Theo đồ án quy hoạch xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, vùng huyện Phù Cát bao gồm hai thị trấn và 16 xã thuộc huyện Phù Cát với tổng diện tích hơn 680 km2.
Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 245.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 86.200 người; đến năm 2040, dân số đạt khoảng 300.000 người, dân số nội thị khoảng 113.500 người.
Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 2.184 ha và tăng lên 2.493 ha vào năm 2040.
Định hướng phát triển không gian sẽ gồm ba phân vùng. Cụ thể, phân vùng công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ hậu cần sân bay nằm ở vị trí trung tâm của huyện, bao gồm thị trấn Ngô Mây, các xã Cát Tân, Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn và một phần xã Cát Hanh. Phát triển mới khu dịch vụ kho, bãi ở phía bắc sân bay Phù Cát; mở rộng thị trấn Ngô Mây về phía tây nam bao gồm cả sân bay Phù Cát.
Phân vùng đô thị, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển nằm ở phía bắc và phía đông huyện, bao gồm xã Cát Hải, thị trấn Cát Tiến và một phần các xã Cát Hải, Cát Minh, Cát Thành, Cát Khánh. Định hướng phát triển các khu đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ dọc tuyến đường ven biển ĐT.639.
Bảo tồn không gian và phát triển các loại hình du lịch sinh thái trên Núi Bà, đô thị Cát Tiến là đô thị động lực tại cửa ngõ của Khu kinh tế Nhơn Hội; hình thành đô thị Cát Khánh là đô thị du lịch, dịch vụ kinh tế biển. Tổ chức, phát triển vùng công nghiệp ở phía tây tuyến đường cao tốc Bắc Nam.
Đến năm 2030, huyện Phù Cát sẽ có 6 đô thị gồm Ngô Mây, Cát Tiến, Cát Khánh, Cát Hải, Cát Thành và Cát Hanh. Dự báo tỷ lệ đô thị hoá huyện Phù Cát đến năm 2030 khoảng 37%, đến năm 2040 khoảng 39,82%. Khu vực đô thị hóa mạnh tập trung vùng phía đông và phía tây Núi Bà.
Khu vực phát triển đô thị phía đông Núi Bà bao gồm Cát Tiến, Cát Hải, Cát Thành, Cát Khánh và lan tỏa đến Cát Minh. Ưu tiên đầu tư phát triển, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa; sớm thành lập thị trấn Cát Khánh và định hướng xây dựng phát triển các xã Cát Thành, Cát Hải đạt tiêu chí đô thị loại V.
Khu vực phát triển đô thị phía tây Núi Bà, trong đó, thị trấn Ngô Mây làm hạt nhân, lan tỏa phát triển đô thị về phía Cát Hanh, Cát Trinh, Cát Tân và một phần Cát Hiệp. Ưu tiên đầu tư phát triển, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, ưu tiên xây dựng phát triển xã Cát Hanh đạt tiêu chí đô thị loại V trước năm 2030.
Về phát triển công nghiệp, Khu công nghiệp Hòa Hội với quy mô diện tích khoảng 266 ha và Khu công nghiệp Cát Trinh khoảng 368 ha phát triển các ngành nghề sản xuất linh kiện điện tử, chế biến gỗ, cơ khí, may mặc, chế biến nông sản, thực phẩm, bố trí kho hàng....
Phát triển quỹ đất bố trí các khu kho bãi, trung chuyển trước khi được vận tải bằng đường hàng không, với quy mô 85 ha tại Cát Tân.
Phát triển cụm công nghiệp phía tây huyện, thuộc xã Cát Lâm và Cát Hanh (giao lộ giữa ĐT.634 và ĐT.633) với quy mô khoảng 45 ha, phát triển các ngành nghề chế biến nông lâm sản. Tiếp tục duy trì và kêu gọi các nhà đầu tư vào 4 cụm công nghiệp hiện có.
Về phát triển du lịch, huyện tập trung phát triển du lịch sinh thái, phát triển đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch, bao gồm Khu du lịch suối nước nóng Hội Vân; Khu du lịch suối khoáng Chánh Thắng; Khu du lịch sinh thái núi Bà; Khu du lịch Trung Lương - Vĩnh Hội; khu vực dọc biển từ Cát Tiến đến Cát Khánh,...
Ngoài ra, địa phương sẽ hình thành tuyến kết nối toàn bộ các điểm du lịch quan trọng và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái: Tuyến đường ven biển, QL.19B, ĐH.20 (đường ĐT.635 cũ), ĐH.22 (đường Lê Hoàn từ Quang Trung - Cát Lâm), ĐT.633, ĐT.634.
Đối với hệ thống giao thông, xây dựng tuyến đường vành đai về phía đông thị trấn Ngô Mây nhằm từng bước thay thế tuyến đường quốc lộ 1 hiện hữu (đường 3 tháng 2), quy mô 4 - 6 làn xe; xây mới tuyến đường từ Khu công nghiệp Hòa Hội đến sân bay kết nối q uốc lộ 19B, quy mô 4 - 6 làn xe.
Ngoài ra còn có đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài định hướng mở rộng quy mô 6-8 làn. Đầu tư nâng cấp hệ thống đường tỉnh đi qua địa bàn huyện bao gồm ĐT.633, ĐT.634, ĐT.638, ĐT.640.
Bổ sung tuyến đường mới phía bắc huyện đảm bảo nhu cầu phát triển; chỉnh tuyến ĐT.633 tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 4 làn xe.
Xây dựng mới các tuyến tạo động lực phát triển kinh tế xã hội kết nối đến các khu vực phát triển du lịch sinh thái (Núi Bà, hồ Tường Sơn, hồ Mỹ Thuận…); kết nối hành lang công nghiệp Cát Trinh – Khu kinh tế Nhơn Hội.
Các tuyến được xây dựng trên cơ sở nâng cấp từ đường hiện trạng kết hợp xây dựng mới một số đoạn tuyến, bao gồm đường Cát Hưng - Cát Thành hai làn xe; đường Cát Thành - Núi Bà hai làn xe; đường Cát Trinh - Cát Nhơn 4 - 6 làn xe.
Tỉnh cũng sẽ xây dựng hai tuyến hướng Bắc - Nam vượt sông La Tinh nối huyện Phù Cát - Phù Mỹ, xây dựng mới các tuyến giao thông trục xã phía nam huyện có quy mô 2 - 4 làn xe.