Bộ Công Thương: Chưa chốt được giá điện mặt trời mới dù giá cũ đã hết hạn áp dụng 1 tháng

Giá điện mặt trời 9,35 cent (2.086 đồng) đã hết hạn áp dụng khoảng 1 tháng nay, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết vẫn chưa chốt được kịch bản cuối cùng. Giữa tháng 9, Bộ sẽ trình lại Chính phủ kịch bản giá mới sau khi đã điều chỉnh.

Giá điện mặt trời ưu đãi 9,35 cent (2.086 đồng) tuy đã hết hạn áp dụng khoảng 1 tháng nay nhưng hiện chưa có quy định mới, là vấn đề được quan tâm tại buổi họp báo thường kì, diễn ra chiều 1/8/2019.

Bộ Công Thương bị chất vấn kể từ ngày 30/6, mức giá ưu đãi 9,35 cent cho điện mặt trời đã hết hạn, và khoảng 1 tháng qua vẫn chưa có quyết định cụ thể về giá mới. Liệu Bộ sẽ có kịch bản nào cho giá điện mặt trời trong thời gian tới?

nl-15437977157001252615205

Giá điện mặt trời 9,35 cent (2.086 đồng) đã hết hạn áp dụng khoảng 1 tháng nhưng vẫn chưa có quy định mới. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng từ trước đến nay, năng lượng tái tạo chủ yếu có 2 loại, là điện mặt trời và điện gió.

Chính phủ đã đưa ra chính sách đối với phát triển điện mặt trời với giá 9,35 cent, chỉ có một loại giá cho toàn bộ để phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, chính sách giá này đã hết hạn, kể từ cuối tháng 6.

"Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các chuyên gia và nhà khoa học, các địa phương để đề xuất lên 1 kịch bản tổng thể cho điện mặt trời trong thời điểm mới sau ngày 30/6", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Ông Hải cũng thông tin thêm cuối tháng 7, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ. Trên tinh thần hiện nay điện mặt trời không chỉ có 1 giá mà được chia làm nhiều mức, theo nhiều khu vực.

Nếu chỉ 1 giá thì chưa phù hợp, bởi các khu vực có bức xạ mặt trời khác nhau.

Ngoài ra, trước đây chỉ áp dụng một mức giá cho điện áp mái trên mái nhà, nhưng thực tế hiện đã có điện trên mặt đất, điện trên mặt nước nên phải có giá khác nhau.

Trước đây, Bộ Công Thương đã đưa ra kịch bản điện mặt trời theo 4 mức giá, tương ứng cho các vùng có bức xạ khác nhau. Nhưng theo góp ý từ các Bộ ngành, giá điện mặt trời lại còn 2 mức giá.

Ở kịch bản này, vùng 1 gồm 6 tỉnh có bức xạ nhiệt cao, gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk và vùng 2 là các tỉnh còn lại. Giá điện mặt trời theo mức lần lượt là 1.916 đồng/kWh (8,38 cent) và 1.758 cent/kWh (7,09 cent).

"Chúng tôi đang chỉnh sửa và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ", Thứ trưởng Hải cho biết thêm.

Dự kiến, ngày 15/9, Bộ Công Thương sẽ trình lại Chính phủ và Thường trực Chính phủ. Sau khi có ý kiến chính thức, Bộ sẽ thông báo rộng rãi đến công chúng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển trên thế giới, vì vậy đây là chính sách khuyến khích đúng đắn.

Dữ liệu của Bộ Công Thương cho biết tổng công suất điện mặt trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã lên đến khoảng 25.000 MW, còn điện gió là 16.500 MW. 

Đến hết tháng 6, đã có 89 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500 MW. Hiện gần 400 dự án điện mặt trời đang chờ được bổ sung vào quy hoạch, nhưng đang vướng quy định Luật Quy hoạch mới.

Trong khi đó, Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đến 2020 mới có 850MW năng lượng mặt trời. Đến 2020 dự kiến có tới 11.900 MW điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch.

Trước 30/6/2019, một loạt nhà máy điện mặt trời cùng đóng điện để được hưởng mức giá ưu đãi trong 20 năm khiến hệ thống lưới điện truyền tải bị quá tải, EVN buộc phải yêu cầu các nhà máy hạn chế công suất phát điện, kể cả điện gió cũng bị yêu cầu giảm công suất phát 30%. 

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.