Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Cùng với khẩn trương tháo gỡ các vấn đề phát sinh, các chủ đầu tư đang tích cực đôn đốc nhà thầu tập trung thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Dự án gồm ba dự án thành phần: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Trong đó, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa phận hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99 km; điểm đầu kết nối điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km 235+000, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam; điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km 43+125 thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (Đồng Nai).

Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh 1.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đang được tập trung thi công. (Ảnh minh họa: Zingnews).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Dự án được chia làm 4 gói thầu, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Gói thầu số 2, dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dù khởi công sau nhưng tiến độ hiện nay đã vượt kế hoạch đề ra.

Gói thầu này với chiều dài hơn 31,2 km qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Sau hơn 4 tháng phát động khởi công đã hoàn thành khối lượng lớn. Nhà thầu tổ chức 11 mũi thi công, trong đó 5 mũi thi công cầu, 6 mũi thi công đường với hơn 500 cán bộ, công nhân đang làm việc tại công trường.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, chỉ huy trưởng gói thầu số 2, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, đơn vị đã tập trung nhân sự, thiết bị để triển khai thi công ba ca liên tục, đến thời điểm này cơ bản thi công được gần 9 km.

Ông Bùi Minh Dũng, cán bộ Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, luôn bám sát công trường và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của dự án cũng như đảm bảo các mặt về vệ sinh môi trường, an toàn lao động trên toàn tuyến.

Hiện các đơn vị đang tập trung tổng lực thi công các gói thầu nhằm đảm bảo tiến độ dự án trong vòng 24 tháng theo quy định.

Theo ông Trác Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai dự án, đối với những khó khăn vướng mắc được chủ đầu tư báo lên, huyện đều tập trung chỉ đạo xử lý, tháo gỡ ngay để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công.

Toàn tuyến dự án Đường cao tốc đoạn qua địa bàn Bình Thuận đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Đến nay, diện tích đất sạch đã bồi thường đạt 98,7%. Toàn tỉnh hiện còn 24 hộ chưa nhận tiền bồi thường, trong đó có 17 hộ thuộc thẩm quyền giải quyết của các huyện và 7 hộ có kiến nghị khác đang được các sở, ngành xem xét, giải quyết. Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, đôn đốc giải quyết dứt điểm, hoàn thành nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao.

UBND tỉnh Bình Thuận mới đây đã ra văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại và giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại, gồm di dời viễn thông; điện trung hạ thế và điện cao thế 110kV, phấn đấu cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 đảm bảo phục vụ thi công dự án trước ngày 15/6/2021…

Riêng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp cho dự án, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ công tác liên ngành khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó lưu ý đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép khai thác đối với các mỏ theo quy định pháp luật.

Người đứng đầu tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của tỉnh để thống nhất số liệu trữ lượng, chất lượng của từng mỏ vật liệu đất đắp chính xác theo thực tế, làm cơ sở để UBND tỉnh xem xét giải quyết, đáp ứng nguồn vật liệu đất đắp cho dự án.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.