(Ảnh: Tuổi trẻ) |
Hội chứng ống cổ tay là một rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp nhất, khoảng 3% người trưởng thành ở Mỹ có biểu hiện hội chứng này được James Paget mô tả từ giữa thế kỷ 18. Ða số bệnh nhân hay than phiền về việc các ngón tay bị đau, cảm giác tê rần xuất hiện sau một chấn thương vùng cổ tay hay cơn đau thấp khớp. Ðặc biệt, người ta thấy hội chứng này xuất hiện vào giữa hay cuối thai kỳ của nhiều sản phụ.
PGS.BS Trần Trung Dũng, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội - Giảng viên ĐH Y Hà Nội cho biết: “Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh bị chèn ép ở vùng cổ tay. Do đó, dẫn đến khó chịu ở vùng bàn tay và cổ tay. Những biểu hiện ban đầu thường gặp là bị tê ở các ngón tay. Nếu dây thần kinh bị chèn ép lâu dài có thể dẫn đến tình trạng bị teo các cơ do dây thần kinh đó chi phối."
Những người dễ mắc hội chứng ống cổ tay là người thường xuyên sử dụng máy tính như nhân viên văn phòng, nhà văn, nhà báo, biên tập viên... Một số người lao động dùng các dụng cụ có độ rung như máy dầm đường, máy cưa… cũng dễ mắc hội chứng ống cổ tay, yếu tố bệnh lý (đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp..)
Triệu chứng điển hình của hội chứng ống cổ tay là tê, đau bàn tay; có cảm giác như châm chích chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón áp út; cảm thấy đau lan lên cánh tay, vai. Các triệu chứng thường bắt đầu dần dần mà không có một chấn thương cụ thể. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng nặng hơn về phía ngón tay cái của bàn tay.
Cảm giác tê bì, đau nhức các ngón tay nhất là sáng ngủ dậy hay lúc chạy xe là tình trạng bệnh lý hay gặp được gọi là: Hội chứng ống cổ tay. (Ảnh: Bệnh viện Việt Pháp) |
Các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường xuất hiện vào ban đêm. Ban ngày, triệu chứng thường xảy ra khi đang cầm nắm một vật gì đó, như điện thoại hoặc khi đọc sách hay lái xe... Theo thời gian, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn, bệnh nhân cảm giác bàn tay trở nên vụng về, yếu và mất tinh tế như khó viết, khó cài khuy áo. Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân đánh rơi đồ vật đang cầm trên tay, để lâu sẽ xuất hiện teo cơ ở gò cái bàn tay.
PGS.BS Trần Trung Dũng cho biết thêm: “Hội chứng ống cổ tay sẽ dẫn đến những khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Về lâu dài, chèn ép sẽ dẫn đến teo cơ, đặc biệt là các cơ liên quan đến ngón tay cái, làm giảm chức năng của bàn tay. Khi có những dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay cần đi thăm khám sớm. Khi chưa cần phẫu thuật thì người bệnh cần duy trì các bài tập, các loại thuốc để hỗ trợ dinh dưỡng cho thần kinh, giúp tình trạng không nặng thêm. Bên cạnh đó, cần theo dõi thường xuyên, liên tục để khi thấy hiệu quả của các biện pháp không còn hiệu quả nữa thì phải can thiệp, giải phóng ngay, không nên để muộn vì như thế việc hội phục thần kinh không được tốt như bình thường hoặc kéo dài”.
Biểu hiện của hội chứng ống cổ tay không được điều trị (các cơ bàn tay bị teo đét). (Ảnh: iythealth) |
Trong các trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay nhẹ thì phương pháp điều trị đầu tiên là hạn chế các hoạt động có thể làm nặng thêm các triệu chứng, tăng khoảng thời gian nghỉ ngơi khi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại hoặc thay đổi các tư thế mà bệnh nhân thường sử dụng khi hoạt động. Bệnh nhân có thể tự sử dụng nẹp cổ tay vào buổi tối để giữ cho cổ tay thẳng.
Nếu các triệu chứng không thuyên giảm trong vài tuần hoặc nặng thêm thì bệnh nhân nên đến các chuyên gia y tế để được điều trị. Việc điều trị bao gồm thuốc và loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn gây nên hội chứng ống cổ tay.
Phẫu thuật cũng là một phương pháp đề điều trị hội chứng ống cổ tay cho những bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay mà không cải thiện sau 12 tháng điều trị bảo tồn. Phẫu thuật gồm việc cắt dây chằng ngang cổ tay, mở rộng ống cổ tay và làm giảm áp lực tác động lên thần kinh giữa. Phẫu thuật thường thành công tuy nhiên trong một số trường hợp không làm giảm tê hoặc đau.
Việc chẩn đoán sớm các nguyên nhân tiềm ẩn giúp cho việc cải thiện các triệu chứng và ngăn chặn sự tổn thương vĩnh viễn của thần kinh giữa được tốt hơn.
(Ảnh: Taringa) |
Để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay, các cơ bắp cần phải có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn.
- Tránh động tác lặp đi lặp lại gập duỗi cổ tay, không dùng chuột vi tính lâu, dùng miếng lót cổ tay silicon khi dùng bàn phím đánh máy…
- Thường xuyên tập thể dục nhất là với những người mà công việc bắt buộc phải ngồi nhiều hoặc phải thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại ở cổ tay. Khi làm việc nên ngồi ở tư thế đúng, thỉnh thoảng thay đổi tư thế hoặc đứng lên đi lại.
- Nên duy trì cân nặng vừa phải, không hút thuốc và tập thể thao để duy trì sức khỏe và sự dẻo dai.
- Có thể uống Omega 3 làm tan mỡ, uống Vitamin B3 giúp lưu thông thần kinh tốt.
- Tập thể dục thư giãn cổ tay: chống bàn tay lên mặt phẳng bàn, tập gập căng cổ tay, giữ vài giây. Tập giữa các giờ làm việc.
- Cần điều trị dứt điểm các bệnh lý có thể gây hẹp ống cổ tay: gãy xương vùng cổ tay, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân…
- Nếu bị các bệnh mãn tính như thấp khớp hoặc tiểu đường thì nên làm theo lời hướng dẫn của các chuyên gia y tế để giữ tình trạng bệnh trong khả năng kiểm soát.
- Khi thấy có sự xuất hiện các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thì nên dừng hoặc giảm các hoạt động gây áp lực lên ngón tay, bàn tay, cổ tay hoặc cố thay đổi tư thế hoạt động.
Bài tập giúp phục hồi ống cổ tay (Ảnh: Zing) |
Cần cẩn thận với các căn bệnh xương khớp trong mùa lạnh | |
Nỗi lo của người bị đau nhức xương khớp khi thời tiết lạnh |