mình có bôi thuốc nhưng con không đỡ, nốt rôm bị vỡ, lan rộng làm con cả đêm ngu không ngon"m chị Diệu cho biết.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, bệnh rôm sảy phát triển, các bạn có thể tham khảo một số thông tin về bệnh lí và cách phòng bệnh dưới đây để đảm bảo sức khỏe cho con nhỏ.
Thông tin được Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế) đăng tải, rôm sảy là tình trạng viêm da, tổn thương da xảy ra trong thời tiết nóng, ẩm ướt. Khi bị rôm trên da xuất hiện những mụn nước, các nốt màu đỏ, nhỏ như đầu đinh ghim hoặc lớn hơn một chút, các mụn nước, mụn đỏ thường tập trung thành từng đám trên nền da.
Các vết mẩn đỏ do rôm sảy thường biểu hiện trên cổ, ngực và nếp gấp ở khuỷu tay, khuỷu chân. …, đôi khi có các mụn nước rải rác toàn thân.
Rôm sảy thường không gây đau đớn, nhưng gây cảm giác châm chích dai dẳng làm cơ thể khó chịu, một số mụn có thể gây đau khi bạn chạm vào. Thường thì người bị rôm sảy sẽ cảm thấy ngứa hay gãi nên dễ làm tổn thương da.
Xem thêm: 'Đẩy lùi' rôm sảy cho trẻ mùa nắng nóng
Ảnh minh họa. (Nguồn: Beta).
Rôm sảy là tình trạng rất phổ biến vào mùa nắng nóng, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng trẻ nhỏ thường mắc bệnh này nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng này:
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, rôm sảy xuất hiện khi ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn, nhất là ở trẻ nhỏ khi ống dẫn mồ hôi chưa trưởng thành.
Khi trời nóng mồ hôi ra càng nhiều, nhu cầu nước càng lớn, nếu không uống đủ lượng nước cần thiết để giúp gan thải độc thì cũng có thể sinh bệnh về da, trong đó rôm sảy là bệnh phổ biến nhất.
Bên cạnh đó, trong thời tiết nắng nóng, hoạt động thể chất quá nhiều làm đổ mồ hôi, làm da luôn ẩm ướt, đặc biệt nếu không mặc quần áo có thể làm cho mồ hôi bốc hơi thì có thể gây rôm sảy.
Việc mặc quần áo quá chật, bị bí hơi, ở nhiều trong phòng kín, nằm quá lâu trên giường có thể làm trẻ nổi rôm.
Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể bị nổi rôm ngứa. ( Nguồn: BNC Medipharm)
Trong thời tiết nắng nóng liên tục như những ngày gần đây, để tránh bị các bệnh ngoài da, đặc biệt là rôm, các bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau đây được tư vấn bởi chuyên gia Da liễu:
Mặc quần áo rộng, thoáng mát che chắn tốt giúp da không bị ẩm ướt, thấm hút mồ hôi tốt sẽ làm cơ thể thoải mái, không bị nóng dễ gây rôm sảy.
Tránh ra đường vào lúc nắng gắt, không sử dụng những loại kem chống nắng chứa nhiều dầu làm gây tắc lỗ chân lông, da không thoát được mồ hôi.
Ngồi trong phòng có máy lạnh để tránh nóng, sử dụng xà phòng kháng khuẩn hoặc nước rửa sát trùng để giúp giảm số lượng vi khuẩn trên da.
Nên ăn nhiều thức ăn mát như, rau, củ, quả, uống nhiều nước lọc, nước mát như bột sắn dây, chè đậu đen, canh mồng tơi, nước rau má, nước cam, nước chanh…để làm dịu cơ thể.
Không nên dùng xà phòng, sữa tắm để tắm có thành phần làm khô da để tắm. Nên tắm rửa nhẹ nhàng bằng nước lạnh, nước chanh pha loãng,…
Với trẻ nhỏ khi xuất hiện rôm sảy nên dùng nước ấm tắm cho trẻ, kì cho trẻ bằng lòng bàn tay, không dùng khăn hay loại lá, thuốc, kì mạnh - đắp lên da, tránh làm tổn thương các nốt rôm, làm cho bệnh nặng lên.
Trong hầu hết các trường hợp, rôm sẽ tự hết trong một vài ngày. Nếu rôm sảy phát triển nặng hơn cha mẹ nên đưa bé đi khám để bác sĩ kiểm tra và tìm ra phương pháp điều trị kịp thời.